Tỷ giá điều chỉnh tăng thêm 9,3%. Sắp tới sẽ điều chỉnh giá điện và không thể giữ giá xăng được lâu. Những yếu tố “đầu vào” thiết yếu đã và đang thay đổi mạnh sẽ đẩy nền kinh tế lên một mặt bằng giá mới.
Lối ra để hạch toán?
Cam kết giữ nguyên tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng Việt Nam đến hết Tết Nguyên đán của Chính phủ đã chấm dứt hôm 11/2 với quyết định tăng tỷ giá thêm 9,3%.
“Thời điểm điều chỉnh lúc này hiểu đúng chỉ là cách mà Chính phủ chính thức thừa nhận các diễn biến thực tế trên thị trường tiền tệ nhiều tháng qua. Ở đây không phải là đưa tỷ giá lên một mức mới vì thực tế doanh nghiệp, ngân hàng đã giao dịch với nhau bằng tỷ giá trên thị trường tự do. Nếu chậm công nhận chính sách tiền tệ theo cung - cầu thị trường, doanh nghiệp sẽ hoang mang, khó hạch toán hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm nói với TBKTSG.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng mức điều chỉnh này mang tính kỷ lục.
Điều chỉnh tỷ giá là tất yếu song ở góc độ khác, ông Doanh còn nhận định: “NHNN phát đi thông điệp điều chỉnh nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường ngoại hối, kiềm chế nhập siêu và điều hành tỷ giá chủ động nhưng tôi không thấy họ nói gì đến tác động lạm phát”, ông Doanh nhắc và tính rằng: “Lần nâng tỷ giá này ước tính góp 2-3% vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 và chưa tính đến tác động lan tỏa của nó”.
Trong khi đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm nay mà Chính phủ đề ra khoảng 7%. Theo quy luật thông thường của các năm, CPI quí 1 luôn tăng mạnh, chiếm 40% mức tăng CPI của cả năm.
Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu 84 tỉ đô la Mỹ trên GDP là 102 tỉ đô la, tức là tỷ lệ nhập khẩu khoảng 74% GDP, trong đó các mặt hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất chiếm khoảng 65%, cộng với 20-25% là nhập khẩu máy móc, thiết bị các loại. Với tình trạng nhập khẩu như vậy, nếu tính theo tỷ giá mới, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng thêm gần 10% nữa.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, cho biết năm 2011, với mức tăng sản lượng dự kiến 8% so với năm trước (ước tính khoảng 11,7 triệu tấn thép thành phẩm), chi phí đầu vào sẽ biến động mạnh hơn do tỷ giá tăng.
Việc Chính phủ quyết định tăng giá điện từ đầu tháng 3 cũng chính thức được phát đi. Theo thông tin của TBKTSG, chưa có phương án chính thức nào trong số năm phương án giá điện (mức tăng thấp nhất 11% và cao nhất là 32%) mà Bộ Tài chính đệ trình được thông qua nhưng đang nghiêng về mức tăng 18%.
Còn tăng giá xăng, theo ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện vẫn chưa có quyết định vì bộ vẫn yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu giữ giá trước, trong và sau Tết để hạn chế ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng: “Tất nhiên không thể giữ giá mãi như hiện nay và tiếp tục bù lỗ trước diễn biến tăng giá của thị trường thế giới. Nhưng thời điểm tăng giá còn phải cân nhắc”.
Cũng liên quan đến thời điểm tăng giá xăng, theo thông tin của TBKTSG, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ mới thống nhất được việc cho phép các doanh nghiệp đầu mối được tăng tiền bù lỗ từ ngày 11-2 đến cuối tháng với giá xăng thêm 450 đồng/lít, 700-950 đồng/lít với dầu diesel, dầu hỏa và mazut.
Do chưa có các phương án tăng giá xăng, giá điện cuối cùng nên chưa thể dự báo mức ảnh hưởng tổng thể đến CPI, nhưng quí 1 năm nay, theo ông Doanh, chắc chắn một mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, lần lượt tác động liên ngành. Mức tăng này có thể gây khó khăn dồn dập cho doanh nghiệp.
Đóng bớt “ngăn” tài khóa
Trước tình hình giá trong nước và thế giới tăng dồn dập, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và ông Cao Sĩ Kiêm đều khẳng định việc kiểm soát lạm phát năm nay sẽ khó khăn và phức tạp hơn năm trước do thị trường đã bị méo mó vì “sức nén” thông qua các công cụ hành chính quá lâu. Vì vậy, khi bật lên sẽ rất mạnh.
“Năm ngoái nguyên nhân lạm phát chủ yếu bị đổ cho việc điều hành chính sách tiền tệ kém nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề”. Nếu tính thêm cả những tác động từ việc tăng giá thế giới đến lạm phát thì cũng chưa thuyết phục, theo ý kiến nhiều chuyên gia. “Nhiều quốc gia trong khu vực, kể cả nước nhập khẩu cả nước, cát, đất để xây dựng như Singapore nhưng lạm phát không cao”, theo lời ông Doanh.
Bởi cái gốc của lạm phát còn nằm ở việc điều hành chính sách tài khóa. Bà Chi Lan khẳng định việc điều hành giá theo quy luật thị trường là chưa đủ vì thị trường còn nguyên tắc cơ bản là tính cạnh tranh. Nếu yếu tố này chưa được xem trọng đầy đủ thì việc kiểm soát lạm phát vẫn thật sự khó.
“Nếu chỉ tăng giá mà không tạo ra các công cụ cạnh tranh thì vẫn là tình trạng độc quyền của một số nhóm lợi ích, một bộ phận doanh nghiệp như trong ngành điện, than, xăng dầu. Và thị trường không có cạnh tranh thì có thể hành xử theo kiểu gây sức ép trở lại với nền kinh tế”, bà nói.
Ngoài chính sách tiền tệ, nếu không tập trung điều hành tốt cả chính sách tài khóa, kiểm soát chặt đầu tư công, chi tiêu công thì lạm phát khó kiểm soát và có thể lặp lại tình hình kinh tế hồi quí 1-2008, thời điểm dồn nén những yếu kém nội tại trước khi khủng hoảng kinh tế bộc phát mạnh vài tháng sau đó.
“Kinh tế Việt Nam có tỷ lệ bội chi ngân sách, tốc độ tăng cung tiền và cung tín dụng cao nhất khu vực nên lạm phát cao”, ông Doanh đồng tình. Theo ông, phải cắt giảm mạnh bội chi ngân sách, giảm huy động vốn qua kênh trái phiếu, giảm đầu tư kém hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước để tăng cạnh tranh, giảm lạm phát. Bà Lan gợi ý nếu cần Chính phủ có thể phải thực hiện tám nhóm giải pháp (siết chặt đầu tư công, bội chi ngân sách...) như đã từng áp dụng trong năm 2008 mới có tác dụng thật sự.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn