Thông tin được đưa ra tại buổi hội thảo tập huấn về “Chỉ số hoạt động môi trường” do Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức ngày 27/10, trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Bách Khoa Hà Nội và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP Vietnam).
Chỉ số hoạt động Môi trường EPI là một chỉ số toàn cầu được định kỳ thực hiện nhằm đánh giá năng lực thực hiện cũng như cải thiện chất lượng môi trường của các quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia trong đó có Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện Chỉ số hoạt động Môi trường cấp Tỉnh. Tập huấn về Chỉ số hoạt động Môi trường năm 2020 là hoạt động đầu tiên nhằm thức đẩy hợp tác giữa UNDP và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với đơn vị tổ chức là Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Hội thảo còn có sự tham gia phối hợp của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ thông tin kinh nghiệm quốc tế cũng như thử nghiệm trong nước về phương pháp luận lựa chọn/tính toán/đánh giá cũng như cách thức thu thập số liệu xác định các chỉ số hoạt động môi trường (EPI) cấp tỉnh tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, Giáo sư Zainura Zainon Noor, Đại học Công nghệ Malaysia (UTM) đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực hiện Chỉ số thực hiện môi trường của Malaysia, trong đó nhấn mạnh vai trò đồng hành của Chính phủ thông qua Bộ Môi trưởng Malaysia.
Chia sẻ về việc phát triển Chỉ số thực hiện môi trường EPI ở Việt Nam năm 2020, PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội), đơn vị đang triển khai xây dựng bộ chỉ số EPI năm 2020 của Việt Nam, nhấn mạnh việc đo lường giám sát việc thực hiện EPI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi các quốc gia phải tích hợp các dữ liệu về môi trường, trong đó có Việt Nam.
“Bộ EPI được công bố 2 năm 1 lần và với bộ EPI quốc tế có 32 chỉ tiêu (tăng thêm 8 chỉ tiêu so với bộ chỉ số EPI 2018). Việt Nam đang xây dựng bộ chỉ số EPI theo phương phát EPI toàn cầu. Trước mắt Bộ EPI năm 2020 của Việt Nam có 8 hạng mục với 18 chỉ số được xây dựng phủ hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam…”- PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho hay.
Đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết, đến nay nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 5 hạng mục công việc gồm: Rà soát khung khổ chung của EPI cấp tỉnh; Xác định mức độ liên quan, tính khả dụng của dự liệu, tính bền vững cho từng chỉ số được xác định, lựa chọn các danh mục và chỉ số phát hành cho khung EPI năm 2020 của Việt Nam; Thu thập dữ liệu và lựa chọn chỉ tiêu định lượng cho từng chỉ số ; Tính điểm tiệm cận mục tiêu cho mỗi chỉ số; Xem xét việc chuyện nhượng trọng lượng cho từng mục tiêu chính sách, danh mục vấn đề…
2 hạng mục còn lại là: Tổng hợp điểm số có trọng lượng số cho các chỉ số thành các danh mục , mục tiêu chính sách; Và Bảng xếp hạng EPI Việt Nam năm 2020 và lập hồ sơ EPI cho từng tỉnh sẽ cố gặng hoàn tất từ nay đến cuối năm.
Trong khuôn khổ chương trình, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác với Tổ chức Phát triển liên hiệp quốc UNDP.
Đây là một cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc đóng vai trò là một cơ quan tài trợ cho rất nhiều chương trình, dự án phát triển tại Việt Nam. Trải qua 43 năm hoạt động ở Việt Nam, UNDP đã đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đổi mới, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, hành chính của Việt Nam.