Tăng trưởng GDP đứng thứ 9 toàn quốc
Thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ông Lê Duy Thành cho biết, năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành, triển khai đồng bộ các chỉ đạo, kết luận của Trung ương trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế; tập trung cao độ, quyết liệt cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Với nỗ lực đó, 18/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được địa phương đặt ra trong năm 2021 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt và 6 chỉ tiêu đạt, chỉ duy nhất 1 chỉ tiêu chưa đạt là mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Thu hút FDI “về đích” ngoại mục
Kết quả thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm tuy không đạt 50% kế hoạch, song 6 tháng cuối năm Vĩnh Phúc đã vượt xa kế hoạch đề ra khi thu hút được 36 dự án FDI đạt trên 1,025 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Lê Duy Thành, ban đầu khi xây dựng các chỉ tiêu UBND tỉnh cũng chỉ đề xuất GRDP khoảng 6,5-7%. Tuy nhiên, khi trình lên, HĐND tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 khoảng 8,5-9% nhằm áp sát mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Kết quả 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc đạt 14,21%, đứng thứ 3 cả nước (sau Hòa Bình và Ninh Thuận) và đứng thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 diễn ra trên cả nước, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa của các DN trên địa bàn, nên tăng trưởng GDRP cả năm của tỉnh chỉ đạt 8,02%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
“Tuy không đạt, song với mức tăng trưởng này, Vĩnh Phúc vẫn xếp thứ 9 của cả nước về tốc độ tăng trưởng và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,58% của GDP cả nước…” – ông Lê Duy Thành chia sẻ.
Thu - chi ngân sách đạt kết quả tích cực
Năm 2021, tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt 32.882 tỷ đồng, đạt 107% dự toán, xếp Top đầu các tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Trong đó, thu nội địa là 28.204 tỷ đồng, đạt 104% dự toán (Khu vực FDI ước đạt 18.826 tỷ đồng, đạt 86% dự toán; khu vực ngoài quốc doanh tăng 16% so với dự toán; thu từ tiền sử dụng đất ước đạt 4.376 tỷ đồng, đạt 438% dự toán…)
Chủ tịch Vĩnh Phúc cho biết, lâu nay tỉnh phụ thuộc lớn vào khu vực DN FDI nhưng năm 2021, thu ngân sách từ khu vực này giảm gần 4.000 tỷ đồng (giảm 24% so với dự toán) . “Vậy nguồn thu nào bù đắp? Mừng không chỉ số thu của Vĩnh Phúc đạt 107% dự toán mà tỷ trọng thu từ DN trong nước và nội địa tăng cao” - ông nói.
Với mức tăng 16% so với dự toán, thu từ khu vực ngoài quốc doanh trong năm 2021 là mức tăng cao nhất so với mọi năm. Mọi năm, tỷ trọng thu từ DN trong nước thấp, nhưng năm 2021, thu từ khu vực này lại cao, bù đắp cho sự thiếu hụt từ khu vực FDI. Điều này cho thấy thu ngân sách đang có sự chuyển mình tích cực, góp phần tạo cơ cấu nguồn thu bền vững.
Thu ngân sách đạt khá (32.882 tỷ đồng), trong khi chi ngân sách cả năm đạt 19.943 tỷ đồng, đạt 112% dự toán nhưng chỉ bằng 87% so với thực hiện năm 2020, đáp ứng nhiệm vụ chi năm 2021.
“Để có được kết quả ấn tượng trên, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, từ vĩ mô đến vi mô, từ nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đến đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, đời sống an sinh xã hội của nhân dân thông qua các căn cứ pháp lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu cấp thiết đặt ra” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ.
“Trong năm 2022, cùng với việc điều hành ngân sách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, trốn thuế, chống gian lận thương mại…, Vĩnh Phúc cũng sẽ ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho giai đoạn 2021-2025; kiên quyết tháo gỡ các “điểm nghẽn”, đặc biệt về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công. Đặc biệt, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, chính sách được ban hành để hỗ trợ DN, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa; xử lý các tồn tại, vướng mắc trong từng lĩnh vực, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi DN trong một số ngành, lĩnh vực bằng các giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng…”.
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Lê Duy Thành)