Khoản tiền 718 tỷ Ngân hàng ACB gửi vào Vietinbank chỉ là một phần nhỏ trong số 5.000 tỷ của vụ án Huyền Như. Trong phiên xử bầu Kiên, thực chất các tranh cãi về trách nhiệm của Vietinbank chỉ lặp lại một phần những gì đã nêu tại phiên tòa Huyền Như. Như vậy, cùng một vấn đề đã được giải quyết ở cả hai vụ án, cả pháp luật và thực tiễn đều cho thấy có sự bất hợp lý.
Lý nào cho Vietinbank?
Vietinbank cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm với những khoản tiền Huyền Như đã chiếm đoạt từ Vietinbank vì Huyền Như có ý định chiếm đoạt từ trước khi khách hàng gửi tiền, nguồn gốc tiền gửi do Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên là không hợp pháp, lãi suất thỏa thuận vượt trần quy định, nhân viên Ngân hàng ACB không trực tiếp đến Vietinbank để giao dịch, không tự quản lý tài khoản của mình để báo cho Vietinbank khi mất tiền, không lấy sổ tiết kiệm khi gửi tiền.
Vietinbank nêu chỉ có những khoản tiền có nguồn gốc như Ngân hàng ACB mới bị mất. Việc Huyền Như giả chứng từ rút tiền vay tiền Vietinbank không biết và không tranh luận về việc này trong vụ án bầu Kiên vì không liên quan.
Luật sư: Tại sao Vietinbank phải chịu trách nhiệm?
Ngân hàng ACB, các luật sư của ngân hàng này, cũng như những nạn nhân khác trong vụ án Huyền Như cho rằng tiền của họ đã được chuyển khoản qua hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, đã vào tài khoản hợp pháp của người gửi tiền tại Vietinbank. Căn cứ này làm phát sinh trách nhiệm của Vietinbank với khách hàng, khi Vietinbank để Huyền Như giả chứng từ để rút tiền, vay tiền từ Vietinbank.
Nguồn gốc tiền gửi, việc ủy thác của Ngân hàng ACB sai hay đúng, lãi suất có vượt trần hay không, khách hàng có trực tiếp đến ngân hàng giao dịch không cũng chỉ là những việc trước khi tiền vào tài khoản, không có liên quan đến việc Huyền Như giả chứng từ rút tiền, vay tiền, không làm thay đổi trách nhiệm của Vietinabank.
Ngân hàng ACB, các luật sư đều khẳng định, theo hợp đồng ký với Vietinbank, tiền gửi của họ là hình thức tiền gửi thanh toán có kỳ hạn, không phải tiền gửi tiết kiệm, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì không có thẻ tiết kiệm cho hình thức này. Chính Vietinbank cũng không phát thẻ cho khách hàng. Hơn nữa, ngay khi trường hợp Vietinbank không phát, khách chưa lấy thẻ tiết kiệm mà Vietinbank để Huyền Như giả chứng từ để rút tiền, thế chấp vay tiền và chính Vietinbank thu nợ từ tiền của khách hàng, dù hợp đồng thế chấp là giả thì Vietinbank vẫn phải chịu trách nhiệm.
Về việc Huyền Như có ý đồ chiếm đoạt từ trước, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Chính Vietinbank phải có trách nhiệm quản lý tiền do mình huy động của khách hàng, để bất cứ nhân viên nào dù có ý đồ chiếm đoạt cũng không thực hiện được. Hàng chục ngàn nhân viên của Vietinbank nói riêng và hàng trăm ngàn nhân viên của cả hệ thống ngân hàng nói chung hàng ngày đang giao dịch với khách, làm sao khách hàng có thể biết được họ có ý đồ chiếm đoạt hay không khi giao dịch.
Trách nhiệm của khách và sứ mệnh của Ngân hàng
Ngân hàng đã ra đời hàng trăm năm, nhằm thực hiện sứ mệnh trung gian tài chính, huy động tiền để cho vay và cung ứng dịch vụ thanh toán. Cả hai sứ mệnh này đều đòi hỏi ngân hàng thương mại phải quản lý chặt chẽ tiền đã chuyển vào ngân hàng, cả tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán có kỳ hạn và không kỳ hạn. Ngân hàng có quản lý chặt chẽ tiền huy động được thì mới có tiền để cho vay lại. Khi cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện lệnh thanh toán, rút tiền, chuyển tiền của khách, ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ, đảm bảo sự chính xác, kịp thời. Không thể có bất cứ tranh cãi nào khác về trách nhiệm của ngân hàng đi ra ngoài các sứ mệnh này.
Tiền hợp pháp hay bất hợp pháp, thậm chí tiền do phạm tội mà có, lãi suất là bao nhiêu … không làm thay đổi trách nhiệm của ngân hàng.
Vietinbank cho rằng khách hàng phải tự quản lý tài khoản của mình, tự quản lý số dư để nếu mất thì báo cho ngân hàng. Điều này liệu có nghĩa sau khi gửi tiền vào tài khoản của mình tại ngân hàng, khách hàng phải phải tự trông coi, quản lý số tiền này?
Quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước quy định khách hàng tự quản lý số dư trên tài khoản của mình có ý nghĩa khách hàng có trách nhiệm tự nhớ số dư của mình còn bao nhiêu để thực hiện việc sử dụng, rút tiền, chuyển tiền trong số dư đó. Quy định này không thể được hiểu là chủ tài khoản phải tự trông coi, kiểm soát tiền đi ra khỏi tài khoản của mình. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rất chặt chẽ về trách nhiệm của ngân hàng khi kiểm soát chứng từ giao dịch tài khoản, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách khi có lỗi trong việc này.
Tranh cãi là vô ích?
Cho dù các bên tranh cãi rất căng thẳng về trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án bầu Kiên, nhưng có lẽ các tranh cãi này là vô ích vì không được xem xét trong vụ án này?
Trong phần kết luận của Viện kiểm sát tại Tòa, sau khi luận tội các bầu Kiên cùng các cá nhân nguyên Thường trực HĐQT ACB về hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 718 tỷ gửi tại Vietinbank, về phần trách nhiệm của Vietinbank, Viện kiểm sat nêu không xem xét trong vụ án này.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, các câu hỏi về quá trình giả chứng từ, chiếm đoạt tiền của Huyền Như tại Vietinbank, về việc hạch toán và quản lý số tiền này tại Vietinbank đã không được đặt ra, làm rõ hoặc không được Huyền Như cũng như đại diện của Vietinbank trả lời.
Có thể hiểu, bầu Kiên cùng các cá nhân nguyên thường trực HĐQT ACB có thể bị kết tội cố ý làm trái khi gửi tiền vào Vietinbank mà không phụ thuộc vào trách nhiệm của Vietinbank?