Bùa chú, linh vật từ lâu đã được coi là những vật phẩm huyền bí, ẩn chứa nhiều quyền năng đẫm chất tâm linh và có sức hút đặc biệt. Ngay tại Việt Nam, những món đồ tâm linh với muôn hình vạn trạng xuất hiện ngày một nhiều, đi kèm với những đồn đoán đầy chất huyền hoặc, ma mị. Trong loạt bài này, sự thật về những loại bùa chú với “sức mạnh” siêu nhiên đó sẽ được làm rõ.
Sọ người trong tượng thạch cao
Cách đây 14 năm đã xảy ra vụ án tại TP.Hồ Chí Minh khiến dư luận xôn xao. Sự việc bắt đầu vào sáng 13/7/2005, một người đàn ông đến Bưu điện TP.Hồ Chí Minh gửi hàng đi Mỹ. Kiện hàng của vị khách được gói kỹ bằng thùng carton, khối lượng nặng hơn 9 kg, trong đó có một tượng Thần tài bằng thạch cao màu trắng, cao khoảng 50 cm, rộng 30 cm, dài 40cm.
Mọi việc có lẽ đã trót lọt nếu món hàng không xuất hiện dấu hiệu khả nghi. Vào lúc 15h ngày 13/7, hải quan kiểm tra chuyến hàng xuất khẩu thứ 2 trong ngày thì phát hiện lớp thạch cao dưới đáy tượng Phật bị ướt, đụng nhẹ tay lớp thạch cao mỏng lập tức bị rã ra, quan sát bên trong có chèn một lớp ni lông màu xanh.
Lập tức kiện hàng được niêm phong và đề nghị bưu cục báo cho người gởi lên gấp để bổ sung tờ khai. Chủ món hàng tên là Đoàn Ngọc Phăng (thị trấn Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), địa chỉ người nhận là Dương Trùng Dương (Hoa Kỳ). 8h sáng 14/7/2005, Đoàn Ngọc Phăng đến làm việc về gói hàng theo yêu cầu, hai công chức hải quan bưu điện TP.Hồ Chí Minh đã trực tiếp kiểm tra thùng hàng này.
Lúc ông Phăng mở gói hàng ra, bên trong bức tượng là một xương hộp sọ đã ngả màu đen, hàm răng phía dưới đã bị tách rời hộp sọ. Bên trong còn có trà khô, hoa nhài dùng để chèn lót hộp sọ, đã bị ướt do ngấm nước và một gói củ riềng nặng 318 gram. Chứng kiến cảnh tượng, mọi người ai nấy choáng váng, ngay sau đó toàn bộ thùng hàng này đã được bàn giao cho Công an Quận 1.
Sự việc càng gây xôn xao khi một cán bộ hải quan bị nôn ói và phải đưa đi cấp cứu, nhiều ngày sau vẫn còn bị nhức đầu, chóng mặt nên chưa thể trở lại làm việc. Người còn lại tuy không bị ói mửa, nhưng quá hoảng sợ do bị ám ảnh nên cũng “nhức đầu” không làm việc được. Cả thành phố hoang mang với thông tin vụ một thùng hàng xuất khẩu đi Mỹ có chứa “một chiếc sọ người hôi thối”.
Bưu điện trung tâm nơi phát hiện hộp sọ trong tượng thạch cao |
Thời điểm đó, trước sức nóng của vụ việc, lãnh đạo hải quan Bưu điện TP.Hồ Chí Minh đã phải lên tiếng đính chính thông tin. Theo đó, đúng là có việc nước làm ướt đáy tượng thạch cao, nhưng hoàn toàn không có mùi hôi thối như kiểu thi thể đang phân hủy. Một công chức hải quan lúc đó phỏng đoán, rất có thể đó là nước rửa hộp sọ còn sót lại hoặc là nước từ hoa nhài, củ riềng, chứ không phải từ hộp sọ.
Đây đó xuất hiện nhiều giả thuyết khác nhau về chiếc đầu lâu. Có những người cho rằng có thể đây là một vụ án mạng kiểu thanh toán thuê và hung thủ gửi vật chứng sang Mỹ để lãnh tiền công. Lại có một số người khác phán đoán có thể chủ hàng nghĩ đây là một hộp sọ của lính Mỹ đã chết trong chiến tranh nên gửi sang Mỹ với hy vọng kiếm một suất định cư tại đây.
Gian nan tìm kiếm... nạn nhân
Trong lúc đó, bước đầu trả lời cơ quan công an, Đoàn Ngọc Phăng vẫn loanh quanh chưa chịu khai ra sự thật. Đầu tiên ông Phăng khai có một người quen nhờ đi TP.Hồ Chí Minh gửi gói quà theo địa chỉ họ ghi sẵn. “Anh nhận ở đâu? Người quen đó tên gì, địa chỉ?”, người đàn ông bị cán bộ công an truy vấn. “Nhận ở ven đường, gần cây xăng, chỉ liên lạc qua điện thoại với người nhờ đi gởi”, ông Phăng trả lời sau một hồi im lặng.
Sau mấy tiếng đồng hồ làm việc với cơ quan công an, ông Phăng lại khai: “Đây là gói quà gởi cho ông anh ruột bên Mỹ. Ông anh điện thoại về nói đến địa điểm... đó sẽ có người giao và gửi gấp sang để ông ấy thờ”. Cùng thời điểm đó, cơ quan công an đã cử một tổ trinh sát đi Long An để điều tra lời khai của ông này đồng thời tiến hành trưng cầu giám định pháp y hộp sọ.
Sau nhiều hồi quanh co, ông Phăng đã khai ra nguồn gốc của kiện hàng với chiếc đầu lâu. Theo đó, người cung cấp sọ người cho ông ta là Sơn “bịt mũi”, tức Huỳnh Thái Sơn (ngụ tại Long An). Công an Quận 1 đã bắt khẩn cấp đối tượng Sơn “bịt mũi” để điều tra về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Các đối tượng hầu tòa |
Nhiều ngày sau khi tạm giữ hình sự, Sơn “bịt mũi” vẫn chưa chỉ ra chính xác nơi ông ta lấy trộm hộp sọ để giao cho Phăng. Thậm chí Sơn cho rằng thà chịu nặng tội chứ không nói cho cơ quan điều tra biết y lấy sọ từ hài cốt nào. Riêng những chi tiết liên quan đến hộp sọ trong thùng hàng bị bắt giữ, kết quả giám định của cơ quan chức năng cho biết đó là sọ của một phụ nữ, tuổi từ 20-22, chết cách đó nhiều năm.
Mặc cho kết quả giám định như vậy, một tuần sau đó Sơn vẫn một mực khai đã lấy hộp sọ tại ngôi mộ được xác định là của bà cụ chết cách đây 70 năm. Sau đó, cơ quan điều tra chứng minh cho Sơn biết kết quả khai quật ngôi mộ bà cụ này vẫn còn nguyên hộp sọ. Thế nhưng Sơn vẫn nằng nặc cho rằng đó là hộp sọ lấy từ mộ của bà này.
Một tháng sau khi vụ việc xảy ra, một thanh niên ở Bến Lức (Long An) trong lúc đọc báo thấy vụ án có nhiều dấu hiệu liên quan đến một việc xảy ra trong gia đình mình. Anh đã mang tờ báo về nhà cho bố là ông Trần Văn Rạng (tức Út Rạng, ngụ huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông Rạng linh cảm vụ việc có liên quan tới gia đình và trình báo chính quyền về nghi vấn trong lòng.
Theo gia đình, năm 1975, con gái ông Rạng là cô Trần Thị Bán lâm bệnh thương hàn và qua đời khi sắp tròn 18 tuổi. Khi dự án đường Chợ Đệm - Trung Lương được triển khai, mấy trăm ngôi mộ ở nghĩa địa Bà Ốc (xã Thạnh Đức) phải di dời. Dòng họ ông Rạng có 2 ngôi mộ trong diện phải di dời là mộ bà nội ông và đứa con gái thứ 3. Ông Rạng thuê người bốc mộ chuyên nghiệp tên Tường, với giá 500.000 đồng/mộ. Thỏa thuận là vậy, nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ di dời nên ông chưa tiến hành, trong khi Tường liên tục hối thúc.
Khi bốc mộ, gia đình được đứng coi sắp xếp hài cốt bà nội vô quách, còn hài cốt cô con gái thì Tường không cho gia đình đến gần vì lý do tâm linh. Chỉ đến khi Tường sắp xếp xương cốt, đóng nắp hòm lại xong mới gọi gia đình đến khiêng đi chôn. Từ điều bất thường đó, cùng với việc bốc mộ ngày 10/7/2005 thì vài hôm sau kiện hàng chứa sọ người bị phát hiện đã củng cố thêm nghi ngờ của ông Rạng.
Từ lời trình báo của ông Rạng, cơ quan chức năng khai quật mộ cô Bán. Kết quả là bên trong không có hộp sọ. Cơ quan điều tra lấy lời khai của người bốc mộ tên Tường và lấy mẩu xương trong nấm mộ cô gái để giám định. Biết không thể che giấu được sự thật, các đối tượng phải khai nhận toàn bộ hành vi.
Luyện bùa Thiên Linh Cái
Theo Phăng khai nhận, từ yêu cầu của một người anh họ là Đoàn Ngọc Dưỡng, có biệt danh là Dương Trùng Dương (đang định cư tại Mỹ) muốn có một sọ người từ Việt Nam gửi sang. Nhưng đó phải là hộp sọ của một cô gái đồng trinh để Dương luyện Thiên Linh Cái, làm bùa phép phục vụ nghề pháp sư của Dương ở bên Mỹ.
Phăng không biết phải thực hiện như thế nào, đành phải đã lặn lội lên Tây Ninh tìm người giúp đỡ. Sau khi tiếp xúc với một thầy cúng, Phăng được giới thiệu đến gặp Sơn “bịt mũi” tại Bến Lức (Long An). Qua tìm hiểu, Phăng biết Sơn “bịt mũi” chuyên làm nghề nhặt xác, khai quật di dời mồ mả tại thị trấn Bến Lức.
Biết được Sơn là dân “trong nghề” và có thể thực hiện được yêu cầu khó khăn của người anh họ, Phăng gặp Sơn và đề cập vấn đề. Sơn nghe xong đã nhận lời giúp đỡ, tất nhiên điều kiện đổi lại là một khoản tiền. Theo thỏa thuận, Sơn sẽ tìm kiếm một họp sọ người đúng như Phăng yêu cầu, sau đó vệ sinh và giấu trong một tượng Phật bằng thạch cao để giao cho Phăng với giá 1,7 triệu đồng, Phăng trả trước 500.000 đồng.
Chốt xong “hợp đồng”, Sơn đi tìm kiếm “hàng” để bàn giao. Biết Đoàn Văn Tứ (tức Tường) - một đồng nghiệp đang nhận bốc 2 ngôi mộ cho gia đình ông Trần Văn Rạng, trong đó có một cô gái đồng trinh nên Sơn đã tìm cách tiếp cận Tứ. Sơn năn nỉ Tứ để Tứ cho người cháu mình là Đặng Văn Lành (tức Vũ) tham gia bốc 2 ngôi mộ này. Tứ từ chối với lý do là hợp đồng giá rẻ, không có tiền trả lương cho Lành. Sơn nói Lành chỉ đi theo học việc, không phải trả lương thì Tứ đồng ý.
Trước khi Tứ và Lành thực hiện công việc, Sơn còn “đặt hàng” Tứ... một bộ răng hàm của cô gái đồng trinh để đem về làm thuốc trị viêm mũi. Tới ngày bốc mộ đã định, Tứ đã báo cho Sơn biết để phối hợp hành động. Đúng hẹn, sáng ngày 10/7/2005, Sơn đưa Lành ra nghĩa trang cùng Tứ bốc mộ.
Khi bốc dỡ ngôi mộ của con gái ông Rạng, Tứ nói với gia đình ông Rạng rằng, hôm nay là ngày xấu, gia đình không nên đến gần chỗ bốc mộ. Gia đình tưởng thật nên đã tránh xa, hai kẻ bốc mộ ung dung thực hiện ý đồ trộm cắp hài cốt. Trong khi Tứ lấy bộ răng hàm, Lành lấy hộp sọ giấu xuống bùn. Các bộ phận còn lại được sắp xếp vào quách xong mới gọi gia đình đến bàn giao.
Sau đó, Lành mang sọ người về giao cho Sơn và được Sơn cho 50.000 đồng. Sơn mua một tượng Phật bằng thạch cao, rỗng bên trong cùng một ít bột thạch cao đem về nhà bỏ hộp sọ vào tượng Phật và pha thạch cao trám kín lại. Hai ngày sau, Sơn nhận khoản tiền còn lại và giao tượng Phật chứa sọ người cho Phăng đi gửi rồi bị phát hiện như kể trên.
Năm 2006, vụ án được đưa ra xét xử. Trước tòa, Phăng thừa nhận hành vi phạm tội và tỏ ra ăn năn hối lỗi: “Do bị cáo ít học nên không hiểu biết... chỉ đến khi bị bắt mới biết việc làm này phạm tội”. Sơn “bịt mũi” cũng khai rằng, do Phăng nói cần sọ người để về nhà thờ chứ không biết đến việc Phăng đem sọ người ra nước ngoài...
Các bị cáo bị tuyên phạt mức án 12-24 tháng nhưng cho hưởng án treo về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Ngoài ra, tòa còn buộc các bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại 12 triệu đồng tiền tổn thất về tinh thần. HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo chỉ là bộc phát, không có bàn bạc, trình độ học vấn thấp... nên xét giảm hình phạt cho các bị cáo, không cần thiết cách ly các bị cáo khỏi xã hội.
Những lần gửi “hàng” cho “Thần pháp sư”
Một điều khiến nhiều người hoang mang, đó là theo những số liệu còn lưu lại tại Bưu điện trung tâm TP.Hồ Chí Minh trước khi bị phát hiện, Phăng đã nhiều lần gửi vật phẩm sang Mỹ cho người anh họ. Ngày 6/4/2005, một bưu kiện đã được Phăng gửi cho Dương Trùng Dương, bằng hình thức phát chuyển thường, bên trong có tượng ông Địa, một mớ rễ, củ, lá mà Phăng khai là thuốc Nam.
Đến ngày 11/4, một bưu kiện khác, gồm 2 bộ quần áo và 1 hộp dầu, được Phăng gửi tiếp, và người nhận vẫn là Dương. Ngày 10/5, lần thứ ba Phăng gửi cho Dương bưu kiện bên trong có 1 túi... cá khô(?), 1 túi củ nghệ và 11 tượng nhỏ bằng sứ. Đến ngày 18/5, Phăng gửi cùng một lúc 2 bưu kiện, bao gồm nửa ký than - loại mài ra để làm mực viết cùng 4 túi đựng củ nghệ và bưu kiện gồm 11 tượng bằng gỗ.
Ngày 23/5, cũng tại Bưu điện trung tâm, một bưu kiện lại được Phăng gửi cho Dương. Lần này là 15 bức tượng Phật bằng gỗ cùng 4 chiếc hộp gỗ. Ngày này, Phăng chuyển sang hình thức gửi phát nhanh. Trong bưu kiện là 6 tượng Phật bằng đất và một túi xương - mà Phăng khai là xương... mèo để làm thuốc chữa bệnh hen suyễn.
Sau đó 10 ngày, Phăng gửi thêm 3 gói hàng nữa, gồm 35 chiếc hộp gỗ, 4 bức tượng bằng thạch cao, 6 tượng nhỏ bằng đất, 19 tượng Thần tài và... 1 túi xương mèo(?). Đến ngày 14/6, Phăng gửi sang Mỹ bưu kiện nặng nhất - 18kg - nhưng chỉ có 2 cuốn vở và 2 bức tượng Phật bằng thạch cao (loại tượng giống như bức tượng mà Phăng đã bỏ chiếc sọ người vào).
Hôm sau, ngày 15/6, ông ta gửi thêm một bưu kiện có 1 tượng thạch cao, 1 cuốn băng cát-sét cùng 1 túi củ nghệ. Điều đáng lưu ý là bưu kiện bị phát hiện có chứa sọ người được gửi ngày 13/7 cũng có trọng lượng tương đương, và cũng có 1 túi củ nghệ. Ngày 28/6, ông Phăng gửi tiếp một bưu kiện nặng 10,05kg, gồm 1 tượng Phật bằng thạch cao, kích thước y như tượng Phật chứa sọ người, 1 bộ bài và 10 lọ mực tàu.
Một vali từng bị phát hiện bên trong có chứa xương người |
Những ngày sau đó, Phăng còn gửi tiếp vài lần nữa, hàng hóa là 3 túi đựng củ nghệ, 1 cuốn vở và 12 tượng Phật bằng nhựa. Tổng cộng, đã có ít nhất 10 lần Phăng gửi hàng sang Mỹ, trong đó có 91 bức tượng bằng các loại chất liệu như gỗ, nhựa, thạch cao. Đặc biệt nhất là 8 tượng Phật thạch cao kèm theo túi củ nghệ, có cùng kích thước như bức tượng chứa chiếc sọ người.
Còn phía bên kia bán cầu, ông Dương Trùng Dương, người đứng tên nhận các thùng hàng do ông Phăng gửi sang, thì thời điểm đó đang hành nghề thầy bùa và tự xưng là “Thần pháp sư”. Ông này cũng quê tại Long An, trong một gia đình chuyên nghề coi bói và làm bùa, ngải. Dương định cư tại Mỹ từ năm 1975.
Theo một số người Việt ở khu vực, “Thần pháp sư” chuyên về bói toán và “sên” bùa cho khách khi có yêu cầu với giá từ vài trăm đến vài chục ngàn USD, tùy nguyện cầu và mục đích của họ. Những bùa này là tượng Phật, là rễ cây, là củ nghệ, là tro xương mà Thần pháp sư giới thiệu là “ngải”. Đặc biệt hơn nữa, ai xem tương lai hậu vận trước khi quyết định một việc trọng đại, “Thần pháp sư” cũng phục vụ.
Thời điểm em họ bị bắt, ông Dương cho biết mình không hề yêu cầu Phăng gửi đầu lâu sang Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nói mình có cất trong nhà vài ba cái đầu lâu, trong đó có nhiều cái đã được luyện thành bùa Thiên Linh Cái. Nhiều người đặt nghi vấn, nếu lời thầy pháp này nói là sự thật thì liệu có phải ông Phăng đã nhiều lần gửi trót lọt đầu lâu qua Mỹ trước khi bị phát hiện.