Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị “Sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ – TTg” cho biết, sau 1 năm triển khai, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%). Tính từ năm 2012 đến hết tháng 6/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 785,93 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, tính từ ngày 15/8/2017, đến 30/6 vừa qua, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm 61.040 tỷ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%)...
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, VAMC đã thí điểm ký kết với 6 TCTD có nợ xấu bán cho VAMC và tổ chức phân loại trên 26.000 khoản nợ xấu đã mua và quản lý với dư nợ trên 10 tỷ đồng trở lên để nắm rõ thực trạng và phương án xử lý phù hợp. Tính đến 15/8, VAMC đã thu hồi gần 100.000 tỷ đồng trên 227.000 tỷ đồng nợ gốc mà VAMC đã mua và đang quản lý. Trong đó, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực tốc độ xử lý nợ xấu đã tăng lên rõ rệt.
Đại diện VAMC cũng cho hay trước đây có những khoản nợ 5-7 năm không thu được một đồng nào nhưng đến nay có những khoản VAMC mua theo giá thị trường ở mức 10 tỷ đồng cũng đã thu hồi được 5 tỷ đồng. Tổng nợ mua 3.500 tỷ đồng thì VAMC đã thu được trên 90% ước đạt 3.402 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch VAMC cũng cho biết hiện nay quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn một số vướng mắc do còn tồn tại quy định pháp lý cần tiếp tục điều chỉnh.
Cụ thể, Điều 8 Nghị quyết 42 quy định về rút gọn quá trình tố tụng và xử lý tranh chấp tài sản đảm bảo, nhưng trên thực tế, hơn 2.000 vụ việc của các cấp tòa án và thi hành án chưa có vụ nào được xử lý theo hình thức rút gọn này. Một vướng mắc nữa là các tài sản đảm bảo là bất động sản dở dang khi VAMC thu giữ hoặc bán chuyển cho chủ đầu tư mới còn vướng mắc vì chưa có hướng dẫn của Bộ TN&MT. “Mỗi địa phương lại có một cách hiểu, cách làm khác nhau dẫn tới việc có nơi chuyển giao được nhưng có nơi thì chưa…” - ông Đông cho hay.
Đặc biệt, Chủ tịch VAMC kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành, trước hết xử lý nhanh triệt để khó khăn về nguồn lực của VAMC, bao gồm cả: Vốn và con người. “Vốn điều lệ của VAMC được cấp là 2.000 tỷ đồng, vừa rối cố gắng quay vòng được 3.000 tỷ đồng, năm nay cố gắng 3.500 tỷ đồng. Năm nay các TCTD đăng ký bán 20.000 tỷ đồng, trong khi vốn của VAMC chỉ có 2.000 tỷ đồng Theo Quyết định 1058 thì năm 2018 VAMC sẽ được cấp vốn điều lệ tăng lên là 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 là 10.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa có nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua bán nợ thực tế của thị trường..” - Chủ tịch VAMC trình bày.
Liên quan đến đề xuất này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định cần tạo điều kiện thuận lợi để VAMC thực hiện mua bán nợ theo cơ chế thị trường, tăng cường năng lực tài chính quản trị cho VAMC, nhất là về nhân sự.