Chỉ 10 nước chiếm thị phần 1%
Theo ông Sơn, dự kiến trong năm 2022 này Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ euro. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất nhanh. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp hàng hóa thứ 24 cho Pháp.
“Nếu theo đúng kịch bản như hiện nay thì tới cuối năm 2022, Việt Nam sẽ trở thành top 20 nhà cung cấp hàng hóa cho Pháp” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, tuy thị phần hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 1% trong tổng nhập khẩu của Pháp nhưng cũng không cần quá đặt nặng tỷ trọng thị phần này, bởi ở Pháp cũng chỉ có 10 nhà cung cấp có thị phần trên 1%. Trong đó, chỉ có duy nhất Đức và Trung Quốc có thị phần hai chữ số, lần lượt là 13% và 10%, còn lại tất cả đều chỉ có 5%, 7%, 2% và 1% như Việt Nam.
Về mặt hàng, Việt Nam có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Pháp có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ euro, đó là nhóm hàng giày dép và thiết bị viễn thông.
Riêng về nông sản, năm 2021, trong số 500 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp mới chỉ có 50 mặt hàng là nông sản, đạt 276 triệu euro trên tổng số hơn 5,5 tỷ euro, tương đương với khoảng 5%.
“Như vậy chúng ta có thể khẳng định một điều hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí, tuy nhiên là vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo. Những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh của ta như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều, vì vậy tiềm năng còn nhiều điểm để khai thác” - ông Sơn thông tin.
Ông Vũ Anh Sơn, Thương vụ Việt Nam tại Pháp tham gia tọa đàm trực tuyến |
Nhưng, điều ông Sơn lưu ý là việc xuất khẩu hàng hóa mang thương hiệu Việt vào các nước châu Âu. Hiện mới chỉ có Tập đoàn Lộc Trời có sản phẩm mang thương hiệu Việt được nhập khẩu vào Pháp và bán ở hệ thống đại siêu thị là phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ tại châu Âu.
Cơ hội xuất khẩu thương hiệu Việt vào châu Âu đã đến…
Theo ông Sơn, ngoài chuyện doanh nghiệp bỏ tiền để tìm hiểu, bỏ tiền nghĩ ra cách để thâm nhập vào thị trường thì các doanh nghiệp cần phải có sự hiện diện tại thị trường bản địa. Không có văn phòng đại diện thương mại ở bản địa thì ít nhất là phải có sự hiện diện về người.
“Làm thương hiệu mà không có bất cứ ai ở bên này thì tôi cho rằng điều đấy rất viển vông. Thông qua Thương vụ Việt Nam để xây dựng thương hiệu thì tôi nghĩ còn viển vông hơn” - ông Sơn khẳng định.
Do đó, doanh nghiệp cần phải có quá trình dài hơi chuẩn bị hàng hóa, nghiên cứu thị hiếu thị trường bản địa, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Pháp, rồi dần dần mới tiến đến xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam ở Pháp. Đây là một quá trình dài và khó khăn bởi trên thế giới, việc xây dựng thương hiệu đã đi được một quá trình dài, trong khi Việt Nam mới bắt đầu.
“Tuy nhiên là cơ hội đã đến, xin khẳng định là cơ hội đã đến với Việt Nam” - ông Sơn nhấn mạnh.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường (Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam) cũng chia sẻ, thực tế, với vai trò là đại diện cho Phòng Công nghệ và Thương mại Đức tại Việt Nam, đã có rất nhiều năm đồng hành cùng với doanh nghiệp của Đức trong việc xúc tiến thương mại, bà đã chứng kiến nhiều chuyện không vui.
“Phải nói thật là người Đức không hề biết rằng Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới và những gói cà phê mà họ sử dụng hàng ngày hầu như đều được xuất thô từ phía Việt Nam” - bà Trang nói. Do đó, bà Trang mong muốn sớm được chứng kiến những thương hiệu của Việt Nam ở tại Đức và được người Đức công nhận.
Việt Nam có nhiều lợi thế rất hiếm so với các nước Đông Nam Á. Việt Nam cùng với Singapore là hai nước duy nhất trong khối Đông Nam Á ký được hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Đấy là một lợi thế mà doanh nghiệp, sản phẩm cũng như thương hiệu của Việt Nam cần phải tận dụng để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Do đó, theo các chuyên gia này, việc đưa hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới bằng thương hiệu của Việt Nam, bán cho người bản địa là một quá trình xuất khẩu rất bền vững mà bản thân doanh nghiệp Việt và các nhà quản lý cần phải hướng đến.