Theo thông báo, tại TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa; hộ ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ) có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có dịch tả lợn châu Phi.
Lãnh đạo Cục Thú y cho hay, nhận được thông tin từ ngày 01/02/2019 nghi là có dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y báo cáo Bộ NN&PTNT và Chính phủ và tổ chức tiêu hủy ngay. Ngay khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi.
Tổng số lợn tiêu hủy vừa qua, theo báo cáo của các địa phương, đối với thành phố Hưng Yên tính đến ngày 18/2, tiêu hủy 33 con chủ yếu là lợn thịt và lợn con theo mẹ, còn ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) tiêu hủy 101 con chủ yếu là lợn con theo mẹ 1-5 ngày tuổi và lợn choai, tại tỉnh Thái Bình đã tiêu hủy 123 con chủ yếu là lợn con, lợn choai.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao. Thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch. Tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch.
“Và đến nay, qua 18 ngày, báo cáo chưa có phát sinh ổ dịch mới”, lãnh đạo của Cục Thú ý cho biết thêm.
Tiêu hủy lợn bị dịch bệnh. Ảnh IT |
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo người ngăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặp nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi phát hiện lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh. Không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin…
Ông Phạm Văn Đông nhấn mạnh, dù đã phát hiện dịch nhưng đây là những ổ dịch nhỏ nên người dân không nên hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch, nhất là các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. "Tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch" - ông Đông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đông, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là bệnh đặc chủng của con lợn, nên không lây sang các động vật khác