Với Kết luận mới nêu trên, bà Đào Thúy Hằng (trú tại thôn Gai, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, Bắc Giang, mẹ nạn nhân Nguyễn Văn Thành) đã có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị vụ án “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng” theo thủ tục tái thẩm vì có dấu hiệu sót người, lọt tội.
Đâm người do “đèn xe” hay muốn cướp tiền?
Theo bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm thì vào đêm 25/10/2012, Vũ Khắc Tùng (SN 1988), Trần Đình Duy (SN 1992) và Hoàng Văn Kiên (SN 1994, cùng trú tại huyện Lục Nam) đến nhà Từ Văn Hiếu (xã Tiên Hưng, Lục Nam, Bắc Giang) chơi và uống rượu.
Khi thấy có người bị ngã xe trước cửa, Kiên đi ra xem. Khi đó, Nguyễn Văn Đức (SN 1985, trú tại thị trấn Đồi Ngô) đi xe máy chở anh Nguyễn Văn Thành (SN 1990, trong túi quần anh Thành để 70 triệu) cũng dừng xe lại xem. Thấy đèn xe máy sáng, Kiên bảo Đức tắt đèn xe để khỏi gây chói mắt nhưng Đức không tắt nên hai bên xảy ra xô xát.
Thấy vậy, Tùng và Duy ở trong nhà Hiếu đã chạy ra xông vào đánh Đức. Trong lúc hai bên đánh nhau, Tùng đã rút dao (loại dao gấp, để trong túi quần) đâm liên tiếp nhiều nhát vào lưng anh Thành. Sau đó, Duy còn dùng hai đoạn gậy gỗ để đánh vào đầu, vào mặt và vào cổ Thành. Hậu quả làm anh Thành bị tử vong do sốc mất máu bởi vết thương thấu ngực hai bên.
Xét xử sơ thẩm vụ án này, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Tùng 20 năm tù, Duy 15 năm tù, cùng về tội “Giết người”; Kiên 15 tháng tù, Hiếu 10 tháng tù (cho hưởng án treo); Đức 10 tháng tù, cùng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Không đồng ý với bản án trên, bà Hằng đã kháng cáo đề nghị tuyên phạt tất cả các bị cáo về tội giết người, tăng hình phạt và tăng mức bồi thường; xem xét về dấu hiệu của tội Cướp tài sản vì sau khi bị đâm, anh Thành đã bị mất 70 triệu đồng. Trong khi đó thì Tùng, Duy, Đức đều có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã bác các kháng cáo nêu trên và tuyên giữ nguyên phán quyết của tòa cấp sơ thẩm.
Có căn cứ để tái thẩm?
Đưa ra phán quyết trên đây, cả hai cấp Tòa đều dựa vào giám định của Phòng Giám định pháp y (Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang) rằng, “các vết thương bầm tím trên người nạn nhân là do vật tày tác động gây nên… Cơ chế hình thành 6 vết thương rách da vùng lưng nạn nhân do vật sắc nhọn gây nên”. Con dao gửi giám định (được cho là hung khi do Tùng sử dụng) có thể tạo được các vết thương này.
Cho rằng giám định trên là chưa đầy đủ và thiếu chính xác nên sau khi xử phúc thẩm, bà Đào Thúy Hằng đã đề nghị Viện Giám định Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế) thực hiện giám định dựa trên trên hồ sơ tài liệu. Ngày 12/6/2014, cơ quan này đã có Kết luận khẳng định “trên cơ thể anh Thành xác định được 8 vết thương…; các vết thương ở lưng, mạn sườn do 2 loại hung khí gây ra: Một vật nhọn có cạnh tương đối sắc, có độ dày khoảng 0,3cm, bản rộng khoảng 0,8 cm và một vật sắc nhọn, bản mỏng”.
Theo Kết luận trên thì rõ ràng, các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã chưa làm rõ được ai đã dùng một hung khí khác (ngoài con dao thu giữ được) để đâm anh Thành. Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án thì Tùng chỉ thừa nhận đâm nạn nhân 3 nhát. Như vậy thì cũng chưa rõ ai là người gây ra 5 vết đâm còn lại.
Được biết, không chỉ hiện nay mà ngay từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, bà Hằng đã “tố” việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án này. Đặc biệt, ngay tại phiên tòa sơ thẩm thì cả luật sư bào chữa cho bị cáo Duy và Tùng đều kiến nghị HĐXX hoàn lại hồ sơ vụ án để làm lại thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường cũng như xem xét có đồng phạm khác hay không. Tuy nhiên, đề nghị của cả hai phía này đều không được Tòa chấp nhận.
Theo bà Hằng, việc thực nghiệm điều tra trong vụ án này là không khách quan vì được tiến hành trong trại giam chứ không phải thực hiện ở hiện trường. Hơn nữa, việc Tùng đâm người như thế nào thì không có ai chứng kiến mà Cơ quan THTT chỉ hoàn toàn tin vào chính lời khai của Tùng. Nhưng ngay lời khai này cũng vô lý vì nếu tay Tùng không bị ngẹo thì bị cáo này không thể cầm dao bằng tay phải và hướng mũi dao vào trong để đâm vào sườn trái anh Thành (khi đó đang đứng phía trước) được.
Ngoài ra, cơ quan THTT cấp sơ thẩm đều đã xác định: khi được Duy gọi ra “tiếp ứng”, Hiếu đã cầm 1 gậy gỗ dài 1m chạy ra đánh nhau. Sau đó, chính gậy gỗ này đã được Duy dùng làm hung khí đánh anh Thành. Còn lúc bị đâm thì anh Thành và Kiên đang đánh nhau. Như vậy thì dấu hiệu “giúp sức” của Kiên và Hiếu như trên đã rõ nhưng không hiểu sao cơ quan THTT cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại không xem xét việc hai bị cáo này có “đồng phạm” về tội “Giết người” mà lại truy tố, xét xử về tội “Gây rối trật tự công cộng”?