“Việc ít, Ban nhiều - phải cải cách!”
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã khẳng định như vậy khi trả lời PLVN về lý do sáp nhập, hợp nhất 4 PMU (Thăng Long, An toàn giao thông, 1 và 2) vào với nhau để hình thành 2 Ban mới, qua đó nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối tổ chức và chi phí.
Có thể thấy, thời gian qua, việc làm cho các PMU đường bộ đang có chiều hướng ngày một cạn kiệt, vì thế bộ máy của một số PMU với hàng trăm con người đang có dấu hiệu lâm cảnh “ngồi chơi xơi nước”.
Đáng nói, khi đại công trường nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) với nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hoá trị giá hơn 100.000 tỷ đồng đã khép lại… khiến một số PMU thậm chí còn nơm nớp lo lương tháng cho người lao động… Thực tế đó, buộc lãnh đạo Bộ GTVT phải cơ cấu lại mặt tổ chức, dù biết cuộc này ít nhiều sẽ khiến một số người bị ảnh hưởng hoặc mất mát về quyền lợi.
Theo nguồn tin của PLVN, đến thời điểm, mặc dù các PMU chưa nhận được quyết định cuối cùng về sáp nhập, hợp nhất, nhưng trong một phiên họp gần đây, Ban Cán sự Đảng bộ GTVT đã đưa vấn đề này ra thảo thuận, với tinh thần đầu tháng 5/2017, các Ban sau sáp nhập, hợp nhất sẽ đi vào hoạt động với tên gọi mới.
“Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT để sắp xếp lại nhân sự của các PMU sắp tới. Việc bổ nhiệm, điều đồng hay luân chuyển ai liên quan đến các vị trí lãnh đạo của các Ban trước và sau sáp nhập, hợp nhất cần xem xét một cách hợp lý”, ông Vũ Quý Phàn - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT xác nhận với phóng viên hồi cuối tuần trước.
Năm 1993, Bộ trưởng GTVT Bùi Danh Lưu lập PMU1. Năm 2017 - thời Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tên PMU1 bị “xoá sổ”. |
Vì sao giữ tên “Thăng Long”, xoá tên “PMU1”?
Theo tìm hiểu, đến thời điểm này, mọi hoạt động tại các PMU vẫn diễn ra bình thường, nhưng như đã nói đây là những ngày đếm ngược cuối cùng cho sự tồn tại của những cái tên như “PMU1” và “PMU An toàn giao thông”, bởi chỉ trên dưới 1 tháng nữa thôi, những cái tên này sẽ chính thức chấm dứt sự mệnh đi trước mở đường của mình để “hoà” vào PMU Thăng Long và PMU2.
Cụ thể, 160 con người của PMU Thăng Long sẽ ghép vào PMU1 với bộ máy hiện tại là khoảng 170 người để hình thành ra một Ban mới. Cái tên “Thăng Long” trên con dấu, tài khoản giao dịch… sẽ được giữ lại, trong khi danh từ “PMU1”, với “tuổi đời” hơn 20 năm, gắn liền với còn đường thiên lý Bắc - Nam QL1 và những đồng vốn ODA đầu tiên vào Việt Nam, sắp tới sẽ chính thức bị “xoá sổ”.
Về vấn đề này, có người cật vấn: trên giấy tờ, PMU Thăng Long phải hợp nhất vào PMU1 nhưng tại sao cái tên “PMU1” không còn? Câu trả lời ở đây là phải chăng PMU Thăng Long “từng trải” hơn, với 45 năm kiến thiết các công trình hạ tầng mang tầm quốc gia, trong đó có nhiều công trình mang đậm dấu ấn ở Thủ đô và các tỉnh lân cận như cầu Thăng Long dài hơn 3.000m bắc qua sông Hồng, cầu sắt Chương Dương, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc trên cao Hà Nội (vành đai 3) hay đại lộ Thăng Long…?
Ở đây, dù không nói ra nhưng những người từng cầm và thực thi Quyết định thành lập PMU1 do Bộ trưởng Bộ GTVT Bùi Danh Lưu ký cách đây 24 năm chắc sẽ thấy bùi ngùi vì kể từ nay sẽ bị xóa tên - cho dù cái tên PMU1 đã từng gắn liền với bao công trình trọng điểm như QL1, QL6, QL70, QL12 hay cầu Pá Uôn (Sơn La) - cây cầu có trụ cầu cao nhất Việt Nam…
Vẫn biết lịch sử hình thành và phát triển của các PMU đều rất vẻ vang, song tất cả họ đều phải chấp nhận sự lựa chọn này, bởi cơ cấu lại tổ chức để có cơ hội tồn tại, phát triển còn hơn đông “quân”, đông “tướng” mà “đói” việc, thiếu lương cho người lao động.
Giải ngân không đạt yêu cầu phải “loại khỏi bộ máy”
Một trong những căn cứ để xem xét bổ nhiệm lại chức vụ Tổng Giám đốc của PMU sau sáp nhập, hợp nhất đó là mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu 4 PMU hiện tại trong công tác chỉ đạo giải ngân, quyết toán các dự án.
Cụ thể, năm ngoái, mặc dù chiếm một lượng lớn kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ được giao, nhưng phần lớn các PMU nói trên đều có tỷ lệ giải ngân rất thấp, không đạt so với kế hoạch vốn đăng ký. Thậm chí, có đơn vị không vượt quá bán so với nhu cầu năm 2016, phải điều chuyển kế hoạch giải ngân vốn sang năm 2017.
Bức xúc trước thực tế giải ngân năm 2016 chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng GTVT Trương Quảng Nghĩa từng nhấn mạnh: “Ai không làm được thì phải loại ra khỏi bộ máy”.