Vụ ngộ độc tại trường Ischool Nha Trang: Nhiều phụ huynh Hà Nội đắn đo khi cho con ăn bán trú

Các học sinh điều trị tại bệnh viện sau khi bị ngộ độc. Ảnh: Vietnamnet
Các học sinh điều trị tại bệnh viện sau khi bị ngộ độc. Ảnh: Vietnamnet
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vụ hơn 600 học sinh ngộ độc thực phẩm phải vào viện sau khi ăn trưa tại trường Ischool Nha Trang khiến nhiều phụ huynh ở Hà Nội lo lắng, đắn đo không biết nên cho con mình ở trường dùng bữa bán trú hay đón về?

Chị Nguyễn Thị Thơm (quận Cầu Giấy) cho hay, chị có 2 con đang học mẫu giáo và tiểu học tại các trường công ở Hà Nội. Cả 2 bé đều bán trú, một bé ăn bữa trưa, một bé ăn cả sáng và trưa tại trường. "Đọc thông tin về vụ ngộ độc trong Nha Trang tôi lo lắm, không muốn cho con ăn ở trường nữa. Nhưng vợ chồng tôi không thể đưa đón con về, cho con ăn ngủ trưa tại nhà, nên đành chấp nhận cho con ở lại trường. Chúng tôi chỉ mong muốn nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn có tâm, sát sao hơn trong việc kiểm tra chất lượng, nguồn thực phẩm đầu vào, nấu nướng đảm bảo an toàn vệ sinh cho các con".

Có 2 con học tiểu học và đều ăn bán trú, chị Nghiêm Thuý Hường (quân Đống Đa) cũng nhiều băn khoăn. "Vụ ở trường Ischool Nha Trang biểu hiện ngộ độc đã rõ. Còn những trường hợp thực phẩm bị ôi, thiu mà các con ăn ít nên không biểu hiện hoặc bị thoáng qua thì cũng khó mà phát hiện được bữa ăn đó có đảm bảo hay không. Nếu bữa ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, lâu dài mà nhà trường không phát hiện ra hoặc lơ là kiểm soát thì rất nguy hiểm đối với sức khoẻ các con", chị Hường nói.

Chị Hường cho biết thêm, phụ huynh rất muốn đột xuất kiểm tra quy trình chế biến và chất lượng suất ăn bán trú của các con để biết các con ăn có đảm bảo dưỡng chất, có an toàn không. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, việc này không dễ thực hiện.

Chị Nguyễn Phương, mẹ 1 bé gái đang theo học tại 1 trường quốc tế ở Hà Nội tỏ vẻ bức xúc: "Vai trò của nhà trường ở đâu mà để xảy ra việc 1 cháu tử vong, hơn 600 cháu phải đưa vào viện do ngộ độc thực phẩm khi ăn tại trường? Bữa ăn cho trẻ em mà giá 70.000 đồng thì nguyên liệu không thể thế nào cũng được. Vụ ngộ độc này chứng tỏ nhà trường đã không sát sao trong việc giám sát đồ ăn thức uống, đầu vào của sản phẩm. Cuối tháng 8 vừa qua, con tôi cũng có hiện tượng ngộ độc thực phẩm khi ở trường về, đau bụng, buồn nôn, rồi con đi ngoài nhiều ngày. Lớp của con cũng nhiều cháu bị biểu hiện đau bụng âm ỉ, đi ngoài nhiều ngày. Con tôi sau bữa đó không dám ăn nhiều, con bảo đồ ăn không ngon và nói sợ đồ ăn của trường. Phụ huynh đã phản ánh và nhà trường cũng nói rút kinh nghiệm, coi thế là xong".

Xót con nên hiện buổi trưa, chờ con ăn xong chị Phương lại gọi webcam cho con để thấy con bình thường mới an tâm. Gia đình đã nghĩ đến việc cho con về ăn ở nhà, thậm chí định chuyển trường cho con nhưng "tính đi tính lại, đành để con học tiếp ở trường ấy".

"Theo tôi, các đoàn thanh tra thực phẩm cần thanh tra, kiểm tra liên tục các bếp ăn của nhà trường để phát hiện, xử lý kịp thời nếu có hiện tượng thực phẩm không đảm bảo đưa vào trường học, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho tập thể học sinh trong trường", chị Phương nêu quan điểm.

Đề cao vấn đề an toàn thực phẩm trong nhà trường, chị Hoàng Thanh Vân có con học theo học tại một trường trên địa bàn quận Long Biên cũng mong muốn lãnh đạo các trường, các cấp sẽ chú ý nhiều hơn trong phục vụ suất ăn bán trú cho học sinh, đặc biệt, là khâu nhập khẩu nguyên liệu, chế biến và bảo quản món ăn.

Chị Vân cho biết: "Gia đình tôi quyết định cho con ăn bán trú ở trường vì thứ nhất là cho con tự lập, được sống tự giác và có tập thể. Thứ hai là bố mẹ cũng đi làm không đón được con, để con về ăn trưa vội vàng không được nghỉ ngơi thì không ổn.

Tuy nhiên, sau sự việc ở Nha Trang tôi và cả gia đình đều rất lo lắng. Hiện tại ban giám hiệu nhà trường chưa xin ý kiến phụ huynh về việc giám sát bữa ăn của các con. Nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ các phụ huynh khác cũng như tôi muốn có tổ giám sát, kiểm tra thường xuyên việc phục vụ suất ăn tại trường, không để xảy ra sự việc đau lòng như ở Nha Trang".

Chị Vi Thị Khánh Huyền (phố Thiên Hiền, Nam Từ Liêm) theo dõi thông tin về diễn biến vụ hàng trăm học sinh Ischool Nha Trang ngộ độc từ những ngày đầu xảy ra sự việc. "Tôi đọc báo và thấy thông tin các em học sinh cho rằng thức ăn có mùi ôi thiu. Thật tàn nhẫn khi cho trẻ ăn những đồ ôi thiu như vậy", chị Huyền nói.

Chị Huyền có 2 con gái học mẫu giáo và cấp 1 ăn cơm ở trường, đến cấp 2 các cháu về nhà ăn cơm. Dù may mắn con chưa từng bị sự cố với thực phẩm ở trường nhưng theo chị Huyền, "phụ huynh nên dạy con sớm biết cách nhận biết thực phẩm ôi thiu và cũng nên trao đổi với giáo viên ngay từ đầu để con ăn tự nhiên, không bắt ép ăn nếu không thích, vì còn tùy sức khỏe mỗi cháu. Đôi khi chính những cháu vì sợ thầy cô bắt buộc ăn hết suất ăn lại là những trẻ bị ngộ độc nặng nhất".

Anh Đỗ Đình Vũ (Lê Quang Đạo, Nam Từ Liêm) cho rằng, để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên tự chuẩn bị bữa trưa để con đem theo đến trường. "Tôi thấy học sinh tiểu học ở nước ngoài mang đồ ăn trưa đi theo học rất phổ biến, mặc dù trường cũng có phục vụ đồ ăn trong canteen. Việc này vừa đảm bảo an toàn thực phẩm lại vừa tập cho trẻ tính tự lập cao. Tôi mong rằng ở Việt Nam các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc và áp dụng và trường tạo điều kiện theo cách này", anh Vũ nói.

Theo Trung tâm Y tế Nha Trang (Khánh Hòa), ngày 17/11, hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang (7 đến 16 tuổi) ăn trưa tại trường với các món: cơm gà, sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh và dưa leo. Sau khi ăn, các em đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, sốt, nôn, buồn nôn...

Ngày 21/11, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 648 ca là học sinh của trường với biểu hiện ngộ độc thực phẩm, số ca ổn định cho về theo dõi 261. Số ca nhập viện 387, số ca xuất viện là 176. Số ca đang điều trị: 211 ca. 21 ca nặng theo dõi ngày 20/11/2022, hiện tại tình trạng ổn định. 1 ca tử vong.

Đến chiều 22/11, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo kết quả xét nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả xét nghiệm đã phát hiện vi khuẩn Samonella spp trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cereus trong mẫu trên là chủng sinh độc tố lý giải hồng cầu và độc tố ruột không lý giải hồng cầu. Đồng thời, phát hiện vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.

Tính đến 11 giờ ngày 22/11, tổng số ca tiếp nhận tại các BV liên quan đến sự việc tăng lên là 662 ca. Trong đó, xử trí ổn định cho về theo dõi 274 ca; nhập viện điều trị nội trú 388 ca. Trong số 388 ca điều trị nội trú, đã xuất viện 251 ca (tăng 75 ca so với ngày 21/11), đang điều trị 137 ca (giảm 74 ca so với ngày 21/11); không có trường hợp nặng cần theo dõi.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.