Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ, VNPT không ngại việc Viettel thâu nhận thêm EVN Telecom để trở thành “người khổng lồ” trên thị trường viễn thông Việt Nam.
Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rút lui khỏi thị trường viễn thông đã dẫn đến nhận định, đó là kết quả tất yếu của sự cạnh tranh mà các mạng di động nhỏ khó tồn tại trong thị trường khốc liệt. Quan điểm của ông về vấn đề này, thưa ông?
- Tôi nghĩ động thái này là việc EVN thực hiện chủ trương tập trung nguồn lực vào kinh doanh ngành nghề chính. Nhưng theo tôi, đây cũng là một bài học để chúng ta phải tổ chức hoạt động kinh doanh làm sao có hiệu quả. Tất nhiên, trong quá trình kinh doanh và trong cạnh tranh, nếu DN không đáp ứng được thì phải có sự thay đổi để tạo nên sự phát triển mới.
Nhiều người cho rằng, việc EVN Telecom sáp nhập thành công vào Viettel có thể khiến thị trường viễn thông quay về thời độc quyền khi có hai nhà mạng quá lớn còn các nhà mạng kia thì quá nhỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi nghĩ, đây không phải là độc quyền, mà cũng là thực tiễn chung của thế giới. Ngay cả thị trường Trung Quốc lớn gấp trên 20 lần so với thị trường Việt Nam mà cũng chỉ có 3 nhà khai thác thôi. Việt Nam hiện có 8 nhà khai thác. Vì vậy phải sắp xếp lại các DN viễn thông để tạo nên môi trường cạnh tranh thực sự.
VNPT hiện nắm giữ hai mạng VinaPhone và MobiFone. Nếu EVN Telecom sáp nhập vào Viettel, liệu VNPT có lo ngại khi đó Viettel sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều?
- Hiện nay, các loại hình dịch vụ phát triển theo hướng được tích hợp, và vì thế cơ sở hạ tầng của nhà mạng là rất quan trọng. Cho nên, giả sử Viettel tiếp nhận EVN Telecom thì tôi nghĩ đây cũng là điều tốt cho phát triển chung về viễn thông của quốc gia của. Về phía mình, VNPT cũng đang phải tích cực thay đổi để tạo nên sức mạnh mới.
Hiện nay, chúng tôi đang tính toán tổ chức mạng lưới hợp lý nhất trên quan điểm dùng chung cơ sở hạ tầng để giảm đầu tư và tăng cường hiệu quả. Trên cơ sở đó, sẽ phải tính đến vấn đề về tổ chức, vấn đề về thương hiệu và nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây là cả một quá trình tái cấu trúc của VNPT.
Nếu Viettel tiếp nhận EVN Telecom thành công, chúng tôi không lo ngại, bởi trong hoạt động kinh doanh, lúc nào cũng phải có giải pháp trước tình thế mới. Cũng giống các nước khác, quá trình cạnh tranh giống như quá trình sắp xếp lại, đơn vị nào đủ lực thì sẽ tồn tại được trên thị trường. Trách nhiệm của chúng tôi là phải tiếp tục cạnh tranh.
Xin cám ơn ông.
Trong năm 2011, cùng với kế hoạch tái cấu trúc lại tập đoàn, VNPT sẽ trình lên Chính phủ kế hoạch của tập đoàn đối với vốn chủ sở hữu ở hai mạng di động VinaPhone và MobiFone. |
Trâm Mai