Nông sản đối mặt với cạnh tranh… “bẩn”
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay, nông sản Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải, khó giải quyết. Trong đó, Thứ trưởng khẳng định, trước xu hướng các quốc gia tăng rào cản kỹ thuật và thuế, tăng các biện pháp bảo hộ, các bộ, ngành phải xác định vào cuộc quyết liệt để bảo vệ quyền lợi cho DN Việt.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất và phải giải quyết sớm, theo thứ trưởng Trần Thành Nam là đối mặt với truyền thông “bẩn”. Một số nước đã thực hiện truyền thông bôi nhọ các mặt hàng nông sản Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước. Như ở thị trường Italia xuất hiện thông tin về cá tra bị độc do các sông ở Việt Nam nhiễm dioxin. Hoặc 12 thị trường quốc tế khác cũng có những thông tin tương tự về các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Thậm chí, xuất hiện cả hiện tượng, các mặt hàng nông sản nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, núp bóng hàng Việt gây ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam. Điều này dễ khiến khách du lịch quốc tế hiểu sai về chất lượng hàng Việt.
Ngoài ra, cũng còn nhiều vấn đề khác cần phải tập trung tháo gỡ ngay trong năm 2018 như hàng hóa của Việt Nam phát triển nhiều nhưng thương hiệu nông sản Việt Nam rất hạn chế, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng hóa đi quốc tế. Do đó, cần xây dựng thương hiệu nông sản Việt như đã từng xây dựng được thương hiệu gạo. Được biết, trong năm 2018, 2 Bộ NN&PTTN và Bộ Công Thương sẽ phối hợp xây dựng thương hiệu cá tra để đảm bảo nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đại diện các hiệp hội cũng đặt vấn đề phải phân tích và thông tin sâu sát về các thị trường, do vậy, trong năm 2018, các bộ ngành cần tập trung phân tích một số thị trường trung tâm để các hiệp hội chỉ đạo DN tập trung vào các thị trường này. Ngoài ra, định hướng xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cũng phải rõ ràng để các địa phương còn có kế hoạch quy hoạch vùng.
Mong đợi chính sách thuế ổn định…
Ông Đỗ Hà Nam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, DN này đã có một năm đạt kết quả xuất khẩu rất tốt, mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất là cà phê nhân với 400 nghìn tấn, đứng đầu thế giới. Theo ông Nam, dự kiến Lâm Đồng sẽ là thủ phủ cà phê thay cho Đắk Lắk trong vài năm tới; do vậy, ông hy vọng chính quyền địa phương sẽ có nhiều biện pháp để giữ vững vùng nguyên liệu nhằm giúp người dân có thể tập trung làm tốt nhất công việc của mình.
Tuy nhiên, Intimex cũng gặp phải nhiều vấn đề khó khăn do chính sách thuế, khiến DN có cảm giác Bộ Tài chính đang tận thu hơn là nuôi dưỡng khi quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với cà phê hòa tan. Ngoài ra, hiện nay, việc vay vốn của Intimex cũng gặp rất nhiều khó khăn khi các ngân hàng thương mại nhà nước đang thắt chặt việc cho vay. “Không hiểu do sợ rủi ro hay có vấn đề gì” , ông Nam đặt vấn đề.
Ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng nêu ra kiến nghị liên quan đến thuế để tạo điều kiện cho các công ty lắp ráp sản xuất ô tô trong nước có cơ hội cạnh tranh với xe nhập khẩu như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần sản xuất trong nước cho các các sản phẩm ô tô. Ông Đức khẳng định, hiện tỉ lệ nội địa hóa xe du lịch còn rất thấp, do đó rất khó để các sản phẩm lắp ráp trong nước có thể xuất sang các nước ASEAN.
“Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần sản xuất trong nước cho các các sản phẩm ô tô là giải pháp tối ưu để các DN mạnh dạn đầu tư, nhằm tối ưu hóa chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh của các DN ô tô trong nước”.
Các DN khác cũng tập trung đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến thuế khi những lo lắng về kế hoạch phát triển có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế. Cụ thể, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Petrolimex kiến nghị cần sớm ổn định những sắc thuế do hệ quả ký kết các hiệp định thương mại tự do ở các thời điểm khác nhau. “Phải làm sao để thống nhất, tránh những sắc thuế có khác biệt quá lớn, gây khó khăn cho DN”, người đứng đầu Tập đoàn Xăng dầu nói.