Vì sao 'Phò mã đỏ' Ngô Tiểu Huy bị truy tố?

Ngô Tiểu Huy và Đặng Trác Nhuế
Ngô Tiểu Huy và Đặng Trác Nhuế
(PLO) - Ngô Tiểu Huy sinh năm 1966, quê ở huyện ngoại ô Bình Dương thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.

Con nhà nông thành đại gia “gia tộc đỏ”

Sinh ra trong một làng quê, lúc đầu Huy công tác ở Cục Công thương huyện Bình Dương, rồi theo phụng sự Lưu Tích Vinh, thị trưởng Ôn Châu – người sau này là Phó Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang. Được ông Lưu Tích Vinh quan tâm, Huy rời bỏ chính trường quay sang kinh doanh, buôn bán xe hơi ở Chiết Giang, trở thành đại lý lớn nhất của Tập đoàn xe hơi Thượng Hải, nhờ đó thân quen với Hồ Mậu Nguyên, Chủ tịch tập đoàn rồi kết giao với Trần Lỗ Dự, con trai Nguyên soái Trần Nghị. 

Nhờ Trần Lỗ Dự, Ngô Tiểu Huy làm quen, yêu rồi bỏ vợ để kết hôn với Đặng Trác Nhuế, cháu gái Đặng Tiểu Bình. Từ mối quan hệ thân thiết Dự - Huy, họ đã kéo thêm được Chu Vân Lai (con trai Thủ tướng Chu Dung Cơ) và Long Vĩnh Đồ (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Tổng thư ký Diễn đàn Bác Ngao) tham gia hội đồng quản trị để năm 2004 Huy thành lập và làm Chủ tịch, Tổng giám đốc của Công ty bảo hiểm An Bang.

Đặng Trác Nhuế hồi nhỏ và ông ngoại Đặng Tiểu Bình
Đặng Trác Nhuế hồi nhỏ và ông ngoại Đặng Tiểu Bình

Ngô Tiểu Huy rất ít tiếp xúc với giới truyền thông. Báo chí Trung Quốc cho biết: xuất thân từ giai tầng “thảo dân”, Huy đã “phất lên nhanh như tên lửa” trong giới thương gia là nhờ vào các cuộc hôn nhân đầy thực dụng. Khi là quan chức ở Cục Công thương Bình Dương, Huy cưới con gái một quan chức lãnh đạo huyện; sau khi “bỏ chính tòng thương”, kinh doanh buôn bán xe hơi, trở thành đại lý tiêu thụ có cổ phần lớn nhất trong Tập đoàn xe hơi Thượng Hải.

Do quan hệ làm ăn, Huy kết giao với ông Lô Văn Kha, Thị trưởng Hàng Châu (sau lên làm Phó tỉnh trưởng Chiết Giang), Huy bỏ vợ rồi cưới con gái ông này. Đến khi tham gia công ty của Trần Lỗ Dự, con trai Trần Nghị với vai trò phụ trách một công ty Internet trực thuộc công ty của Trần Lỗ Dự tại Bắc Kinh, Huy lại có quan hệ với Đặng Trác Nhuế, người kém Huy 6 tuổi, cháu ngoại ông Đặng Tiểu Bình (con bà Đặng Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học kỹ thuật - trưởng nữ nhà họ Đặng) rồi ly dị người vợ thứ hai, kết hôn lần thứ 3 vào năm 2004 và trở thành “phò mã” gia tộc Đặng Tiểu Bình

Sau đó bằng các mối quan hệ đã thành lập và làm Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm An Bang. Trần Bình, bạn thân của Trần Lỗ Dự có lần nói với các nhà báo: “nếu không có Trần Lỗ Dự thì Ngô Tiểu Huy không bao giờ quen và lấy được Đặng Trác Nhuế”.

Đặng Trác Nhuế đã sinh một con trai với Ngô Tiểu Huy. Theo báo chí Hongkong, lúc đầu gia đình ông Đặng kịch liệt phản đối việc gả cháu gái cho Huy, vì họ biết rõ Huy “có động cơ không trong sáng” trong cuộc hôn nhân này, cũng chính vì thế Đặng gia không tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào của Huy. Theo mạng Tài Tân, quan hệ vợ chồng giữa Huy và Trác Nhuế đã chấm dứt ngay sau khi Huy bị bắt, nhưng báo này không viết là họ đã ly hôn bởi hai người chưa làm thủ tục ly dị về mặt pháp luật.  

Ngày 26/4/2017 xuất hiện thông tin lan truyền Ngô Tiểu Huy bị điều tra do liên quan đến khoản tiền vay hàng trăm tỷ tệ của Ngân hàng Dân sinh, gây xôn xao dư luận; tập đoàn An Bang một mặt ra tuyên bố bác bỏ tin đồn, mặt khác cho Huy xuất hiện trong một cuộc họp báo tuyên bố về chiến lược 2.0 của An Bang, trực tiếp bác bỏ tin bị điều tra.

Ngày 9/6/2017, Ngô Tiểu Huy bị bắt để điều tra, Ủy ban Giám sát bảo hiểm quốc gia cử người về An Bang thông báo trong phạm vi hẹp tin Huy đã bị bắt, nhưng không nói nguyên nhân cụ thể và cũng không giải thích thêm điều gì; 5 ngày sau (14/6/2017), trang web của Tập đoàn An Bang đột nhiên đăng thông báo: “Do nguyên nhân cá nhân, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn bảo hiểm An Bang không thể đảm đương chức vụ”, nhiều quan chức quản lý cấp cao của An Bang sau đó cũng bị tạm giữ.

Tiêu Kiến Hoa và Ngô Tiểu Huy - 2 'cá Sấu tài chính' đã bị sa lưới
Tiêu Kiến Hoa và Ngô Tiểu Huy - 2 'cá Sấu tài chính' đã bị sa lưới

Tháng 9/2017, sau khi Chủ tịch CIRC Hạng Tuấn Ba bị khai trừ đảng và chức vụ, mạng Tài Tân đã đăng bài vạch rõ: trong thời gian giữ chức, Hạng Tuấn Ba đã lạm dụng quyền phê duyệt và giám sát quản lý để buộc các xí nghiệp dân doanh đổ vốn vào ngành bảo hiểm, các “cá Sấu tài chính” như Tiêu Kiến Hoa, Ngô Tiểu Huy đều đổ xô vào ngành này, hô phong hoán vũ, làm loạn thị trường tiền vốn.

Ngô Tiểu Huy sẽ lĩnh án tù chung thân?

Theo Viện Kiểm sát thành phố Thượng Hải thì Huy bị truy tố và xét xử về 2 tội: “lừa đảo huy động vốn và xâm chiếm chức vụ”. Về lừa đảo huy động vốn thì có nguồn tin nói sau khi An Bang thành lập, chỉ trong thời gian ngắn tài sản đã tăng thêm gấp hàng chục ngàn lần ban đầu, đã thu hút được nhiều triệu USD tiền vốn của các nhà đầu tư. Số tiền cụ thể là bao nhiêu, của những ai thì hiện chưa rõ; còn tội “xâm chiếm chức vụ” thì hiện vẫn đang là dấu hỏi (?).

Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc Ngô Tiểu Huy bị đưa ra xét xử còn mang sắc thái chính trị, dằn mặt những thế lực “không giữ nhất trí” với trung ương kiểu như Tập đoàn Tomorrow của Tiêu Kiến Hoa. Cụ thể, Huy đã phạm phải 4 sai lầm chết người:

Thứ nhất, bơi ngược dòng, điên cuồng bành trướng. Để “đả Hổ, chống tham nhũng”, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu người chị gái ông bán toàn bộ cổ phần nắm giữ trong tay, rút khỏi thương trường để làm gương cho các “gia tộc đỏ” noi theo. Một số người đã hưởng ứng, nhưng nhóm Ngô Tiểu Huy khống chế An Bang lại “bơi ngược dòng”, tranh thủ thời cơ bành trướng, huy động số vốn lớn rồi thông qua việc thu mua các công ty ở nước ngoài để chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc.

Trụ sở An Bang
Trụ sở An Bang

Thứ hai, gây ra khủng hoảng chứng khoán, “đảo chính tiền tệ. Đầu năm 2017, sau khi bị bắt, Chủ tịch Ủy ban giám sát chứng khoán Hạng Tuấn Ba đã khai ra Chu Tiểu Huy. Huy cùng Ba và Tiêu Kiến Hoa đều tham gia việc gây ra cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 2015, được coi là “cuộc đảo chính tiền tệ” chống lại ông Tập Cận Bình.

Thứ ba, rửa tiền ở nước ngoài, tích lũy nguy cơ khủng hoảng tiền tệ. Thời kỳ gần đây, Trung Quốc thắt chặt việc các công ty thu mua cổ phần và công ty nước ngoài. Việc huy động vốn, vay ngân hàng để thu mua tài sản ở nước ngoài là hành vi đẩy nợ cho các ngân hàng, đem lại nguy cơ rất cao về tài chính, tiền tệ.

Hành vi của An Bang gần đây đều đi ngược lại chủ trương của chính phủ. Sau khi Huy bị bắt, Bắc Kinh dự định bán tháo các tài sản của An Bang ở nước ngoài để thu hồi vốn.

Thứ tư, định thu mua tài sản của gia đình Donald Trump, phạm phải “cấm địa chính trị”. Tháng 11/2016, một tuần sau khi Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, Ngô Tiểu Huy đã mở tiệc mời Jared Kushner, con rể Donald Trump tới khách sạn Waldorf Astoria New York và đề xuất đầu tư mua một phần quyền sở hữu tòa nhà văn phòng của gia tộc Donald Trump ở số 666 Đại lộ số 5 Manhattan.

Nhưng vụ giao dịch này không thành sau khi bị báo chí tiết lộ. Tháng 1/2017, tại bữa tiệc tất niên của Hội Công thương người Hoa ở Mỹ, Huy lại lớn tiếng tuyên bố: “An Bang tạo ra 10 ngàn việc làm cho nước Mỹ”, vi phạm “vạch đỏ” trong lĩnh vực ngoại giao.

Sau khi Viện Kiểm sát Thượng Hải công bố lệnh truy tố Ngô Tiểu Huy ra xét xử trước Tòa án trung cấp số 1 Thượng Hải, giới luật sư Trung Quốc đã phân tích, cho rằng: kết cục của Huy còn khá nhiều nhân tố không xác định, mức án cao nhất có thể là tù chung thân...

Căn cứ quy định của “Luật Hình sự” Trung Quốc, Ngô Tiểu Huy bị cáo buộc phạm tội lừa đảo huy động vốn; nếu “số lượng đặc biệt lớn” (1 triệu NDT trở lên), hoặc tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, sẽ bị tù giam từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân, bị phạt từ 50 ngàn đến 550 ngàn NDT hoặc bị tịch thu toàn bộ tài sản. Kết hợp cả 2 tội, khả năng cao nhất là Huy sẽ phải nhận án tù chung thân, bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.

Việc Ngô Tiểu Huy bị đưa ra xét xử vào dịp diễn ra hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp, cộng thêm bối cảnh “phò mã đỏ” của Huy khiến người ta cho rằng: đây chính là đòn của ông Tập Cận Bình nhằm vào thế lực “các gia tộc”. Hơn nữa, việc chọn Thượng Hải làm nơi xét xử cũng khiến người ta liên tưởng đến một vấn đề khác còn lớn hơn. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.