Trào lưu này đã nhận không ít “gạch đá” từ cư dân mạng vì bị cho là vô bổ, coi trọng ngoại hình quá mức. Nhưng bất chấp những phản ứng trái chiều của dư luận, trào lưu này vẫn lan rộng, và nhiều bạn trẻ đã phút chốc “nổi đình nổi đám” nhờ nó.
Trước đó, một trào lưu khác cũng bùng phát ở mạng xã hội Instagram: Kẹp bút dưới vòng 1. Dưới dạng một lời thách thức: Hãy kẹp bút dưới ngực để chứng minh mình là người phụ nữ đích thực, trào lưu này lan đi nhanh chóng. Hàng trăm bức ảnh các cô gái khoe vòng 1 hờ hững kẹp bút bên dưới xuất hiện trên Intagram, “rửa mắt” cho người háo sắc. Nhiều người cho rằng, trào lưu này chẳng qua cũng chỉ là một hình thức khác của việc khoe ngực trên mạng xã hội, ngoài ra chẳng mang ý nghĩa gì…
Ngoài ra, còn không ít trào lưu khác đi quá giới hạn của đạo đức, thuần phong mỹ tục và gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng như trào lưu làm đám tang giả cho bạn đang ngủ thịnh hành trong giới sinh viên, trào lưu rạch cổ tay giả tự tử và chụp hình khoe lên mạng…
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thanh Thảo, chuyên viên tư vấn tổng đài 1080, việc giới trẻ a dua theo các trào lưu du nhập từ nước ngoài, trong đó có nhiều trào lưu vô nghĩa, tốn thời gian hoặc đi ngược thuần phong mỹ tục là một minh chứng cho thấy sự thiếu hụt niềm vui trong đời sống tinh thần của họ. Nhiều bạn trẻ cảm thấy tẻ nhạt, muốn gây sốc hoặc nổi loạn, thoát ra khỏi đời sống hàng ngày, và họ tham gia các trào lưu như thế nhằm chứng tỏ bản thân mình.
Trên thực tế, đa số các bạn trẻ “trào lưu nào cũng tham gia” đều còn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, sống nhờ vào cha mẹ, chưa tự lập được. Các bạn cũng chưa có chính kiến và dễ ngả theo những thú vui mà mình cho là thời thượng. Người lớn đừng nên có cái nhìn khắt khe với giới trẻ quá, vì theo thời gian, khi họ trưởng thành thì những trào lưu vô bổ này sẽ kết thúc. Tuy nhiên, ở những trường hợp cuốn theo hết trào lưu này đến trào lưu khác, không có điểm dừng và tham gia vào những trào lưu phản cảm nhiều thì đó rất có thể là biểu hiện của sự lệch lạc tâm lý mà gia đình nên lưu tâm.
Về phần mình, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, việc giới trẻ tham gia vô tội vạ các trào lưu phần nào thể hiện sự sao chép, thiếu sáng tạo và thiếu độc lập trong tư duy. Quan trọng hơn, các trò đùa vui nếu không biết điểm dừng, đi quá đà còn có nguy cơ gây ra những hệ lụy không hay.