Với khóa học 4 tháng theo bộ tiêu chuẩn nghề của Malaysia, 1 vạn giáo viên từ các trường Cao đẳng, trung cấp nghề Việt Nam sẽ được bổ sung kỹ năng nghề để có thể làm việc như một…công nhân bậc cao.
“Gửi giảng viên ra nước ngoài đào tạo thành công nhân”, nghe có vẻ…quy trình ngược song đây chính là bước đột phá mà Tổng cục dạy nghề ( thuộc Bộ LĐTBXH) lựa chọn để triển khai chiến lược dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Phóng viên PLVN vừa “theo chân” đoàn giáo viên đầu tiên được cử sang Malaysia học tập và ghi nhận những tín hiệu rất khả quan, đáng mừng từ chương trình này.
Niềm vui của các thầy cô giáo khi đặt chân tới Trung tâm ào tạo nghề trình độ cao CIAST của Nhật Bản đầu tư tại Malaysia |
Lộ trình biến “thầy” thành…thợ
Đoàn “du học sinh” đầu tiên có con số rất đẹp : 96 người, đặt chân tới trung tâm đào tạo nghề trình độ cao CIAST(Malaysia) khi tết Nguyên đán đang rất cận kề. Họ là các thầy cô giáo chuyên ngành: công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điện tử và Hàn của các trường cao đẳng nghề trong cả nước. Người nhiều thì đã hơn chục năm đứng trên bục giảng, người ít cũng có “thâm niên” 3-5 năm trong nghề.
“Thực ra thì ở Việt Nam mình là thầy nhưng cũng là thợ rồi nên không phải không có tay nghề nhưng sang đây mình được đào tạo thêm kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ mới, chắc chắn sẽ trợ giúp tốt hơn cho công tác giảng dạy kiến thức thực tế, kỹ năng nghề cho học sinh”, anh Nguyễn Đăng Thọ- giáo viên trường CĐ nghề Phú Thọ-chia sẻ.
Cũng tới từ khoa điện tử công nghiệp nhưng của trường CĐ nghề Hải Dương, anh Trần Đình Kiên lại mang một “tham vọng” khác khi “ngắm” dàn máy móc hiện đại của CIAST. Anh muốn nghiên cứu phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận máy móc hiện đại mà các giảng viên của CIAST và tiếp cận “chuẩn” bậc nghề của Malaysia nhằm so sánh với bậc nghề của Việt Nam.
Và hơn thế, anh Kiên còn muốn tiếp thu thật nhanh các kỹ năng nghề trong 4 tháng khá ngắn ngủi này để biến nó thành các “kỹ năng mềm, kỹ năng cứng” khi đào tạo cho học viên sau này ra trường có thể tiếp cận ngay với máy móc hiện đại chứ không chỉ biết lý thuyết mà lóng ngóng với thực hành- vốn là “căn bệnh” phổ biến trong đào tạo nghề ở Việt Nam.
Thẳng thắn nhận “điểm yếu” của giáo viên dạy nghề trong nước là còn thiếu kỹ năng và “vốn” tay nghề thực tế, chị Nguyễn Thị Thắm, giáo viên trường Trung cấp nghề số 5 thuộc Bộ quốc phòng (Đà Nẵng) cho biết chị tranh thủ “chạy đua với thời gian”, ngoài việc lên lớp 2 buổi/ngày, tối đến chị còn học thêm trên Internet để cho kỹ năng được hoàn thiện hơn.
Dù mới sang song tại CIAST chị đã được tiếp cận những thiết bị dạy nghề hiện đại, giáo viên rất dễ gần, nhiệt tình và có phương pháp đào tạo rất thu hút học viên. “Được trao đổi kinh nghiệm với thầy cô và cũng là đồng nghiệp nước bạn cũng giúp tôi tiến bộ nhanh hơn”, chị Thắm nói.
Hoàn thiện các kỹ năng “cứng” và “mềm”, vừa là “thầy” vừa là “thợ giỏi” cũng chính là“đích nhắm” mà Tổng cục dạy nghề hướng tới khi quyết định gửi giáo viên nghề sang học tập tại Malaysia.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết trong 5 năm tới Việt Nam quyết định gửi sang Malaysia đào tạo “chuẩn hóa” kỹ năng nghề cho khoảng 1 vạn giáo viên từ các trường CĐ nghề trong cả nước.
“Sau đoàn 96 giáo viên đầu tiên, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để trong năm 2012 đưa sang Malaysia đào tạo khoảng 1000 giáo viên và tiếp tục tăng tốc trong những năm sau để tới năm 2016 cơ bản giải quyết xong việc đào tạo giáo viên đạt chuẩn”, ông Dũng nói.
Tổng cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng thăm các thầy cô đang theo học tại Ciast |
Theo phân tích của ông Dũng thì nâng cao chất lượng giáo viên chính là khâu đột phá của chiến lược dạy nghề và với cách gửi sang Malaysia đào tạo tại các cơ sở dạy nghề đạt chuẩn của Malaysia Việt Nam sẽ nhanh chóng có được một đội ngũ giáo viên dạy nghề “đạt chuẩn” phục vụ cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Cũng theo tính toán của Tổng cục dạy nghề thì với mỗi khóa đào tạo 4 tháng dành cho các giáo viên cần “chuẩn hóa” kỹ năng nghề, lượng kiến thức thực tế mà họ tiếp thu được có thể tương đương với chương trình đào tạo 2 năm ở Việt Nam. Và với cách làm này, Việt Nam có thể rút ngắn lộ trình “chuẩn hóa” giáo viên dạy nghề, khắc phục tình trạng đào tạo “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.
Hợp tác 3 bên : mô hình mới trong xã hội hóa dạy nghề
Tổng cục dạy nghề đánh giá việc hợp tác với Malaysia trong “chiến dịch” chuẩn hóa giáo viên là một cơ hội tốt bởi Malaysia là nước rất thành công trong khu vực khi phát triển chiến lược dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Ngay từ những năm cuối của thập niên 90, Malaysia đã xây dựng xong bộ tiêu chuẩn nghề theo quy chuẩn của Châu Âu. Trong khi đó, với trình độ dạy nghề hiện tại thì 10 năm nữa Việt Nam mới tiến kịp mặt bằng của Malaysia về chất lượng đào tạo nghề, do vậy Việt Nam quyết định chọn Malaysia làm “chuẩn” thay vì chọn chuẩn quá xa vời như Đức hay Nhật Bản….
Chọn “chuẩn hóa” giáo viên làm khâu đột phá là một kinh nghiệm đúng song để “hiện thực hóa” được mục tiêu này ngoài sự nỗ lực của Tổng cục dạy nghề phải kể đến sự góp sức không nhỏ của hai doanh nghiệp: Tập đoàn giáo dục Quốc tế SEG (Malaysia) và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC- Việt Nam).
Ông Bruce Lim- Phó chủ tịch Tập đoàn SEG chia sẻ: Bộ trưởng Bộ nguồn nhân lực Malaysia rất quan tâm tới chương trình trợ giúp cho Việt Nam phát triển công tác dạy nghề và đã ủy thác cho SEG- đơn vị từng đào tạo thành công nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển đất nước của Malaysia- hợp tác với Tổng cục dạy nghề Việt Nam.
Ông Bruce Lim Phó chủ tịch Tập đoàn SEG khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam hết sức mình trong chương trình chuẩn hóa giáo viên nghề |
Tập đoàn SEG đã cùng đối tác của mình tại Việt Nam là Công ty AIC ký Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề với Tổng cục dạy nghề Việt Nam với mục tiêu đào tạo 1 vạn giáo viên đạt chuẩn cho Việt Nam trong thời gian 5 năm ( từ 2011-2015).
“AIC là tập đoàn mạnh của Việt Nam và rất tâm huyết với các hoạt động thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước và chúng tôi cũng có cùng mục đích với AIC. Sự hợp tác của chúng tôi cùng một mục đích, cùng một nhiệm vụ và sứ mệnh, do vậy chúng tôi sẽ làm hết sức mình để mục tiêu của các bạn thành hiện thực”, ông Bruce Lim khẳng định.
Tập đoàn SEG với trường ĐH danh tiếng Segi, mỗi năm đào tạo cho đất nước Malaysia hàng vạn nhân lực chất lượng cao |
Hiệu quả của mô hình hợp tác “3 bên” này có thể nhìn thấy trước là rất “đúng” và “trúng” với nhu cầu. Ông Bruce Lim cho biết, căn cứ ngành nghề của giáo viên Việt Nam cần chuẩn hóa, SEG sẽ đưa họ vào đào tạo tại các cơ sở dạy nghề tốt nhất của Malaysia ( SEG ký hợp đồng với các cơ sở này theo ủy thác của Bộ nguồn nhân lực Malaysia). Tất cả các nghề mà SEG đào tạo và hợp tác với các cơ sở tốt nhất của Malaysia sẽ được cung cấp để “chuẩn hóa” cho giáo viên dạy nghề của Việt Nam.
Với vai trò là “điều phối viên”, đại diện AIC Việt Nam cũng chia sẻ: AIC sẽ hỗ trợ hết mình cho chương trình hợp tác “3 bên”, góp phần thúc đẩy nhanh nhất lộ trình chuẩn hóa giáo viên cũng như công tác dạy nghề, tăng cường đào tạo theo nhu cầu xã hội như Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt.
Thanh Lương