Quyết định không bất ngờ
Theo truyền thông quốc tế, quyết định của Mỹ đã được Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley thông báo tại một cuộc họp báo được tổ chức 1 ngày sau khi UNHRC khai mạc khóa họp thường kỳ lần thứ 38 tại Geneva, Thụy Sỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Haley cáo buộc Hội đồng nhân quyền “không xứng đáng với cái tên của tổ chức”.
Theo nữ đại sứ của Mỹ, “sự tập trung không cân xứng và thái độ thù nghịch không có điểm dừng với Israel là bằng chứng rõ ràng cho thấy Hội đồng nhân quyền có động cơ thiên vị chính trị chứ không phải nhân quyền”.
UNHRC bao gồm 47 thành viên, họp mỗi năm 3 lần để thẩm định tình trạng vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới. Các nghị quyết của tổ chức này không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang thẩm quyền đạo đức. Tuy nhiên, các tuyên bố và báo cáo của tổ chức này thường xuyên đụng độ với quan điểm từ phía Mỹ.
Kể từ khi lên nắm quyền hơn 1 năm trước, chính quyền của ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi UNHRC. Nguyên nhân được cho là do Mỹ luôn bảo vệ nước đồng minh Israel tại LHQ nhưng các cuộc họp của UNHRC lại có một chủ đề thường trực trong chương trình nghị sự được đặt tên “chủ đề số 7”, đồng nghĩa với việc việc đối xử của Israel với người Palestine luôn được giám sát kỹ tại các cuộc họp thường kỳ của tổ chức này.
Thời gian qua, UNHRC đã nhiều lần lên án Israel sử dụng bạo lực chống lại người dân Palestine ở dải Gaza và khu Bờ Tây, khiến Mỹ tức giận. “Kể từ khi được thành lập, Hội đồng nhân quyền đã thông qua số nghị quyết lên án Israel nhiều hơn cả tổng phần còn lại của thế giới, Đại sứ Mỹ tại LHQ Haley tuyên bố tại cuộc họp báo.
Tin đồn Mỹ sẽ chính thức rút khỏi UNHRC thực chất đã rộ lên từ hồi tuần trước. Khi đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết, việc Mỹ rút lui khỏi cơ quan này chỉ là vấn đề thời điểm bởi sau nhiều tháng thảo luận, Mỹ và các nước khác vẫn chưa thống nhất được chương trình nghị sự của khóa họp thứ 38, mà cụ thể là UNHRC không đồng ý với yêu cầu đưa vấn đề Israel – Palestine ra thảo luận tại phiên họp lần này do Mỹ đưa ra.
Ngoài ra, Mỹ tuyên bố một trong những lý do khiến nước này quyết định rút lui là việc UNHRC không tiến hành những cải cách mà nước này đề nghị. Trong số những cải cách đối với UNHRC mà Mỹ thúc đẩy có việc sửa đổi các quy định để việc khai trừ các thành viên có hồ sơ nhân quyền kém trở nên dễ dàng hơn.
Theo quy định hiện nay, việc đình chỉ một nước thành viên của UNHRC cần phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 trong tổng số 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ ủng hộ. “Những cải cách này là cần thiết để làm cho Hội đồng thực sự trở thành cơ quan nghiêm túc ủng hộ nhân quyền. Lâu nay, Hội đồng Nhân quyền lại là sự chia rẽ mang tính thiên vị chính trị. Đáng tiếc là, rõ ràng là kêu gọi cải cách của chúng tôi không được chú ý”, bà Haley tuyên bố.
Bà Haley cũng chỉ trích Nga, Trung Quốc, Cuba và Ai Cập đã ngăn cản những nỗ lực của Mỹ nhằm cải tổ Hội đồng. Theo bà này, các nước trên “chia sẻ các giá trị Mỹ, khuyến khích Washington tiếp tục ở lại nhưng lại không sẵn sàng thay đổi hiện trạng”.
“Hãy nhìn vào các thành viên của hội đồng và các vị sẽ thấy ngay sự thiếu tôn trọng đối với những quyền cơ bản nhất”, bà Haley nói. Thậm chí, bà Haley còn chỉ trích nặng nề tổ chức nói trên của LHQ, cáo buộc tổ chức này “đạo đức giả”, “giễu cợt với nhân quyền”.
Một phiên họp của UNHRC. |
Còn Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thì cáo buộc Hội đồng Nhân quyền đã để xảy ra vi phạm nhân quyền bằng cách im lặng trước những kẻ làm sai, trong khi lại lên án những những người không có lỗi”.
Với quyết định ngày 19/6 của Mỹ, các quan chức LHQ cho biết Mỹ sẽ trở thành thành viên đầu tiên rút khỏi Hội đồng nhân quyền. Trong thông báo về quyết định của Mỹ, Đại sứ Nikki Haley khẳng định Mỹ rút lui khỏi tổ chức của LHQ nhưng “không có ý định rút lui khỏi các cam kết về nhân quyền”.
Tác động khó đoán
Việc rút khỏi UNHRC đánh dấu động thái từ bỏ các thỏa thuận đa phương mới nhất của Mỹ sau khi nước này đã rút ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Song, trên thực tế, theo tờ Independent, quan hệ giữa chính quyền của ông Trump với LHQ đã không suôn sẻ trong phần lớn thời gian ông Trump nắm quyền.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, khiến Đại hội đồng LHQ đã tiến hành bỏ phiếu với tỉ lệ 128-9 để tuyên bố quyết định đơn phương của Mỹ là “vô giá trị”. Hồi tháng trước, UNHRC cũng đã biểu quyết tiến hành điều tra các vụ giết chóc ở Dải Gaza và cáo buộc Israel dùng vũ lực quá mức trong việc đối phó với người biểu tình, khiến Mỹ rất tức giận.
Mỹ cũng đã rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) với lý do cũng là do “sự thành kiến chống Israel”. Đại diện của nước này tại LHQ thời gian cũng đã cảnh báo rằng Mỹ có thể rút khỏi các cơ quan khác của LHQ.
Khi UNHRC được thành lập vào năm 2006 với mục đích thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới, Chính phủ Mỹ do ông George W. Bush đứng đầu đã từ chối gia nhập. 1 năm sau khi ông Barack Obama lên nắm quyền, năm 2009, Washington mới tham gia UNHRC.
Nước này sau đó được bầu vào Hội đồng liên tiếp 2 nhiệm kỳ - là số nhiệm kỳ liên tiếp tối đa mà một nước có thể đảm nhiệm. Sau 1 năm nghỉ, đến năm 2016, Mỹ lại được bầu vào Hội đồng nhiệm kỳ thứ 3. Quyết định rút khỏi UNHRC được Mỹ đưa ra nước này đã đi được 1 nửa trong nhiệm kỳ 3 năm.
Nhiều người thậm chí cho rằng quyết định của Mỹ đã phản ánh thái độ thù nghịch của ông Trump với LHQ và với ngoại giao đa phương nói chung.
Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích quyết định của ông Trump, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ không đặt nhân quyền là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. 12 nhóm nhân quyền và cứu trợ, trong đó có các tổ chức như Save the Children và CARE, cảnh báo Ngoại trưởng Mỹ rằng việc Mỹ rút khỏi UNHRC sẽ khiến việc thúc đẩy các ưu tiên về nhân quyền và trợ giúp các nạn nhân trên khắp thế giới thêm khó khăn.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ sự tiếc nuối đối với quyết định của Mỹ. Ông cho rằng kiến trúc nhân quyền của LHQ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.
“Nếu tính đến hiện trạng nhân quyền của thế giới ngày nay, nước Mỹ càng nên đứng ra phía trước chứ không phải lùi về phía sau”, Cao ủy LHQ về nhân quyền al-Hussein cũng bình luận về quyết định mà ông cho là “đáng thất vọng” của Washington.
Động thái trên cũng được dự báo không phải không có tác động gì tới Mỹ. Nước này từ lâu vẫn luôn bảo vệ đồng minh Israel tại LHQ. Tuy nhiên, việc tuyên bố một tổ chức của LHQ thành kiến với Israel sẽ thổi bùng lên những quan điểm cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump không thể là một trung gian hòa giải công bằng khi kế hoạch hòa giải Trung Đông của nước này được công bố.
Trước đó, Mỹ cũng đã rời đại sứ quán tới Jerusalem sau khi công nhận đây là thủ đô của Israel, đi ngược lại chính sách nhiều thập kỷ qua của họ.
Ông Jamil Dakwar – giám đốc một tổ chức thúc đẩy nhân quyền của Mỹ - thì nhận định chính sách theo chủ nghĩa cô lập sai lầm của Mỹ sẽ chỉ làm tổn hại đến các lợi ích của nước này.
Liên minh châu Âu (EU) trong khi đó cho rằng quyết định của Washington có nguy cơ làm suy yếu vai trò của Mỹ trong vấn đề bảo vệ dân chủ trên vũ đài thế giới. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nhận xét đó là quyết định đáng tiếc vì UNHRC chính là công cụ tốt nhất mà cộng đồng quốc tế có để giải quyết sự bất công. Cần nói thêm là quyết định của Mỹ được đưa ra trong lúc nước này đang bị chỉ trích mạnh mẽ về việc chia rẽ con của những người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới Mỹ - Mexico.