Theo đó, kinh phí cấp cho Sở Lao động, Thương binh & Xã hội và các cơ quan, đơn vị dành cho việc thăm hỏi, tặng quà các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh hơn 4,7 tỷ đồng; trên 33,8 tỷ đồng giao các địa phương chăm lo tết cho các gia đình chính sách, người có công và cứu trợ xã hội tại địa bàn.
Đặc biệt, Tết Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh giao mỗi sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà từ 5 đến 10 gia đình, cá nhân không thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo nhưng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do bệnh nặng kéo dài, gặp tai nạn rủi ro, không nơi nương tựa, không để hộ gia đình, cá nhân nào không có tết.
Tỉnh cũng dành kinh phí hỗ trợ, chăm lo tết cho 290 cá nhân tiêu biểu làm tốt công tác dân vận; 136 thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, 100 thanh niên tình nguyện tiêu biểu; 1.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mất việc, thu nhập không ổn định; 200 hội viên nông dân có thành tích trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Nguồn kinh phí này đã được giao trong dự toán năm 2022, các huyện, thành phố sẽ chủ động để thực hiện thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có công và đảng viên từ 50 tuổi Đảng trở lên, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thuộc hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn; người có hoàn cảnh khó khăn gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc gặp rủi ro bất ngờ.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 138.000 người có công với cách mạng; hơn 12.200 hộ nghèo và cận nghèo. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nói chung, người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo... nói riêng./.