Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc tái thành lập với cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập và hạn chế.Trong đó, 04 tuyến quốc lộ dài 109km thì có đến 99km mặt đường nhựa hư hỏng nặng, còn 10km đường cấp phối. Đường tỉnh có 05 tuyến dài 80km thì có 30km mặt đường nhựa chất lượng kém, còn 50km là đường đất. Đường giao thông nông thôn có hơn 3.000 km, chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa; tỷ lệ cứng hóa mặt đường mới đạt 2,6%.
Sau 25 năm đầu tư, xây dựng, đến nay quy mô kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh tăng hơn 4 lần về số lượng và nhiều lần về chất lượng, phân bố đồng đều, hợp lý, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Vĩnh Phúc đã có nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông điển hình, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư vào tỉnh, trong đó phải kể đến các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2 trên địa bàn tỉnh và nhiều tuyến đường trọng điểm khác. Đến nay, các tuyến đường quốc lộ đều được nhựa hóa 100%; tổng số đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh đã được kiên cố hóa đạt 94,2%, góp phần quan trọng vào hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc cũng là địa phương được hưởng lợi từ tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa là trọng tâm phát triển của vùng và tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Vĩnh Phúc thu hút các nhà đầu tư.
Nhằm thúc đấy phát triển kinh tế, xã hội, lưu thông vận chuyển hàng hóa, nhiều tuyến giao thông huyết mạch cũng liên tục được mở ra, góp phần kết nối, kéo các xã vùng sâu, vùng xa gần với các trung tâm hành chính huyện lỵ và tỉnh lỵ; luân chuyển trao đổi hàng hóa tiêu thụ từ đồng bằng đến khu vực trung du, miền núi và ngược lại, giảm bớt chi phí thời gian lưu thông.
Hạ tầng giao thông tại Vĩnh Phúc được đồng bộ phát triển |
Ông Lê Văn Kiên – Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT tiếp tục đổi mới tư duy, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh đầu tư có chọn lọc, tập trung các công trình giao thông lớn, trọng điểm, tạo liên kết vùng, có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô, kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ; Hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.... Đây là những công trình khi hoàn thành sẽ tạo ra bước chuyển biến lớn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, khai phá tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của các vùng đất, địa phương trong tỉnh.
Đa dạng hóa phương thức vận tải
Giai đoạn 1997-2000, các thành phần tham gia vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng, việc khai thác phương tiện vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu do tư nhân, cá thể đảm nhận, hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún còn nhiều hạn chế. Đồng thời chưa có loại hình vận tải công cộng; hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ vận tải kém phát triển…
Đến nay, hoạt động vận tải đã được đồng bộ, đa dạng hóa phương thức, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh có 75 tuyến cố định, đáp ứng nhu cầu đi lại từ Vĩnh Phúc tới 21 tỉnh, thành phố trên cả nước do 33 doanh nghiệp và Hợp tác xã trong, ngoài tỉnh đảm nhận với gần 200 phương tiện; Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có 08 tuyến với 66 phương tiện hoạt động; Vận tải hành khách bằng xe taxi có 29 doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia hoạt động với 3.233 phương tiện. Vận tải hàng hóa có 2.528 đơn vị vận tải với 4.315 xe tải, đầu kéo và container tham gia khai thác.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, khối lượng vận chuyển hàng hoá đã đạt 161 triệu tấn hàng, tăng 27 lần; luân chuyển đạt 11.085 triệu tấn Km, tăng 39 lần so với giai đoạn 1997-2000. Vận tải hành khách đạt 90 triệu lượt hành khách, tăng 31 lần; luân chuyển đạt 6.625 triệu HK.km, tăng 24 lần so với giai đoạn 1997- 2000; doanh thu hoạt động kinh doanh vận tải đạt trên 20.000 tỷ đồng.
Ngành Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” |
Ông Lê Văn Kiên cho biết thêm: “Xác định việc đẩy mạnh phát triển năng lực vận tải, nhất là vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân là sự ưu tiên lớn của ngành trong thời gian vừa qua; thực hiện chủ trương phát triển các thành phần kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sở GTVT đã chỉ đạo và tham mưu kịp thời với tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phương tiện, phát triển thêm các loại hình vận tải khách công cộng như vận tải khách bằng xe buýt, xe taxi để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân”.
Mới đây, Sở GTVT cũng xây dựng, triển khai Đề án nâng cao chất lượng hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung phát triển kết cấu hạ tầng và mạng lưới tuyến; Nâng cao chất lượng đoàn phương tiện xe buýt; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt... từ đó góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến luật giao thông tới đông đảo người tham gia giao thông. Nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh, thành phố thực hiện được mục tiêu 3 giảm về tai nạn giao thông trong cả nước.