Luật sư Lê Thị Thùy - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội tư vấn: Liên quan đến chất lượng bữa ăn không đảm bảo xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa qua chỉ là một trong nhiều vụ việc gây bức xúc cho dư luận về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học.
Về việc xử lý vi phạm đối với hành vi này, pháp luật đã có quy định rất rõ ràng. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 2 Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010 quy định, an toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người. Và tại khoản 1 Điều 6 Luật này cũng nhấn mạnh, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính, hành vi vi phạm pháp luật về ATTP bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP), thì mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức trừ một số trường hợp khác đã được quy định trong Nghị định này; cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm như sau:
Phạt tiền từ 1 - 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng. Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu...
Phạt tiền từ 5 - 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với hành vi vi phạm tại Điều này, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất chế biến có thời hạn; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm có thời hạn; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu huỷ nguyên liệu, thực phẩm; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm trong một số trường hợp.
Ngoài ra, hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng.