Tình nguyện về vùng khó
Cuối năm 1987, sau khi tốt nghiệp khóa y sĩ tại Trường Trung học Y tế Đồng Tháp, anh Trí kết duyên với chị Lan Hương, quê ở thành phố Cao Lãnh, là bạn học chung trường. Dù được phân công làm việc tại tỉnh, nhưng anh Trí cùng vợ mới cưới quyết tâm tình nguyện về huyện Tam Nông để khám, chữa bệnh và phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân… Đôi vợ chồng trẻ được phân công nhiệm vụ tại Trạm y tế xã Phú Hiệp!
Lúc bấy giờ, điều kiện sinh hoạt, công tác ở đây vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Đời sống người dân rất nghèo khổ, trình độ học vấn hạn chế, giao thông đi lại còn nhiều cản trở, không có đường bộ - chỉ đi lại bằng đường thủy.
Mỗi ngày, từ xã muốn ra huyện chỉ có một chuyến đò. Nếu trễ đò thì phải đi bộ trên con đường mòn, qua nhiều cầu tre rất mất thời gian và nguy hiểm. Xã không có trạm y tế, vợ chồng anh Trí, chị Hương phải ở nhờ nhà của Phó Chủ tịch UBND xã để tiện công tác.
Nhà có 2 chiếc giường tre, vợ chồng và 2 đứa con chủ nhà sử dụng 1 chiếc, nhường 1 chiếc cho vợ chồng anh Trí, chị Hương. Công tác chưa đầy một năm, anh Trí được UBND xã cất cho một căn phòng 16m2 bằng tre lá vừa để ở vừa để làm việc.
Mặc dù cơ sở vật chất - y dụng cụ còn nhiều thiếu thốn, nhưng mỗi năm, anh Trí và chị Hương phải khám chữa bệnh, đỡ đẻ cho hàng trăm người dưới ánh đèn dầu vào ban đêm để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Anh Trí nhớ lại: “Những trường hợp cấp cứu người bệnh và người bị chấn thương, vợ tôi thì loay hoay cầm đèn dầu, còn tôi lo cấp cứu, băng bó vết thương… Lúc sản phụ trở dạ, vợ tôi lo đỡ đẻ, còn tôi vừa cầm đèn dầu vừa phụ chăm sóc đứa bé mới chào đời…
Vào những ngày mưa bão, Trạm y tế bị nước ngập sâu, xuồng bệnh nhân vào thẳng cửa Trạm, người bệnh trên xuồng, vợ chồng tôi đứng dưới nước khám bệnh, đỡ đẻ là chuyện bình thường”.
Anh Trí quay sang nhìn vợ rồi kể tiếp: “Vất vả là thế nhưng bù lại được nhiều bà con yêu quý. Cuộc sống thật có ý nghĩa và hạnh phúc biết bao khi mình đã cống hiến và làm được việc có ích cho bà con”.
Anh Trí, chị Hương lúc bấy giờ chỉ mới là y sĩ, nhưng hai người luôn được mọi người yêu mến, tín nhiệm. Bởi anh chị sống rất hòa đồng, luôn nỗ lực vượt khó và phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ khi anh Trí, chị Hương có mặt tại địa phương thì chuyện khám chữa bệnh, sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được thay đổi, nâng lên theo hướng khoa học. Người dân không còn phải chịu sự may rủi khi phải chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan như cúng vái.
Công tác được 5 năm, vào năm 1991, y sĩ Lan Hương được điều động đến đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Trạm y tế xã Phú Đức. Năm 1993, y sĩ Lan Hương kiêm nhiệm luôn vai trò Phó trưởng Ban chuyên trách dân số - kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) xã Phú Đức cho đến năm 2013.
Còn năm 1991, y sĩ Trần Hữu Trí được điều động đến đảm nhiệm chức vụ Trưởng Trạm y tế xã Tân Công Sính, cũng là một xã vùng sâu của huyện Tam Nông (chưa có trụ sở Trạm y tế).
Hết lòng vì người bệnh
Đến năm 1994, thị trấn Tràm Chim được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Tân Công Sính. Y sĩ Trí được phân công làm Trưởng trạm Y tế thị trấn Tràm Chim. Với mong muốn được trang bị kiến thức chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ngày càng cao… công tác được 6 năm, y sĩ Trí quyết định đi học chuyên tu bác sĩ 3 năm.
y sĩ Lan Hương |
Hoàn thành khóa học năm 2003, bác sĩ Trần Hữu Trí trở về quê nhà và được phân công làm Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Năm 2006, bác sĩ Trí được đề bạt làm Phó trưởng phòng Y tế huyện Tam Nông. Từ năm 2009 đến nay, bác sĩ Trí được phân công là Phó Giám đốc rồi làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.
Đã có thâm niên công tác tại Trạm y tế xã - thị trấn nên bác sĩ Trí rất trăn trở và thấu hiểu với những khó khăn, thiệt thòi của người dân. Từ đó, bác sĩ Trí đã có kế hoạch tham vấn trực tiếp với lãnh đạo ngành Y tế cấp trên, đề xuất cụ thể với cấp ủy - UBND huyện kịp thời xây dựng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc, thiết bị, y dụng cụ hiện đại… phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đến nay, đa số các y, bác sĩ, dược sĩ… đều được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, luôn tận tâm phục vụ người bệnh. Các trạm y tế xã, thị trấn đều có bác sĩ, nữ hộ sinh - y sĩ sản nhi, dược sĩ trung học và y sĩ y học cổ truyền; 12 trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn quốc gia - ngoài các y cụ thông thường, các trạm y tế này còn được trang bị thêm thiết bị hiện đại đắt tiền như: máy siêu âm, máy đo điện tim, máy tổng phân tích nước tiểu... để chăm sóc người bệnh được thuận tiện hơn.
Đối với y sĩ Lan Hương, ở vùng quê xã Phú Đức, chị luôn thấu hiểu cảnh nghèo đói của nhiều hộ dân là sinh đẻ nhiều nên chị đã làm việc rất tích cực, không quảng ngại gian nan, vất vả.
Chị bộc bạch: “Trải qua gần 30 năm công tác trong ngành Y tế và hơn 20 năm phụ trách chương trình dân số - KHHGĐ, có rất nhiều lần tôi trực tiếp đi tuyên truyền, vận động, tiếp xúc với nhiều đối tượng, giáo dục, thuyết phục người dân tự nguyện chấp nhận áp dụng quy mô gia đình ít con - khỏe mạnh - hạnh phúc - giàu có. Từ đó, tôi đã tích lũy được khá nhiều kiến thức bổ ích và những kinh nghiệm quý để vận dụng vào nhiệm vụ kịp thời, đúng lúc và đạt hiệu quả cao...”.
Chính sự kiên trì, bền bỉ như thế, y sĩ Lan Hương luôn nhẹ nhàng thuyết phục, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm cụ thể nên nhận thức của nhân dân về công tác dân số-KHHGĐ đã được chuyển biến tích cực, nâng cao. Năm nào công tác dân số - KHHGĐ ở xã Phú Đức cũng đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.
Nói về công việc của hai vợ chồng, bác sĩ Trí chia sẻ: “Cho dù ở bất cứ nơi đâu, đảm trách nhiệm vụ gì, vợ chồng tôi đều nương tựa, dìu dắt, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất cao quý của người thầy thuốc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, giữ gìn mạng sống quý giá của con người”.