Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cho biết, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với công cuộc đấu tranh ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này nên đã ban hành nhiều đạo luật nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài sinh vật trong tự nhiên.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã như: việc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên và tăng trưởng kinh tế; việc thay đổi nhận thức và sinh kế của một bộ phận không nhỏ cộng đồng dân cư sống dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học; việc thay đổi nhu cầu và thói quen tiêu dùng các sản phẩm động vật, thực vật hoang dã; việc nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao nguồn lực cho bảo tồn cũng còn nhiều hạn chế; việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ động vật, thực vật hoang dã; vấn đề hợp tác quốc tế, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa quốc tế, trong đó có các sản phẩm động vật, thực vật hoang dã... cũng còn những hạn chế nhất định.
Đại diện Nhà nước Việt Nam đánh giá trong những năm gần đây, cùng với quá trình toàn cầu hóa, hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã không còn nằm trong khuôn khổ một quốc gia.
Hoạt động buôn bán trái pháp luật mẫu vật động vật, thực vật hoang dã ở quy mô toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là buôn bán ngà voi, sừng tê giác, tê tê, các loài mèo lớn, các loài linh trưởng, gỗ...; các hoạt động này có sự tham gia của các mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế và đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài nguy cấp, gây bất ổn an ninh, xã hội, làm xói mòn nỗ lực phát triển bền vững, các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc trong bảo vệ môi trường và phát phát triển con người.
“Chúng tôi và cộng đồng quốc tế hiểu và xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã. Mặc dù chúng ta đã có các cơ chế hợp tác quốc tế thông qua các công ước và thể chế như CITES, WCO, Interpol và có đầy đủ công cụ để thực thi nhưng nếu không hành động có trách nhiệm và quyết liệt ngay từ hôm nay thì thế hệ tương lai sẽ vĩnh viễn không còn được thấy nhiều loài động vật hoang dã mà phải trải qua hàng triệu năm tiến hóa mới có được; đáng nói hơn, sự biến mất các loài động vật, thực vật hoang dã còn trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, môi trường sinh thái và an toàn của con người”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bà Thịnh thay mặt Nhà nước Việt Nam đánh giá cao sự thành công của Hội nghị quốc tế cấp cao về chống buôn bán trái pháp luật lần thứ nhất tại London và lần thứ hai tại Kansane đã đưa ra các cam kết và hành động cụ thể.
Hội nghị quốc tế chống buôn bán trái phép động vật hoang dã là sáng kiến của Chính phủ Anh, lần đầu được tổ chức ở thủ đô London năm 2014; lần thứ hai ở Kasane, Botswana. Hoàng tử William là Chủ tịch của United for Wildlife (Đoàn kết vì Động vật Hoang dã), dự án liên hiệp giữa 7 tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lớn nhất thế giới, dưới sự chủ trì của Quỹ từ thiện Hoàng gia Anh. Việt Nam là quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ 3.
Theo Bộ NN&PTNT, Hội nghị lần này có sự tham dự của các Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ chuyên ngành, các Trưởng đoàn của 46 quốc gia, Liên minh Châu âu, 7 tổ chức quốc tế, hơn 40 tổ chức liên Chính phủ, phi Chính phủ... Dự kiến, tại hội nghị, một Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã sẽ được đưa ra.
“Điều quan trọng là chúng ta đã thể hiện được quyết tâm trong chống lại các hành động làm suy giảm nguồn tài nguyên động vật, thực vật hoang dã. Chúng ta cần biến các cam kết, các tuyên bố thành các hành động cụ thể và cần một cơ chế để giám sát có hiệu quả các hành động buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã. Chỉ làm được như vậy, các cam kết, tuyên bố của chúng ta mới thành công bền vững”, Đại diện Nhà nước Việt Nam phát biểu tại phiên khai mạc.