Theo tìm hiểu, sau khi xảy ra vụ tàu kéo và sà lan bị chìm trên biển Lý Sơn, ông Lê Văn Trung (ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An) đã đến Quảng Ngãi để nhận dạng người thân.
Theo ông Trung, khi nghe tin qua báo, đài về vụ tai nạn nói trên, ông đến nhà em gái xác minh và biết em rể là Võ Văn Sông có đi trên chuyến tàu gặp nạn.
Ông Lê Văn Trung (ngồi giữa) xác định được 3 thi thể là người quen ở tỉnh Long An. |
Khi được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cung cấp hình ảnh các nạn nhân đã tìm thấy thi thể, ông Trung nhận ra danh tính của 3 người.
Ngoài thi thể em rể Võ Văn Sông, 2 thi thể khác cũng là người quen ở cùng xã Long Hựu Đông, có tên là Đặng Văn Nhung và Đặng Văn Ước. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã liên hệ với gia đình các nạn nhân được xác định ở tỉnh Long An.
Như vậy, so với khai báo đăng ký danh sách ban đầu của đơn vị thuê tàu với cơ quan chức năng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) thì tên của thuyền viên trên tàu không đúng. Ba nạn nhân vừa được tìm thấy không có trong danh sách thuyền viên khai báo.
Các thuyền viên chụp hình trên tàu trước khi xuất bến ở cảng Kỳ Hà (Quảng Nam). |
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Công ty TNHH MTV Minh Linh (chủ tàu kéo và sà lan bị chìm), trong hợp đồng chỉ thuê ông Phạm Văn Hiệp làm thuyền trưởng, còn ông Hiệp gọi thêm người đi trên tàu thì công ty không nắm được.
Đại diện Công ty TNHH Lý Tuấn (đơn vị thuê tàu và sà lan để chở đá) cho rằng, theo hợp đồng thỏa thuận giữa công ty với phía chủ tàu, trên tàu và sà lan có 3 người.
Tuy nhiên, quy định phải có đủ 5 người thì tàu mới được hoạt động bao gồm: thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ, thợ máy. Do đó, công ty có thuê thêm 2 người là ông Bùi Minh Trí (thủy thủ) và Võ Văn Nhiều (thợ máy) để vận hành sà lan và tàu kéo theo đúng quy định. Còn vì sao lại có sự khác biệt về thuyền viên thì công ty không hiểu được.