Trân trọng, từ bi - những suất ăn từ thiện tại Bệnh viện K

Đứng bếp nấu hàng trăm suất cơm giữa trời nắng nóng là “khâu” cực nhất trong nấu ăn.
Đứng bếp nấu hàng trăm suất cơm giữa trời nắng nóng là “khâu” cực nhất trong nấu ăn.
(PLO) -Đã hai năm nay, vào mỗi trưa thứ Hai và thứ Sáu, những thành viên trong Hội Hương Từ Bi lại hội tụ về chùa Phúc Long (xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội), cùng góp sức nấu những bữa ăn chan chứa yêu thương cho bệnh nhân ung thư.  Tiếng cười rôm rả giữa cảnh chùa thanh bình, ánh mắt ai cũng toát lên hạnh phúc dù gương mặt đỏ bừng đẫm mồ hôi.

Bếp ăn nhân ái 

Mỗi người một việc, ai cũng chăm chú vào phần việc của mình, từ cụ già 80 tuổi đến nam sinh lớp 11. Chị Phùng Hồng Thanh (42 tuổi) kể, khi sư thầy Thích Đàm Hoài ở chùa phát tâm nấu cơm từ thiện, chị và mọi người ủng hộ nhiệt liệt.

Chị kể: “Những ngày đầu tiên, thầy vừa làm vừa lo vì chùa ở đây là chùa “nhà quê”, dân quê nghèo lắm, không có nhiều công đức vào chùa”. Sư thầy tự bỏ tiền để mua thực phẩm và các vật dụng cần thiết để mọi người nấu ăn. Khi các thành viên tìm thấy niềm vui trong công việc thiện nguyện và gắn bó với nhau, sư thầy đặt tên Hội là Hương Từ Bi. 

Chị Thanh vui vẻ kể, những ngày đó sư thầy lo nhiều lắm, lo nhất là mỗi lần thủ quỹ gọi “Bạch thầy”. Có lần gần hết gạo mà quỹ cũng không còn, chị lên “Bạch thầy, hết gạo rồi ạ”, cũng đúng lúc thầy đang xây chùa nên càng khó khăn. Sư thầy phải dùng trang Facebook cá nhân của mình để kêu gọi cộng đồng chung tay “giữ lại nồi cơm cho bệnh nhân”. 

Bây giờ Hội không lo lắng chuyện kinh phí, cơm áo, củi lửa nữa vì các hội viên cũng tham gia đóng góp và kêu gọi thêm từ bạn bè, người thân. Bà Trần Thị Chắt (70 tuổi) tham gia Hội ngay từ đầu cho biết, Hội có khoảng 20 người tham gia nấu cơm cho các bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K (cơ sở 2, Hà Nội).

Mỗi lần nấu 230 - 250 suất cơm, mỗi suất khoảng 15 ngàn đồng. Thức ăn thay đổi thường xuyên. Rau thì do bà Chắt cung cấp rau sạch từ ruộng nhà mình, mùa nào thức đấy. Các con đã lập gia đình ở riêng, mỗi sáng bà dậy từ 2h sáng đi hái rau, bó rau rồi mang ra chợ bán, lấy tiền góp thêm cho quỹ của Hội mong đảm bảo các suất ăn cho bệnh nhân.

Hay bà Lê Thị Hoa (74 tuổi), bà kể nhà “hoàn cảnh”, bà không có tiền, chỉ góp công sức nấu cơm, ngoài ra còn tranh thủ đi quyên góp khắp nơi. Mỗi lần đi đâu gặp người thân quen, bà đều thông báo mình đi nấu cơm từ thiện, ai phát tâm thiện nguyện thì đóng góp, mỗi người 20 - 30 ngàn đồng. Mỗi khi góp gom được 2 triệu, bà lại mang đến cho thủ quỹ Hội. 

Còn chị Thanh, mỗi lần đi chợ đều “săm soi” tìm mối ngon, rẻ để đặt để đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người bệnh. Có khi chị lại đi vận động quyên góp ngoài chợ để mọi người cùng đóng góp.

Có những người đã chia sẻ thu nhập của mình để đóng góp cho Hội, nhưng vẫn đau đáu với công việc bếp núc. Đến mức trước khi đi làm, họ vẫn phải tranh thủ ghé qua nhặt được ít rau, đãi được ít gạo, giúp được việc gì là làm ngay rồi mới đến cơ quan. 

Cao tuổi nhất trong Hội là cụ Nguyễn Thị Chung (82 tuổi). Nhà cụ cách chùa khoảng 3 cây số, vào mỗi ngày nấu cơm, cụ phải đi bộ từ nhà đến chùa vì tuyến đường này không có xe buýt, lại toàn vào giờ trưa nên con cái bận đi làm không đưa cụ đi được.

Khi nào mỏi chân, cụ lại vẫy xe xin đi nhờ. Đến đoạn họ rẽ khác đường, cụ xuống đi bộ tiếp, mỏi chân lại vẫy xe khác đi nhờ. Hai năm nay, cụ Chung chưa vắng mặt buổi nào trong những bữa cơm nghĩa tình này. 

Chia sẻ về hành trình từ nhà đến chùa, bà cụ vui vẻ kể, có những hôm gặp nhiều người tốt bụng, dù không đi cùng đường nhưng họ vẫn chở cụ đến tận cổng chùa rồi mới quay ngược đi theo đường của mình. Con cái thương mẹ, có người khuyên cụ đừng đi lại nhiều sợ nắng nôi vất vả, nhưng cụ nói mỗi lần cùng ngồi nấu ăn với mọi người lại thấy vui khỏe ra nhiều. 

Cứ thế, mỗi người một việc, mỗi người một phần công sức, bếp ăn từ thiện của Hội Hương Từ Bi đỏ lửa hai buổi/tuần được hai năm nay. Mùa đông nấu nướng còn dễ chịu, những ngày hè nắng nực mới thấy hết sự vất vả của người đứng bếp. 

Bà Chắt kể: “Những hôm nắng nóng thì cực lắm. Thấy ai vào đến bếp là đã quý hóa lắm, lại ôm nhau chia sẻ khó khăn vì mọi người đều vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết để cùng nhau lo việc cho Hội. Những hôm nắng to, người trẻ còn mệt. Ai cũng lo nhắc các cụ nghỉ ngơi giữ sức nhưng các cụ không chịu. Có người đùa gọi các cụ là “đại ca” mà toàn “đại ca số 1”.

Để hoàn thành bữa ăn có nhiều khâu, người đứng bếp nấu cơm trong mùa hè là cực nhất. Chị Thanh kể, mỗi lần nấu là nấu bằng nồi gang, mỗi nồi một yến gạo, nấu liên tục ba nồi. Có những ngày mất điện không có quạt, người phụ trách nấu cơm quần áo ướt đầm đìa. Mọi người phải thay nhau đứng quạt cho đầu bếp nhưng lưng áo bà vẫn ướt đẫm mồ hôi. 

Vượt khó khăn riêng để chung tay thiện nguyện 

Sau một hồi vui vẻ kể về những vất vả của Hội Hương Từ Bi trong hành trình mang những suất ăn dinh dưỡng đến người bệnh, chị Thanh chùn giọng tâm sự, ở Hội Hương Từ Bi, các thành viên đều có hoàn cảnh riêng khó khăn. Ai cũng phải lo cho gia đình và con cái ăn học nhưng vẫn chắt chiu để đóng góp quỹ. 

Như bà Chắt, cứ 2h sáng lại dậy ra ruộng hái rau chuẩn bị cho một ngày chợ, nhưng vẫn góp tiền và để dành rau cung cấp cho bếp ăn của Hội. Như bà Lê Thị Châu (78 tuổi) đi bộ 5 cây số đến chùa, mỗi lần mất gần hai tiếng nhưng bà Châu cũng chưa vắng mặt ngày nào. 

Nhắc đến bà Châu, có người thương cảm nói: “Tôi chưa thấy ai khổ như bà ấy”. Bà Châu nghe được lời đồng cảm thì xúc động bảo: “Tôi vất vả nhưng bù lại được cái mạnh khỏe, chẳng biết đến viên thuốc, bệnh viện là gì”. Được về hoàn cảnh gia đình, bà Châu nghẹn ngào không thốt nên lời. 

Bà cụ bên cạnh chia sẻ: “Khổ lắm, ở trong Hội này, ai cũng thương bà ấy. Có hai con trai thì lỡ dở tình duyên cả hai. Một cô con gái xấu số yểu mệnh. Một người con rể cũng đã qua đời. Người con rể khác thì lâm bệnh trọng”.

Bà Chắt nói: “Mọi người động viên bà Châu nhiều, nhưng bà ấy nghị lực lắm. Bà vượt lên hoàn cảnh riêng, vẫn “trên từng cây số” với Hội. Bà ấy hay nói giúp được người bệnh chút nào thì thanh thản chút ấy”. 

Chị Nguyễn Hương Lan (45 tuổi) hôm trước phải nằm viện, hôm sau về đã tranh thủ đến chùa làm cùng với Hội. Chị Lan cũng lận đận, công việc không ổn định. Mọi người trong nhóm đùa: “Mỗi lần “lên bờ xuống ruộng” là chị Lan lại vào bếp”. 

Chị tâm sự: “Chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai nấy đều thuộc lời sư thầy Thích Đàm Hoài nhắc nhở “làm từ thiện không cần nhiều, chỉ cần một chút  cũng được, nhưng phải làm bằng cả tâm mình”.

Có lẽ vì thế mà dù cuộc sống còn vất vả, dù đang phải long đong tìm công ăn việc làm hay phải lao động cực nhọc mới kiếm được đồng tiền, nhưng các thành viên đều đau đáu về công việc thiện nguyện của Hội.

Nhắc đến từng thành viên, chị Thanh chia sẻ: “Chúng tôi bây giờ như một gia đình, lo lắng động viên nhau. Nhà nào có việc cũng chung tay vào cùng giúp đỡ như anh chị em ruột thịt”. 

Chị Thanh làm công việc giao hàng. Phụ nữ luôn phải lặn lội ngoài đường bất kể nắng mưa nhưng chị vẫn sắp xếp công việc để có thể cùng tham gia việc chung của Hội.

Có những hôm bận giao hàng không kịp tham gia buổi nấu ăn từ đầu, dù đang ở cách chùa hơn chục cây số, chị vẫn lo lắng gọi điện về hỏi công việc đến đâu, còn việc gì để chị đến làm… Lại có những người vì bận việc riêng vắng mặt cũng không yên, chốc chốc lại gọi điện hỏi han tình hình.

Hỏi về ý nghĩa của tên “Hương Từ Bi”, sư thầy Thích Đàm Hoài chia sẻ, thầy đặt tên Hội như vậy với mong muốn lòng từ bi yêu thương con người của mọi người sẽ là hương thơm lan tỏa đến cộng đồng. Dù khó khăn, dù có phải “ngược gió” thì hương đức hạnh cũng vẫn phảng phất muôn nơi, để tạo nên một cộng đồng chung tay giúp người cùng khổ. 

Hội có khoảng 20 người tham gia nấu cơm cho các bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K (cơ sở 2, Hà Nội). Mỗi lần nấu 230 - 250 suất cơm, mỗi suất khoảng 15 ngàn đồng. Thức ăn thay đổi thường xuyên. Rau thì do một thành viên cung cấp rau sạch từ ruộng nhà mình, mùa nào thức nấy. 

Đọc thêm

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.

Rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử

Ảnh minh họa: BV Bạch Mai
(PLVN) -  Bệnh nhân cho biết, một đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng, ngủ không sâu giấc, ăn kém ngon miệng. Để giải tỏa những cảm xúc trên, bệnh nhân đã pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử để hút cả đêm, rồi ngủ gục trên giường, bỏ cả làm.