Doanh nghiệp cần chủ động cuộc chơi với thị trường
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và Phát triển thương hiệu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, doanh nghiệp (DN) không nên suy nghĩ mình có tiềm lực như thế nào thì đặt mục tiêu như thế, mà hãy cứ đặt mục tiêu rồi quay lại với nguồn lực mình có để lo liệu và chuẩn bị. “Và đừng mong mình làm gì sẽ có sự hỗ trợ” - ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, DN cần học cách quản trị sự bất định, như chuẩn bị cho những ảnh hưởng từ tình hình chính trị thế giới, từ thời tiết, các rủi ro bên ngoài… Nếu các bất định là ngắn hạn thì DN cần điều chỉnh lại và học cách quản trị vì DN có lợi thế hơn khi có thể chủ động và linh hoạt trong mọi hoạt động.
“Với xu hướng mới, DN đừng chờ Chính phủ, hãy tận dụng những điều Chính phủ hỗ trợ và linh hoạt tiếp nhận nó vì đây là cuộc chơi của thị trường” - ông Thành nhấn mạnh một lần nữa việc DN chủ động với cuộc chơi khi nền kinh tế Việt Nam đang là nền kinh tế có độ mở khá lớn.
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định trong hàng chục năm qua, trung bình đạt hơn 7%/năm giúp đưa thu nhập GDP bình quân đầu người tăng lên hàng chục (lần từ 230 USD năm 1986 lên gần 2.600 USD năm 2018)… Bên cạnh đó việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã phát huy tác dụng.
Điều này sẽ tạo ra các cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu… từ đó có thể giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp và xuất khẩu nguyên vật liệu thô của nền kinh tế. Đặc biệt sau sự kiện tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua, DN Việt có thêm động lực lớn để đưa ra chiến lược kinh doanh ổn định trong thời gian dài và mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư.
Theo ông Huân, để tận dụng cơ hội này đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách phù hợp, có cơ chế kiểm soát, phân biệt giữa “đầu tư tránh thuế” với đầu tư thực sự, đồng thời DN cần minh bạch, trung thực trong quá tình tiếp nhận chuyển dịch đầu tư theo sự sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Huân đánh giá, việc thực thi pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. Kết quả của năm 2018 khi Việt Nam đã tụt 3 bậc về năng lực cạnh tranh và 1 bậc về môi trường kinh doanh đã cho thấy điều đó. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và bị bỏ khá xa so với các nước đứng đầu như Singapore, Maylaysia, Thái Lan.
Không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng!
Chính phủ đặt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, đóng góp 48-49% GDP, chiếm khoảng 59% tổng vốn đầu tư toàn xã hội chính là cơ hội vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản để có thể đạt được những mục tiêu này, trong đó tiếp cận vốn ngân hàng là vấn đề lớn nhất đối với mỗi DN.
Bà Vũ Thị Vân Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và thương mại VietRap chia sẻ, hiện nay, ngân hàng có rất nhiều gói vay nhưng không phải DN nào cũng có thể tiếp cận. Những Nghị định về phục vụ phát triển nông thôn được cho là ưu việt nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản, bắt nguồn từ việc ngân hàng thiếu niềm tin đối với DN tư nhân.
Bà Phương cho biết, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, thị trường sản phẩm không ổn định, trong khi DN tư nhân không có tài sản đảm bảo cho ngân hàng để vay. Trong khi vốn đầu tư cho nông nghiệp bền vững khá lớn và chu kỳ đầu tư dài hơi. Ví như trong lĩnh vực trồng trọt công nghệ cao (CNC) riêng đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới… hiện nay tối thiếu mất 200-250 triệu/1.000m2; Như vậy, 1ha tiêu tốn khoảng 2-2,5 tỷ đồng thậm chí còn cao hơn, trong đó chưa tính đến chi phí vận hành và chi phí đầu tư cho canh tác…
Đặc biệt, một khó khăn mà bà Phượng chỉ ra khi DN nông nghiệp CNC không thể tiếp cận vốn ngân hàng là do hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như nhà kính, nhà lưới... chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nên gây khó khăn cho DN trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch, bảo đảm thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Bà Phương tâm sự, hiện nay VietRap đã có sản phẩm xuất khẩu đi Dubai, Hàn Quốc, một vài nước châu Âu nhưng VietRap vẫn chưa một lần tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Đó là lý do mà DN nhỏ không thể phát triển thành “vừa”, DN vừa không thể “lớn” lên được. Cộng thêm việc vẫn chưa thực sự được sự hỗ trợ từ chính phủ. Bà Phương tâm sự: “Chúng tôi không sợ thiên tai dịch bệnh mà chúng tôi sợ bơ vơ, sợ mình cứ lầm lũi đi, ngẩng mặt lên thì các nước khác đã bỏ chúng ta một khoảng cách rất xa rồi”.