Từ giữa năm 1940, quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay để thu thập các thông tin tình báo. Chiếc máy bay do thám trong vụ va chạm nghiêm trọng với máy bay Trung Quốc hồi năm 2001 là một trong số 11 chiếc máy bay lúc đó của Mỹ, được sử dụng để lùng sục các thông tin mà hệ thống vệ tinh không thể đáp ứng được.
Mặt đối mặt
Chiếc EP-3 Aries II của Hải quân Mỹ được thiết kế bởi hãng Lockheed Martin, được trang bị máy thu, ăng-ten và phần mềm đặc biệt để thu thập và xử lý một loạt hệ thống các tín hiệu. Các máy bay do thám này thường có một phi hành đoàn gồm nhiều thành phần, như các nhà ngôn ngữ học, mật mã học cùng các kỹ thuật viên.
Trên chiếc máy bay va chạm của Mỹ bay qua Biển Đông hồi năm 2001 mang theo một đội thám sát gồm 18 thành viên từ lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân, ngoài ra là 6 thành viên phi hành đoàn.
Chiếc EP-3 của Mỹ rời Okinawa vào sáng sớm với sứ mệnh giám sát các thông tin liên lạc của Trung Quốc cũng như các tín hiệu của hệ thống radar và vũ khí của đối phương. Sau hơn 5 tiếng làm nhiệm vụ, khoảng hơn 9h ngày 1/4/2001 ở độ cao khoảng 6.900 mét, chiếc EP-3 bay dọc theo đường mòn giám sát trên bờ biển Hong Kong trong không phận quốc tế.
Do lúc đó đã bay gần hết chặng đường và chuẩn bị quay trở lại căn cứ, phi công chỉ huy - Đại úy Shane Osborn - quyết định trở về sớm hơn dự định với chế độ bay tự động. Nhưng ngay sau đó, bất ngờ hai máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc xuất hiện trên vùng trời cách đó khoảng 1,6 km.
Một trong hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp cận từ phía sau đuôi trái và áp sát chiếc EP-3 chỉ khoảng 3 mét. Sau đó, phi công của chiếc máy bay Trung Quốc là Wang Wei, đã ra hiệu chào phi hành đoàn của Mỹ trước khi tiếp cận tới 3 lần và gặp nạn.
Phi công Wang Wei đứng trên buồng lái của một chiếc máy bay phản lực. Sau vụ va chạm với máy bay do thám của Mỹ ngày 1/4/2001, các quan chức Trung Quốc báo cáo rằng, Wang đã nhảy dù xuống biển và được cho là đã thiệt mạng. (Getty Image) |
Thời khắc kinh hoàng
Mỹ thực hiện khoảng 200 nhiệm vụ trinh sát mỗi năm trong khu vực, và đây không phải lần đầu tiên các phi công Trung Quốc bao gồm cả Wang Wei, ngăn cản máy bay do thám của Mỹ. Trước đây, phía Trung Quốc thường chỉ tiếp cận máy bay của Mỹ, báo cáo những gì nhìn thấy với chỉ huy mặt đất rồi quay về căn cứ.
Tuy nhiên gần đây, theo lời các phi công Mỹ, nhiều lần các phi công Trung Quốc đã đâm thẳng vào máy bay do thám của họ hay vượt qua với tốc độ cao. Một thành viên phi hành đoàn máy bay EP-3 nhớ lại: “Phi công Wei như phát điên, anh ta cho máy bay áp sát tưởng chừng như có thể nhảy từ mũi máy bay này sang máy bay kia vậy”.
Trước đó, Mỹ nhiều lần gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng, cách hành xử như vậy sẽ nguy hiểm cho cả phi hành đoàn Mỹ và Trung Quốc; tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng Mỹ đang xâm phạm không phận thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Sáng ngày 1/4/2001, phi công Wang Wei sau lần tiếp cận đầu tiên, đã điều khiển chiếc J-8 tiến gần chiếc EP-3 lần thứ hai, chỉ cách khoảng 1,5 mét, thậm chí còn nói chuyện với phi hành đoàn Mỹ. Thế nhưng đến lần thứ 3, do di chuyển máy bay quá gần, chiếc J-8 của phi công Wei đã bị hút bởi một cánh quạt của chiếc EP-3.
Vụ va chạm nghiêm trọng đã khiến chiếc J-8 vỡ đôi. Những mảnh vỡ của chiếc J-8 va đập mạnh với thân chiếc EP-3, làm hư hỏng nặng mái vòm che chắn các thiết bị radar cùng 2 cánh quạt và 1 động cơ. Chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc lao xuống biển, còn máy do thám của Mỹ gần như bị úp ngược, thay đổi áp suất đột ngột khiến cả phi hành đoàn hỗn loạn.
Một thành viên phi hành đoàn nhớ như in cú va chạm khủng khiếp: “Áp suất thay đổi chóng mặt, máy bay bị rung lắc mạnh. Chúng tôi rơi xuống như một tảng đá và tất cả nghĩ rằng… chúng tôi sẽ chết. Đại úy Osborn, phi công chỉ huy lúc đó đã cố kiểm soát máy bay, ông ra lệnh cho tất cả mọi người chuẩn bị nhảy dù”.
Gió rít bên trong cabin, đèn cảnh báo nhấp nháy trong khi máy bay đang lao xuống, các thành viên phi hành đoàn vẫn cố gắng vừa truyền đi các mệnh lệnh vừa đeo dù, áo phao và mũ bảo hiểm. Cả phi hành đoàn lúc đó đã sẵn sàng để nhảy xuống biển nhưng cuối cùng, Đại úy Shane Osborn đột ngột đổi ý.
“Nếu tôi để máy bay rơi xuống biển, tất cả có thể sẽ chết hết”, phi công Osborn kể lại. Theo Đại úy Osborn, trong khi chưa biết máy bay còn duy trì được bao lâu thì lựa chọn duy nhất là căn cứ không quân Lingshui của quân đội Trung Quốc ở đảo Hải Nam gần đó.
Một chiếc laptop bị các thành viên phi hành đoàn EP-3 Aries II phá hủy theo cách thức “thủ công” (Nguồn: Báo cáo Hải quân Mỹ và NSA) |
Kế hoạch chớp nhoáng
Các thiệt hại không lường hết được đã bắt đầu khi phi công chỉ huy Shane Osborn quyết định hạ cánh chiếc EP-3 trên lãnh thổ Trung Quốc. Có nghĩa là phi hành đoàn chỉ có khoảng 20 phút để hoàn thành tất cả những gì cần làm trước khi hạ cánh song vấn đề là họ đã không biết bắt đầu từ đâu!
Đây không phải là lần đầu tiên các thông tin mật của Mỹ đứng trước nguy cơ bị tổn hại và phải thương lượng, thỏa hiệp. Năm 1968, CHDCND Triều Tiên bắt giữ tàu do thám cải trang USS Pueblo, được cho là một trong những thất bại lớn nhất của tình báo Mỹ. Phía Mỹ sau đó đã phải mua lại một lượng lớn các tài liệu tình báo nhạy cảm cao có trên tàu từ phía Triều Tiên.
Kể từ đó, các thủy thủ đoàn bắt đầu được đào tạo về cách thức, thủ tục hủy tài liệu trong tình huống khẩn cấp. Thế nhưng, với phi hành đoàn EP-3, chỉ có một thành viên có kinh nghiệm từng tham gia vào một chuyến bay bị đột nhập khẩn cấp trong khi bay.
Thế là các thành viên được chỉ đạo phá hủy các vật liệu, thiết bị nhạy cảm bằng một chiếc rìu. Nhưng họ không biết rằng, với những ổ đĩa cứng hay máy tính thì cần phải có một cách tiêu hủy đặc biệt khác để ngăn ngừa việc phục hồi dữ liệu. “Chúng tôi đã tập nhảy dù hàng triệu lần. Chúng tôi đã tập bắn. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ được thực hiện các thủ tục phá huỷ khẩn cấp các dữ liệu. Vì thế, chúng tôi đã không hoàn thành được nhiệm vụ đó”.
Phi hành đoàn đã phải xé các tập giấy bằng tay rồi ném đi, với hy vọng phía Trung Quốc sẽ không thể phục hồi. Họ cũng lấy các băng cassette có chứa dữ liệu và hủy một cách thủ công là kéo cho đến khi rách thì thôi. Còn với máy tính, tiêu hủy theo kiểu “tiện đâu hủy đấy”, như đập xuống sàn hay bẻ cong… Nhưng tất cả các biện pháp này đều không đảm bảo rằng, phía Trung Quốc có thể phục hồi dữ liệu hay không.
Một thành viên khác kể lại, có ai đó đã đưa cho anh một chiếc cặp “siêu nặng” rồi hét lên rằng: “Hãy tiêu hủy chúng!”. Dựa vào mô tả trong báo cáo của Hải quân Mỹ, chiếc cặp có thể là một chiếc hộp đen CMS bằng nhôm hoặc hộp COMSEC, có chứa tài liệu và thiết bị mã hoá bí mật rất nhạy cảm của cả chuyến bay. Các thành viên đã cố gắng vứt bỏ một số tài liệu mật mã quan trọng cùng 2 máy tính xách tay. Thế nhưng, 16 mã khóa, máy tính xách tay và một máy tính lớn để xử lý tín hiệu tình báo vẫn còn trên máy bay chưa kịp tiêu hủy.
Đối với các thiết bị thu tín hiệu, đã phá hủy các thiết bị đầu cuối và điều khiển, nhưng lại không phải là bộ điều chỉnh và bộ xử lý tín hiệu - phần quan trọng nhất của hệ thống. Một số thiết bị dữ liệu và giọng nói mật mã cũng đã không kịp xử lý.
Mỹ đã có một thỏa thuận với Nga về việc các phi hành đoàn Mỹ cần phải làm gì nếu họ phải thực hiện một lộ trình khẩn cấp vào lãnh thổ Nga, bao gồm cả việc sử dụng các sóng vô tuyến và thông điệp cảnh báo, song đã không có bất cứ thỏa thuận hay hướng dẫn nào giữa Mỹ và Trung Quốc thời điểm đó.
Kết quả, phi công của chiếc EP-3 đã gửi một loạt các cuộc gọi báo nguy (Mayday call) vào một tần số gọi và báo nguy quốc tế - thay vì tần số mà phía Trung Quốc sử dụng và tất nhiên, không có bất cứ phản hồi nào. Vì thế, Đại úy Osborn đã phải đáp máy bay khẩn cấp xuống căn cứ không quân Lingshui trên đảo Hải Nam của Trung Quốc bằng bất cứ giá nào…
(Mời xem tiếp số sau)