Vì sao Thị trưởng Jakarta bị điều tra?

Basuki Tjahaja Purnama sau khi bị cảnh sát thẩm vấn
Basuki Tjahaja Purnama sau khi bị cảnh sát thẩm vấn
(PLO) -Theo báo “The Jakarta Post”, sau nhiều ngày im lặng, cảnh sát Indonesia đã quyết định công bố ông Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama (Chung Vạn Học) - Thị trưởng Jakarta - đang bị điều tra về tội phỉ báng kinh Koran của đạo Hồi và bị cấm xuất cảnh. 

Đương kim Thị trưởng Jakarta sẽ không bị giam giữ vì các nhà điều tra và chuyên gia tôn giáo hiện vẫn chia rẽ xung quanh cáo buộc về tội báng bổ Hồi giáo của ông. Sắp tới đây, vụ việc sẽ được đưa ra xét xử công khai bởi theo luật pháp Indonesia, báng bổ kinh Koran là một hành vi phạm tội hình sự. Tổ chức Ân xá Quốc tế thống kê, kể từ năm 2004 đến 2014, đã có 106 người Indonesia bị kết tội này, cao nhất là hình phạt 5 năm tù.

Ông Purnama được cho là có những lời nói xúc phạm kinh Koran khi phát biểu trước cư dân ở đảo Pramuka, Jakarta 2 tháng trước. Sau khi đoạn video được đăng tải trên mạng Internet, tổ chức Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (Islamic Defenders Front -IDF) đã đòi bắt giữ ông.

Hồi đầu tháng 11 này, Thủ đô Jakarta đã rung chuyển bởi một cuộc biểu tình lớn của hàng chục vạn người theo Hồi giáo đòi bãi chức và trừng phạt ông; thậm chí đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình, khiến 1 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phải hủy bỏ chuyến thăm chính thức tới Australia vì các vụ bạo loạn và suốt 2 tuần qua, ông đã dành trọng tâm vào việc củng cố lại tình hình chính trị, an ninh, tôn giáo trong nước. Phe biểu tình đe dọa sẽ tiếp tục xuống đường nếu ông Purnama không bị bắt.

Thị trưởng Jakarta đầu tiên gốc Hoa

Ông Basuki Tjahaja Purnama là người gốc Hoa, tên Trung Quốc là Chung Vạn Học, được người dân Jakarta gọi là “Ahok” – là Thị trưởng người Trung Quốc đầu tiên của thủ đô Jakarta. 

Purnama sinh năm 1966 tại tỉnh Kepulauan Bangka Belitung, cha là một thợ mỏ người Khách Gia quê gốc ở Mai Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) lưu lạc sang Indonesia. Sau khi học xong trung học, ông về thủ đô thi đỗ vào Đại học Trisakti, ngành Kỹ thuật khoáng sản địa chất công trình, tốt nghiệp năm 1990 với bằng kỹ sư Công trình địa chất. Sau đó, ông tiếp tục vào trường Prasetya Mulya theo học lấy được bằng Thạc sĩ Quản lý hành chính năm 1994.

Năm 2009, ông tham gia chính trường, tranh cử vào Hội nghị đại biểu nhân dân – Quốc hội Indonesia (Dewan Perwakilan Rakyat) với tư cách thành viên Đảng Tập đoàn chuyên nghiệp (Party Golka) và trở thành nghị sĩ  nhiệm kỳ 2009 – 2014.

Do bối cảnh “song trùng thiểu số” - là người Hoa, lại theo đạo Thiên Chúa - ông trở thành đối tượng bị công kích bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc bản địa và cả những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan; đỉnh điểm là chiến dịch công kích cá nhân kỳ thị chủng tộc và nhục mạ của luật sư Farhat Abbas và Mặt trận IDF nhằm vào ông qua mạng xã hội Twitter.

Năm 2012, Purnama từ bỏ chức vụ nghị sĩ, rồi nhận lời mời của các Đảng Dân chủ đấu tranh (PDI-P) và Đảng Đại hành động Indonesia (Gerindra) đứng chung liên danh với ông Joko Widodo (nay đang là Tổng thống) ra tranh cử chức chánh, phó Thị trưởng Jakarta và trúng cử, trở thành Phó thị trưởng.

2 năm sau, ông Widodo từ bỏ ghế Thị trưởng để ra tranh cử chức Tổng thống; thế là Purnama được giữ chức quyền Thị trưởng Jakarta từ ngày 2/6/2014, tới ngày 19/11 cùng năm thì chính thức trở thành Thị trưởng. 

“Ahok” Purnama nổi tiếng là người liêm khiết, kiên quyết chống tham nhũng, được báo chí cho là dám nói dám làm, khác hẳn với những chính khách Jawa thường nói năng uyển chuyển, trung dung. Sau khi trở thành Thị trưởng, ông đóng cửa hộp đêm tai tiếng nhất thủ đô bởi 1 cảnh sát bị chết do sử dụng ma túy sau giờ làm việc tại đây. Ông cũng cho đuổi mấy ngàn người kinh doanh trái phép trên đường phố - nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Ông tuyên bố: “Nếu bạn muốn sống trong môi trường thoải mái dễ chịu, bạn phải ra tay dọn dẹp; nếu muốn mọi thứ trật tự ngăn nắp, bạn phải chấp hành pháp luật”. Ông từng được tạp chí “Global Asia Magazine” bình chọn là “Nhân vật của năm 2015”

Thái độ kiên quyết, hành động mạnh mẽ của “Ahok” được đông đảo dân chúng Jakarta đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng gặp phải phản ứng, chống trả quyết liệt. Các thành viên tổ chức cực đoan IDF đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối ông ở bên ngoài trụ sở nghị viện và tòa thị chính, cho rằng “người không phải tín đồ Hồi giáo không thể làm Thị trưởng”.

Vợ chồng ông Purnama và vợ chồng Tổng thống Widodo
Vợ chồng ông Purnama và vợ chồng Tổng thống Widodo

Nạn nhân của mâu thuẫn chủng tộc và tôn giáo

Cuộc khủng hoảng lần này cũng bắt nguồn từ các cuộc biểu tình do IPF phát động với lý do ông Purnama đã phỉ báng kinh Koran của người Hồi giáo. Chiều ngày 4/11, các tín đồ Hồi giáo sau buổi cầu nguyện tại các nhà thờ đã đi bộ tới trước Phủ Tổng thống yêu cầu trừng trị ông.

Cảnh sát Jakarta ước tính có hơn 100 ngàn người tham gia, 18 ngàn cảnh sát, binh sĩ quân đội đã được huy động để giữ trật tự. Những người biểu tình đã phong tỏa một số đường phố làm trận địa của họ.

Lúc đầu những người biểu tình khá ôn hòa, nhưng sau khi đại diện của họ được Phó Tổng thống Muhammad Jusuf Kalla tiếp, họ bỗng trở nên quá khích, tấn công và đốt phá nhiều ô tô của cảnh sát. Nhiều trường học cũng tuyên bố bãi khóa, một số công ty cũng tuyên bố nghỉ kinh doanh để nhân viên tham gia biểu tình.

Lý do trực tiếp khiến những người biểu tình xuống đường, được cho là khi đi vận động tranh cử Thị trưởng Jakarta khóa tới tại đảo Pulau Seribu hồi tháng 9, ông Purnama đã viện dẫn sai một câu kinh Koran.

Ngày 7/10 có 2 tổ chức Hồi giáo tố cáo với cảnh sát ông Purnama phạm tội phỉ báng kinh Koran; nhưng tổ chức có tên “Hội liên hợp giáo sĩ Islam” sau khi xem kỹ đoạn băng đã cho rằng ông Purnama không bất kính với kinh Koran mà đã chỉ trích đối thủ lợi dụng kinh này lừa gạt quần chúng để đạt mục đích chính trị.

Sau đó, ông Purnama đã bày tỏ xin lỗi và nói mình không có ý phỉ báng kinh Koran. Tuy nhiên, việc ông Purnama nhắc đến kinh Koran đã trở thành cơ hội tốt để những kẻ thù của ông ra tay triệt hạ ông. Các nhà phân tích chính trị cho rằng nguyên nhân sâu xa chính là vấn đề chủng tộc và tôn giáo.

Indonesia có khoảng 240 triệu dân với hơn 1000 dân tộc, đông nhất là người Jawa; người Hoa mặc dù đã có mặt ở đây mấy trăm năm nhưng theo kết quả điều tra dân số năm 2000, hiện chỉ có khoảng 1,7 triệu, chiếm chưa đầy 0,9% mặc dù con số thực tế phải nhiều gấp 3-4 lần.

Lý do khiến nhiều người không dám nhận mình có gốc Hoa do vấn đề lịch sử tại đây đã xảy ra nhiều vụ xung đột đẫm máu giữa dân bản địa với người Hoa. Một nguyên nhân khác là khoảng 1/3 số người Hoa theo đạo Thiên Chúa, trong khi hơn 86% dân số Indonesia theo đạo Hồi khiến nước này trở thành quốc gia có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới. 

Tờ “Thời báo Eo biển” của Singapore nhận định: Cuộc biểu tình này nhằm vào Phó Tổng thống Muhammad Jusuf Kalla - một đồng minh chính trị của ông Purnama. Trước sức ép của những người biểu tình, mặc dù luôn ủng hộ chính sách của Purnama, nhưng Tổng thống Widodo, một người Hồi giáo, đã tuyên bố sẽ không can thiệp vào bất kỳ thủ tục pháp lý nào chống lại ông Purnama.

Ngày 7/11, ông Purnama bị triệu đến trụ sở Cục điều tra tội phạm của Tổng cục cảnh sát quốc gia để thẩm vấn suốt 9 giờ liền theo kiểu marathon. Kết thúc cuộc thẩm vấn, trước các câu hỏi của các nhà báo, Purnama chỉ nói hiện ông rất đói, chỉ muốn về ngay nhà để ăn uống và nghỉ ngơi. Luật sư của ông cũng từ chối trả lời các nhà báo, khuyên họ hãy đi tìm câu trả lời từ phía cảnh sát.

Khó còn cơ hội trên chính trường

Ngày 22/11, cảnh sát Indonesia đã bắt đầu tiến trình thẩm vấn đối với  ông Purnama liên quan đến cáo buộc phỉ báng đạo Hồi. Ông Purnama không đưa ra bất kỳ bình luận nào trước các câu hỏi của phóng viên sau khi đến trụ sở cảnh sát để thẩm vấn.

Purnama cũng không bị bắt giam, nhưng cảnh sát đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với ông. Trong khi đó, những người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đang lập kế hoạch huy động hàng nghìn người tiến hành thêm các cuộc biểu tình đòi bắt giam ông.

Theo luật pháp Indonesia, nếu bị buộc tội, ông Purnama có thể phải ngồi tù 6 năm và nộp 1 tỷ rupiah (khoảng 74.500 USD). Boy Rafly Amar, người phát ngôn của cảnh sát Indonesia, cho biết hồ sơ vụ việc sẽ được hoàn tất trong một tuần và sau đó được chuyển sang cho văn phòng công tố trước khi đưa ra tòa xét xử. Việc này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến cơ hội ông ra tranh cử Thị trưởng Jakarta nhiệm kỳ tới vào tháng 2/2017...

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.