95% người viêm gan không biết mình mắc bệnh
Hiện thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 3% dân số toàn thế giới nhiễm vi rút viêm gan C. Bệnh này gây ra cái chết cho hơn 1,4 triệu người, kéo dài từ thập kỷ này sang thập kỷ khác mà thế giới vẫn chưa ngăn chặn được.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhận định có khoảng 95% số người bị viêm gan nhưng bản thân họ không biết. Bởi hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng, do đó không đi khám bệnh. Và chỉ khoảng 1% số người bị viêm gan vi rút được tiếp cận đầy đủ về chăm sóc và điều trị.
Trong đó, tại nhiều quốc gia, hệ thống xét nghiệm chẩn đoán viêm gan chưa đầy đủ, hoặc phát triển các xét nghiệm với giá thành cao. Do đó người thu nhập thấp khó tiếp cận phương pháp khám chữa bệnh.
Các nước châu Phi, châu Á thường có tỷ lệ bệnh viêm gan cao trong khi phát triển y tế còn hạn chế. Số người được điều trị đầy đủ theo phác đồ của tổ chức y tế thế giới còn thấp.
Tại Việt Nam, ngày 5/3/2015, Bộ Y tế ban hành kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019. Kế hoạch này hướng dẫn cụ thể về vấn đề truyền thông giáo dục và nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh viêm gan; tổ chức xét nghiệm trong cộng đồng để phát hiện những người mang vi rút viêm gan B và viêm gan C, bước phát hiện này rất quan trọng giúp y tế cơ sở nắm vững được nguồn lây bệnh.
Năm 2016, Tổ chức y tế thế giới đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của tất cả các quốc gia, cán bộ nhân viên trong ngành y tế và mọi người dân cần phải biết đến viêm gan và có hành động ngay.
Thủ phạm chính gây 2 vạn ca tử vong tại Việt Nam
Theo tổ chức WHO nhận định, Việt Nam là một trong chín quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với bệnh viêm gan vi rút vì có tỷ lệ nhiễm bệnh cao trong cộng đồng. Theo thống kê trước đây, tỷ lệ viêm gan B của Việt Nam từ 10- 20% dân số, tỷ lệ người viêm gan C chiếm khoảng 1-3% dân số.
Như vậy, số người nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C ở Việt Nam khoảng 20 triệu người. Hàng năm, hai loại vi rút này là nguyên nhân chính gây ra cái chết cho 2 vạn người bị ung thư gan.
Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ nhưng Hội Gan mật nhận định đa số bệnh nhân bị viêm gan chưa được điều trị đầy đủ, đúng cách. Nguyên nhân do chưa tổ chức khám, xét nghiệm để phát hiện viêm gan cho toàn dân.
Hội Gan mật Việt Nam đã có một dự án điều tra dịch tễ trên 3 vạn người thuộc ba miền Băc-Trung-Nam, nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí nên chưa thể hoàn thành. Năm 2014, Hội Gan mật thống kê kết quả kiểm tra đối với 1.118.503 người, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B chiếm 9,3%; kiểm tra 243.297, tỷ lệ có vi rút viêm gan C chiếm 4,2%.
Năm 2016, văn phòng tổ chức WHO tại Việt Nam đã giúp Việt Nam thực hiện mô hình hóa viêm gan B và C, nhận thấy tại tỉnh Bình Thuận, độ tuổi từ 0-19 có 2,4-4,8% người nhiễm vi rút viêm gan B; độ tuổi từ 20 tuổi trở lên, tỷ lệ này là 10,4 - 17,3%.
Tỷ lệ người nhiễm vi rút viêm gan C chung trên cả nước là: 1,92%. Trong đó, tỷ lệ người nhiễm vi rút viêm gan C ở các tỉnh phía Nam cao hơn phía Bắc, như ở Bình Thuận là 3,3%, TP.HCM chiếm 2%, Thái Bình 1%, Yên Bái 1,2%.
Vi rút viêm gan lây truyền qua những con đường nào?
Có rất nhiều đường lây nhiễm vi rút viêm gan, chủ yếu lây theo đường máu, do truyền máu hoặc các sản phẩm máu không an toàn, do tiêm chích, do các vết xước ở da, do các dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng, do quan hệ tình dục không an toàn.
Đặc biệt, những thai phụ bị viêm gan vi rút sẽ lây truyền sang con trong khi sinh. Số trẻ em bị lây nhiễm từ mẹ phần lớn có thể chuyển thành viêm gan mãn tính.
Báo động tỷ lệ viêm gan B ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ
Hiện chưa có số liệu đầu đủ về tình trạng phụ nữ trong thời kì sinh đẻ nhiễm vi rút viêm gan B. Căn cứ vào một số công trình điều tra, ước tính tỷ lệ phụ nữ nhiễm vi rút viêm gan B trong thời kỳ này chiếm khoảng 10% dân số. Tỉ lệ những bà mẹ đang bị viêm gan B lây truyền cho con trong khi sinh lên tới 90%.
Với tình trạng như vậy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,6 triệu trẻ được sinh ra, có hơn 60 ngàn trẻ bị lây nhiễm viêm gan B. Phần lớn số trẻ này bị biến chứng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
Đây là đường lây truyền phổ biến và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Muốn hạn chế việc lây truyền từ mẹ sang con cần phải điều trị bệnh viêm gan cho những người phụ nữ mang thai vào cuối kỳ thai bằng các thuốc ức chế viêm gan vi rút.
Cần làm gì để phòng chống viêm gan?
- Nâng cao nhận thức về bệnh viêm gan vi rút và các nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Đồng thời các tổ chức cần tuyên truyền vận động về ý nghĩa nhân văn cao cả trong vấn đề hiến gan để cứu sống người bệnh cần được ghép gan.
- Tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin viêm gan B đối với trẻ sơ sinh cũng như các đối tượng có nguy cơ cao.
- Đặc biệt chú ý tuyên truyền vận động đối với những phụ nữ đang trong thời kỳ sinh sản.
- Cần tăng cường trang thiết bị tiên tiến để phát hiện những người mang vi rút viêm gan trong số những người hiến máu để đảm bảo an toàn tối đa trong truyền máu cũng như các sản phẩm máu.
- Tuyên truyền vận động, có biện pháp chống lây lan từ những trung tâm cai nghiện, tiêm chích ma túy, vô trùng trong các bệnh viện, các phòng khám tư nhân, các phòng châm cứu, quan hệ tình dục không an toàn và các phong tục xỏ lỗ tai, cạo gió, xăm hình.
- Lập kế hoạch phát hiện người mang vi rút viêm gan trong cộng đồng để sàng lọc và điều trị ở tất cả các địa phương.
- Chú trọng vấn đề tiêm chủng vắc xin viêm gan B. Đặc biệt đã thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B đối với trẻ sau khi sinh 24 giờ. Để hạn chế tối đa lây truyền trong truyền máu và các sản phẩm máu, chúng ta cũng đã áp dụng các xét nghiệm tiên tiến để đảm bảo an toàn trong truyền máu cũng như sản phẩm máu.
Có rất nhiều đường lây nhiễm vi rút viêm gan, chủ yếu lây theo đường máu, do truyền máu hoặc các sản phẩm máu không an toàn, do tiêm chích, do các vết xước ở da, do các dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng, do quan hệ tình dục không an toàn.
Đặc biệt, những thai phụ bị viêm gan vi rút sẽ lây truyền sang con trong khi sinh. Số trẻ em bị lây nhiễm từ mẹ phần lớn có thể chuyển thành viêm gan mãn tính.