Triển khai kịp thời và đồng bộ các nhiệm vụ lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển của Tập đoàn
Để bắt kịp các xu hướng công nghệ mới của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng uỷ Tập đoàn VNPT đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới tư duy xây dựng và triển khai chiến lược phát triển VNPT4.0 với 10 chương trình, 34 dự án chiến lược, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn.
Thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về triển khai thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn đã chủ động triển khai các điều kiện để làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cổ phần hoá Công ty mẹ - Tập đoàn. Tập đoàn đã bán/thoái vốn/thu hồi vốn được 05 danh mục, với tổng vốn thu được 776,4 tỷ đồng/525,6 tỷ đồng vốn đầu tư.
Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu, cơ cấu lại theo các Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/06/2014 và Quyết định số 2129/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tái cơ cấu thành công và thay đổi toàn diện Tập đoàn, đạt được một số kết quả quan trọng về chuyển đổi mô hình tổ chức, vận hành theo nguyên tắc phân lớp Kinh doanh – Hạ tầng – Dịch vụ, chuyển đổi hoạt động từ mô hình hệ mặt trời (Solar System) sang mô hình nhà máy sản xuất (Product Factory).
Tập đoàn VNPT khẳng định là DN tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số Quốc gia, thực hiện sứ mệnh trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030 |
Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
Trong giai đoạn 2015 – 2020, Tập đoàn VNPT không ngừng triển khai các giải pháp nhằm duy trì và mở rộng quy mô khách hàng. Tính đến 31/12/2019, so với cuối năm 2015, thị phần dịch vụ di động của Tập đoàn đạt 25,27%, tăng 4,27%; dịch vụ băng rộng đạt 5,7 triệu thuê bao, tăng 2,5 triệu thuê bao; dịch vụ truyền hình đạt 1,6 triệu thuê bao, tăng 0,6 triệu thuê bao. Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin đạt được tốc độ tăng trưởng đột phá đạt 64,1%/năm.
Năng lực tài chính của Tập đoàn tiếp tục được tăng cường, tình hình tài chính lành mạnh, dòng tiền được điều hành tốt, hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, đặc biệt: Tốc độ tăng doanh thu bình quân đạt 6,53%/ năm; Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 16,63%/năm; Thu nhập bình quân tăng trưởng 9,88%/năm/ người.
Năm 2019, VNPT lọt Top 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ mới tiêu biểu nhất của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Theo Brand Finance, giai đoạn 2016 - 2020 Thương hiệu VNPT và Vinaphone luôn trong Top 10 Thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Năm 2020 giá trị thương hiệu của VNPT tăng từ vị trí 72 năm 2019 lên vị trí 55, thương hiệu VinaPhone tăng từ vị trí 119 lên vị trí 106 trong 150 Thương hiệu Viễn thông lớn nhất trên thế giới. Trong vòng 5 năm từ 2016 - 2020, giá trị thương hiệu của VinaPhone đã tăng 167%.
Đầu năm 2020, theo công bố của Diễn đàn MEF, Tập đoàn VNPT là một trong 20 đơn vị viễn thông - công nghệ trên thế giới nhận được chứng chỉ MEF 3.0. VNPT cũng là đơn vị duy nhất của Việt Nam 2 năm liên tiếp đạt được chứng chỉ uy tín này, khẳng định vị thế tiên phong trong công cuộc dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Đảng bộ Tập đoàn VNPT đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đẩy mạnh chuyển đổi số hệ thống sản xuất kinh doanh của VNPT, với mục tiêu trở thành Tập đoàn số trong năm 2020.
Khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số Quốc gia
Khẳng định vị thế là doanh nghiệp tiên phong, Tập đoàn đang tham gia thiết lập các hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số có phạm vi ứng dụng ở quy mô quốc gia. Điển hình là hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Trung tâm điều hành thông minh IOC, Hệ thống định danh xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức, Hệ thống TTĐH Y tế, Bệnh án điện tử...
Đối với dịch vụ số cá nhân, VNPT đã đưa vào trên 50 dịch vụ mới thuộc các nhóm quảng cáo số, truyền hình trả tiền, tài chính số, M2M/IoT, Multimedia. Trong đó, số lượng khách hàng/user, số lượng giao dịch và doanh số thu cước qua kênh VNPT Pay tăng trưởng liên tục ở mức cao và bắt đầu chuyển dịch kênh bán hàng nạp thẻ trực tuyến. VNPT cũng sẵn sàng triển khai dịch vụ Mobile Money khi được cấp phép.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã ký thoả thuận hợp tác với 11 Bộ, Ngành, 16 Tập đoàn kinh tế/Tổng công ty/Ngân hàng, ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với 53/63 UBND tỉnh, thành phố; đã giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh Smart City tại 50 tỉnh, thành phố.
VNPT trong Top 10 DN có năng lực công nghệ mới tiêu biểu nhất của CMCN 4.0 |
“Hành động để bứt phá”
Hướng tới mục tiêu tổng quát: “Đổi mới phương thức lãnh đạo và năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy, xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh - Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp - Khẳng định vai trò chủ lực, dẫn dắt của Tập đoàn trong Chuyển đổi số tại Việt Nam”, Đảng bộ tập đoàn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân/năm đạt từ 5% đến 7%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân/năm đạt từ 6% đến 8%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân/năm đạt 5%.
Đồng thời thực hiện quyết liệt 4 đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, hạ tầng, công nghệ và cơ chế.
Nhiệm kỳ 2015 – 2020 khép lại, nhưng những thành tựu Tập đoàn đã đạt được dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ Tập đoàn cùng sự vào cuộc của các tổ chức Đảng, đoàn thể và sự quyết tâm của toàn thể CBCNV trên mọi miền Tổ quốc là những mốc son chói lọi, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Tập đoàn trong giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức.
Từ đó, mở ra một giai đoạn mới “Hành động để bứt phá” với những bước đi mới, táo bạo và thần tốc tiến thẳng vào kỷ nguyên số, khẳng định mạnh mẽ vị thế là Tập đoàn tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số Quốc gia, thực hiện sứ mệnh trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030.