Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau 25 năm tái lập tỉnh, với sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân, Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhân dịp năm mới 2022 và kỷ niệm 25 năm tái thành lập tỉnh (01/01/1997 – 01/01/2022) Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

PV: Thưa ông, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành quả nào đáng chú ý?

Ông Lê Duy Thành: Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ ngày 01/1/1997 sau 28 năm hợp nhất với tỉnh Vĩnh Phú. Khi tái lập, tỉnh gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao... Tuy nhiên, sau 25 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, có thể đánh giá là Vĩnh Phúc đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cụ thể như sau:

Kinh tế đạt mức tăng trưởng cao; ngành công nghiệp phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Kinh tế của tỉnh đã tăng trưởng vượt bậc sau 25 năm tái lập với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng 13,42%/năm. Quy mô nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2020 giá trị GRDP của tỉnh đứng thứ 14 cả nước, thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng và ước năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, gấp 69,6 lần so với năm 1997. Theo đó giá trị GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 105,5 triệu đồng/người cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước, đứng 5 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10 cả nước.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh liên tục đạt các mốc mới, nếu như năm đầu tái lập, thu ngân sách của tỉnh mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng thì 5 năm trở lại đây số thu ngân sách của bình quân hằng năm đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng.

Thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Năm 1998 trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.

Các ngành sản xuất phát triển khá, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh. Thời điểm tái lập tỉnh mới chỉ có 1 khu công nghiệp Kim Hoa với quy mô 50ha thì đến hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 14 KCN được thành lập, trong đó có 8 KCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 50,72%. Tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách tỉnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh như: tập đoàn Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức....

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản với nhiều cơ chế, chính sách đi tiên phong trong cả nước. Loại hình sản xuất quy mô vừa và lớn đang dần được hình thành, kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, thủy sản bắt đầu phát triển. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu miền Bắc về sản xuất ba vụ ổn định trong năm, trong đó vụ đông là vụ sản xuất hàng hóa.

Các ngành dịch vụ phát triển khá. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo phương thức hiện đại được phát triển ở nhiều khu vực dân cư. Hạ tầng du lịch nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Đại Lải,… được đầu tư, nâng cấp. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp. Mạng lưới xe buýt được hình thành, kết nối với thành phố Hà Nội và đến tất cả các huyện, thành phố. Dịch vụ điện thoại di động được phủ sóng toàn tỉnh. Dịch vụ tài chính, tín dụng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, diện mạo đô thị, nông thôn văn minh, hiện đại dần hiện hữu. Khi mới tái lập, các tuyến đường quốc lộ chủ yếu là đá răm, cấp phối đến nay đều được nhựa hóa 100%, ngoài ra tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 3 điểm lên xuống đã và đang là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Các tuyến đường tỉnh, huyện lộ đến nay đã cứng hóa đạt 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 46%.

Vĩnh Phúc đang được khẳng định là điểm sáng trong thu hút đầu tư

Vĩnh Phúc đang được khẳng định là điểm sáng trong thu hút đầu tư

Các lĩnh vực văn hóa xã hội được đầu tư, phát triển đồng bộ, đời sống nhân dân được nâng lên

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình lớn như: Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1000 giường bệnh (giai đoạn I), Bệnh viện Sản ‑ Nhi quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện…Các Chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai có hiệu quả, nhiều chỉ tiêu vượt mức trung bình của cả nước. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế được chú trọng, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân năm 2021 gấp 5,4 lần năm 1997 (năm 1997 là 2,6 bác sỹ/vạn dân, năm 2021 ước đạt 14 bác sỹ/vạn dân). Công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh được thực hiện ở cả 3 tuyến nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, đặc biệt khi Vĩnh Phúc là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước có ca bệnh COVID-9 nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân nên về cơ bản đến nay tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Các lĩnh vực văn hóa được chú trọng, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh được người dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được xóa bỏ.

Giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Cơ sở vật chất thiết bị dạy học được trang bị đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đến năm 2019 đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Học sinh Vĩnh Phúc có mặt ở tất cả các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, khu vực và quốc tế và luôn đạt thứ hạng cao, nhiều học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước.

Hàng năm toàn tỉnh tạo việc làm mới cho trên 20 ngàn lao động, trong đó đã chuyển đổi một lượng lớn lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” thu hút sự hưởng ứng của toàn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 0,44% năm 2021.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững

Công tác quân sự, quốc phòng địa phương luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Các cuộc diễn tập các cấp được chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo triển khai hiệu quả. An ninh chính trị được giữ vững, phương châm “an ninh chủ động”, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ được thực hiện tốt. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội được triển khai mạnh mẽ góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá đạt cao, trong đó tỷ lệ điều tra trọng án đạt 100%, không để hình thành tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được tăng cường góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

Ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Một trong những điểm nhấn của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm vừa qua là khả năng thu hút vốn đầu tư, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Duy Thành: Có thể đánh giá Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài như vị trí địa lý cũng như sự ổn định về chính trị xã hội, môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Các yếu tố này giúp thu hút sự quan tâm, tin tưởng đối với các nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh.

Thứ nhất, về vị trí tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế xã hội:Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên như gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, liền kề thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nguồn lao động dồi dào, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao so với trung bình cả nước.

Thứ hai, về quy hoạch: Vĩnh Phúc đã có quy hoạch đồng bộ, khép kín theo lãnh thổ định hướng cho đầu tư phát triển bền vững. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch ngành và lĩnh vực đã hoàn thành. Quy hoạch xây dựng đến nay đã khép kín theo lãnh thổ; quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010.

Thứ ba, về mức độ sẵn sàng của hạ tầng: Ở cấp tỉnh và cấp huyện đều có cơ quan chuyên trách làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất giao cho nhà đầu tư triển khai dự án. Theo đánh giá của VCCI năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương có Chỉ số cơ sở hạ tầng cao nhất cả nước.

Thứ tư, về quỹ đất phát triển KCN, CCN: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 12 KCN đã thành lập, trong đó đã có 08/12 KCN đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất quy hoạch là 2.338,53 ha, trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 1.716,92 ha; diện tích đất đã bồi thường là 1.044,05 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê: 893,47 ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 52%.Các KCN được xây dựng trên địa bàn tỉnh tạo ra quỹ đất sạch, có hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư.

Thứ năm, về chính sách cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp: Tỉnh Vĩnh Phúc luôn chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ đó nâng cao hiệu quả thu hút và xúc tiến đầu tư đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể như:

- Cải cách hành chính: Tỉnh Vĩnh Phúc đã rút giảm thời gian giải quyết và đơn giản các thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đẩy mạnh thực hiện thủ tục thủ tục thành lập doanh nghiệp qua mạng. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt việc cải cách hành chính thông qua “cơ chế một cửa” và “một cửa liên thông” thông qua trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện.

- Công tác hỗ trợ cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao của các doanh nghiệp nhập cảnh vào Việt Nam được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng tổng hợp nhu cầu cũng như các hỗ trợ cần thiết để giúp các lãnh đạo, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được sớm nhập cảnh vào Việt Nam.

- Công tác hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp:Tập trung giải quyết triệt để các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Trong năm qua, nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động của các doanh nghiệp trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt.

Với phương châm: “Các doanh nghiệp đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn đề cao sự năng động, sáng tạo và sẵn sàng dành cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sự ủng hộ cao nhất. Do vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, trong năm 2021, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể: dự kiến thu hút được 57 dự án mới, trong đó có 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 880 triệu USD và 135 triệu USD điều chỉnh tăng vốn, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020; cấp mới cho 22 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,90 nghìn tỷ đồng và 6,67 nghìn tỷ đồng điều chỉnh tăng vốn bằng 301% kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Vĩnh Phúc luôn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác

Vĩnh Phúc luôn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác

PV: Để đạt được những kết quả như trên, phải kể đến vai trò quan trọng của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ, ông có đánh giá ra sao về vấn đề này?

Ông Lê Duy Thành: Có thể khẳng định, để có được thành tựu sau 25 năm tái lập tỉnh, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ là đặc biệt quan trọng. Tùy từng thời điểm cụ thể, Đảng bộ tỉnh đưa ra những quan điểm, mục tiêu khác nhau nhưng tựu chung nhất đó là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trong đó:

Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm, thường xuyên và liên tục đổi mới về phương thức lãnh đạo trên tất cả các phương diện theo hướng ngày càng phong phú, phù hợp và hiệu quả. Qua mỗi nhiệm kỳ, phương thức lãnh đạo của Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội lại được xem xét, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm cũng như hạn chế, từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp điều chỉnh nhanh chóng, hợp lý.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành Đảng bộ tỉnh luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, mở rộng dân chủ, tăng cường thảo luận, tranh luận để thống nhất, tập trung và quyết định. Việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch; Không buông lỏng, coi nhẹ nhưng cũng không bao biện, làm thay, “lấn sân” các công việc không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm.

Trong các giai đoạn phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy từng nhiệm kỳ đều chủ động xây dựng chương trình công tác toàn khóa, ban hành các quy chế hoạt động, trọng tâm là nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, Tỉnh ủy lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, nổi bật để bàn bạc, thống nhất và ra các quyết nghị phù hợp.

Hằng tháng, hằng quý, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều lựa chọn các vấn đề quan trọng, những vấn đề nóng trong Đảng, hệ thống chính trị, trong Nhân dân để đưa ra thảo luận, bàn bạc và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, trong đó Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ, nội dung cụ thể, qua đó đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo cơ quan chính quyền cụ thể hóa các chủ trương, các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ một cách toàn diện. Kiên trì đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, cải cách hội họp, sơ kết, tổng kết, tránh hình thức trong các cơ quan đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng đề ra.

Có thể khẳng định, sau 25 năm kể từ khi tái lập đến nay, Vĩnh Phúc đã có những bước chuyển lớn về mọi mặt, thực sự đang dần trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963.

Kết quả ấy có được là nhờ sự lãnh, chỉ đạo toàn diện, năng động, sáng tạo và hiệu quả của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực của toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; Sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương toàn quốc và người Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam!

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.