Vén màn bí mật môn thể thao được ví là “quốc hồn quốc túy” của Nhật Bản

Các võ sĩ đang tập thế nắm giữ đối phương.
Các võ sĩ đang tập thế nắm giữ đối phương.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sumo được biết đến là môn võ của tinh thần văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo truyền thống, là niềm tự hào của người Nhật. Những võ sĩ Sumo Nhật Bản luôn là những ngôi sao sáng được người dân sùng bái tôn trọng, tuy nhiên con đường bước lên đỉnh vinh quang của võ đài cũng không hề dễ dàng.

Truyền thống được tôn trọng nhất nước Nhật

Theo các tài liệu lịch sử, Sumo ra đời cách đây 1.500 năm, trận đấu đầu tiên được ghi nhận vào năm 642 như một nghi lễ cầu mùa màng bội thu. Dưới sự bảo trợ của Thiên hoàng vào thế kỉ thứ 9, Sumo trở thành một nghi lễ trong cung đình, và cũng được biểu diễn cho vua chúa xem vào dịp lễ hội.

Vào thế kỷ 12, Sumo chính thức được ứng dụng vào các trận chiến khi Samurai lên nắm quyền chính trị tại Nhật. Năm 1192 chiến tranh nổ ra tại Nhật, các võ sĩ Sumo không còn hoạt động tự do mà được đưa và huấn luyện tại quân đội, phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Cũng từ đây mà các trường đào tạo Sumo ra đời với các võ sĩ Sumo chuyên nghiệp. Cho đến ngày nay Sumo là môn thể thao mang tính chuyên nghiệp, được tổ chức và huấn luyện bài bản tại Nhật.

Sumo gắn kết chặt chẽ với tôn giáo Shinto (Thần đạo) đề cao sự trong sạch và thanh tẩy, cũng chính là tôn giáo góp phần quan trọng để định hình cho văn hóa Nhật Bản ngày nay. Bởi thế mà Sumo rất được người Nhật coi trọng, và các võ sĩ cũng cũng có được sự kính nể trong xã hội. Các võ sĩ Sumo được phân chia thành 6 cấp độ khác nhau, tùy theo năng lực thi đấu và thành tích, bao gồm Yokozuna, Ozeki, Sekiwate, Komusubi, Maegashira và Jyuryo, trong đó cấp bậc cao nhất là Yokozuna - được công nhận bởi Hiệp hội Sumo Nhật Bản. 

Trong suốt lịch sử 1.500 năm của Sumo, chỉ có khoảng 70 võ sĩ đạt đến cấp độ Yokozuna. Juryo là cấp bậc của các võ sĩ chưa được lọt vào nhóm võ sĩ được thi đấu chuyên nghiệp. Các cấp thấp dưới Juryo (Makushita, Sandanme, Jonidan, Jonokhuchi) chỉ những người đang học Sumo.

 

Mỗi cấp bậc lại có quy định về trang phục và kiểu búi tóc khác nhau. Các võ sĩ sẽ không mặc lẫn lộn các loại trang phục để tỏ lòng tôn trọng những đối thủ của mình. Từ cấp Jonidan trở xuống, các võ sĩ mặc trang phục truyền thống yukata và dép geta. Đẳng cấp cao hơn (Makushita và Sandanme) có thể mặc thêm 1 chiếc áo khoác ngắn trang trí theo kiểu truyền thống bên ngoài áo yukata và mang dép zori. Những võ sĩ đã được công nhận là Sekiwate thì mặc áo choàng bằng lụa và họ cũng búi tóc theo kiểu trau chuốt hơn, có tên là Oicho. 

Khi một võ sĩ lên hạng thì chắc chắn một võ sĩ khác sẽ phải xuống hạng để nhường lại ví trí đó. Các võ sĩ có hạng thấp nhất có mức lương khoảng 11.000 USD/tháng (253 triệu VNĐ), các võ sĩ có hạng cao hơn sẽ có mức lương tăng dần và hạng cao nhất có mức lương vào khoảng 30.500 USD/tháng (701 triệu VNĐ).

Với mức lương như vậy, khi trở thành võ sĩ Sumo Nhật Bản chuyên nghiệp thì không còn phải lo lắng về cuộc sống ăn ở nữa, các võ sĩ tập trung hết sức vào việc luyện tập cũng như thi đấu. Nhiều võ sĩ Sumo có cuộc sống rất giàu có. Còn nếu không được phân hạng mà chỉ đang trong quá trình học thì chỉ được một số tiền trợ cấp khá ít ỏi. 

Luật chơi của Sumo thì khá đơn giản. Trận đấu thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, khoảng 1 phút, nhưng với nhịp độ rất cao và vô cùng căng thẳng. Võ đài chỉ là một vòng tròn đất nện có đường kính 4,55m. Hai võ sĩ chiến đấu với nhau trên võ đài, người nào ngã ra khỏi vòng tròn quy định hoặc chạm bất cứ phần cơ thể nào xuống đất sẽ là kẻ thua cuộc. Xuyên suốt trận đấu, hai bên không được phép đấm, đá, tấn công vào mắt và hạ bộ, mà chỉ được đẩy, húc và ngáng chân. 

Trong nghi lễ nhập đài có nhiều điểm khá đặc biệt. Lễ này được chia thành nhiều giai đoạn. Trước hết là lễ giậm chân và khởi động. Tiếp đó là lễ tẩy uế Shinto hay còn gọi là lễ ném muối. Hai đấu sĩ tiến về góc đài, bốc một nắm muối ném vào sàn đấu, rồi cúi xuống nhìn nhau trừng trừng. Phong cách riêng và uy lực của từng võ sĩ được thể hiện rõ nét ngay từ cái nhìn đầu tiên này. Sau khi lễ Shinto kết thúc, hai võ sĩ dùng hết sức mạnh lao vào nhau với cú đầu tiên gọi là Tachi-Ai.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành một võ sĩ Sumo thực thụ. Cuộc tuyển chọn có rất nhiều những yêu cầu khắc nghiệt và trải qua một quá trình luyện tập gian khổ. Những yêu cầu để có thể trở thành Sumo đó là đã tốt nghiệp trung học cơ sở, ít hơn 23 tuổi, cao trên 1m75 và nặng trên 67 kg. Sau lượt kiểm tra sát hạch, những người có đủ tiêu chuẩn trở thành Sumo sẽ bắt đầu được vào trường và thực hiện một chế độ huấn luyện nghiêm ngặt, ăn uống theo tiêu chuẩn để có thể tăng trọng lượng. 

Thời gian tập luyện mỗi ngày thường bắt đầu từ 4h sáng với một cái bụng đói để giúp cho lượng trao đổi chất có thể tiết kiệm giảm xuống tối đa. 11h trưa các võ sĩ bắt đầu nghỉ và dùng bữa. Chế độ ăn của Sumo không có bữa sáng, họ chỉ ăn hai bữa chính là trưa và tối với thực đơn đặc biệt nhiều rau, thịt, trứng, cá, đậu hũ, nước ép trái cây... Để tăng cân nhanh, sau bữa ăn, các võ sĩ Sumo còn ăn thêm các loại bánh kem, bánh ngọt. Và sau bữa ăn, các võ sĩ có thể làm việc cá nhân, nhưng hầu hết là ngủ để tích trữ năng lượng. Lúc này, họ phải sử dụng đến máy thở oxy để đảm bảo giấc ngủ sâu và chất lượng.

Ngoài những thức ăn trên, các võ sĩ chỉ sử dụng cơm, các sản phẩm từ hạt dẻ, rau sống, một lít bia hoặc vài ly rượu sake... trong bữa ăn. Bữa ăn của các võ sĩ này không thể thiếu một món ăn tên là Chanko. Đó là một nồi nước dùng gà và trong đó là tất cả các loại thực phẩm có thể nấu như đậu, thịt bò, rau, cá...

Chế độ ăn của Sumo được lập ra một cách hợp lý và khoa học. Cân nặng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong tập luyện của Sumo. Với nhiệm vụ mỗi ngày phải nạp đủ 8.000 calo, các võ sĩ Sumo thường tích một lượng mỡ rất lớn dưới da. Mặc dù khối lượng cơ thể lớn nhưng họ lại không mắc phải căn bệnh béo phì. Lượng mỡ trong cơ thể các Sumo không vượt quá 30%. Tuy đây không phải loại mỡ gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng các nhà khoa học tin rằng nếu họ không cố gắng giảm cân từ sau tuổi 30, lượng chất béo này sẽ dẫn đến những nguy cơ cao về tiểu đường, bệnh tim, và những mối nguy hại cho sức khỏe khác.

Không lương, không điện thoại, không bạn gái 

Tuổi thọ trung bình của một võ sĩ Sumo chỉ vào khoảng 55 năm, tức là ít hơn so với người Nhật bình thường khoảng 20 năm. Nguyên nhân có lẽ nằm trong chế độ ăn uống hàng ngày quá nhiều chất đạm. Họ thường xuyên phải ăn một loại súp đặc biệt, có thành phần từ thịt hoặc cá, đậu phụ, rau, mì, gạo và đường. Bữa ăn nhẹ giữa ngày của họ có thể lên đến 100 cuộn sushi.

Nhiều võ sĩ còn uống rất nhiều bia. Chế độ ăn với lượng lớn protein và chất béo này rất khác so với thói quen ăn uống tinh tế và lành mạnh của người dân Nhật Bản. Có lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch tuổi thọ lớn như trên.

Một góc tối trong những khu huấn luyện Sumo là đối với các võ sĩ trẻ với cấp bậc thấp: họ là những người chịu nhiều vất vả nhất. Họ phải dậy sớm trước tất cả mọi người để dọn dẹp, chuẩn bị bữa sáng và chỉ được ăn sau những võ sĩ có thứ hạng cao hơn.

Sau khi tập luyện, họ cũng là những người phải tắm sau cùng, và điều tương tự cũng diễn ra trong bữa tối. Những người này thường xuyên phải chịu hình phạt đòn roi và thể chất. Điều này diễn ra phổ biến trong văn hóa Sumo, bởi người ta tin rằng nó giúp các võ sĩ trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, một khi đã trở thành một võ sĩ giỏi, những người này có thể kiếm được hàng triệu yên mỗi tháng và trở thành thần tượng của rất nhiều người.

Tổng cộng có 6 giải thi đấu Sumo chuyên nghiệp quy mô lớn được tổ chức hàng năm tại Nhật Bản. Hiện có khoảng 650 võ sĩ Sumo còn hoạt động và chia làm 6 hạng thi đấu khác nhau. Họ chỉ tìm được cơ hội thăng hạng bằng cách liên tiếp đánh bại nhiều đối thủ, đồng thời giảm thiểu số lần thua trận của mình. Bởi vậy, hạng thi đấu cao nhất chỉ bao gồm 60 võ sĩ hàng đầu. Riêng các đối tượng thuộc 4 hạng thi đấu thấp nhất đều phải làm việc không công suốt thời gian khá dài, phải diện một chiếc áo yukata truyền thống cùng đôi guốc geta cả ngày giữa trời đông lạnh giá.

Một võ sĩ thực sự tài năng phải tốn khoảng 2-3 năm để leo lên hạng thi đấu thứ hai và bắt đầu nhận mức tiền lương tương xứng với danh vọng của bộ môn thể thao hàng đầu Nhật Bản. Cụ thể, mỗi võ sĩ hạng hai đều thu về số tiền tối thiểu gần 1,4 triệu yên mỗi tháng (tương đương khoảng hơn 270 triệu đồng), tối đa lên tới 7 triệu yên (tương đương khoảng 1,35 tỷ đồng) đã bao gồm cả tiền tài trợ quảng cáo. 

Nhưng tiền tài cũng không phải là đãi ngộ duy nhất sau khi họ chứng tỏ được năng lực trên sàn đấu danh giá, võ sĩ Sumo bị cấm lái xe hơi nhưng với khối gia sản kếch xù, họ hoàn toàn có thể thuê được tài xế riêng. Đó cũng chính là biểu tượng cho địa vị cấp cao mà võ sĩ tài năng sở hữu, hoặc đôi khi cũng là điều cần thiết bởi đa phần họ đều sở hữu vòng hai khổng lồ gây khó khăn trong việc điều khiển phương tiện giao thông. Các đô vật Sumo vẫn có thể lấy vợ như bình thường. Phụ nữ Nhật Bản rất tự hào khi được làm vợ của một Sumo. Chính vì vậy vợ của các võ sĩ Sumo bao giờ cũng rất đẹp.

Về lý thuyết, việc sở hữu điện thoại di động cũng như có bạn gái đều không được tồn tại với các võ sĩ thi đấu từ hạng ba trở xuống. Phụ nữ cũng bị cấm sinh sống bên trong khuôn viên của lò đào tạo và cũng không được tham gia trợ giúp trong mọi việc liên quan đến Sumo như huấn luyện, nấu ăn, giặt giũ.

Nói cách khác, nếu thuộc 4 hạng thấp nhất, họ sẽ chẳng có cơ hội kết hôn với người mình yêu trừ khi quyết định giã từ sự nghiệp. Nghiêm trọng hơn, nếu một võ sĩ hạng hai bị thương trong quá trình thi đấu dẫn tới việc rớt xuống hạng ba thì anh ta buộc phải “bỏ rơi” vợ con bên ngoài để quay lại những lò đào tạo với kỷ luật thép.

Dù bắt nguồn từ nghi lễ truyền thống bên trong những ngôi đền của Nhật Bản vào khoảng 1.500 tới 2.000 năm trước, song các võ sĩ hiện nay lại không thể giữ được sự thống trị đối với bộ môn thể thao này khi mà chỉ có tổng cộng 4 võ sĩ ở hạng Yokozuna còn hoạt động, 3 người trong số đó là người gốc Mông Cổ. Nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ khác trên toàn thế giới cũng thường xuyên gửi đô vật tiềm năng tới các lò đào tạo Sumo nội trú ở xứ hoa anh đào. 

Mọi võ sĩ khi lựa chọn bộ môn Sumo đều phải tuân theo hệ thống luật lệ vô cùng gắt gao được đặt ra từ xa xưa ở cả bên trong lẫn bên ngoài sàn đấu. Và việc có xuất xứ từ nước ngoài cũng không hề đem lại cho các học viên bất cứ đặc quyền nào cả. Cụ thể, họ sẽ mặc trang phục truyền thống khi xuất hiện tại nơi công cộng, bao gồm việc búi tóc theo phong cách samurai. Nếu phát sinh giao tiếp với người đối diện, các võ sĩ luôn phải thể hiện sự khiêm tốn và trang nghiêm. 

Ngoài ra, Hiệp hội Sumo Nhật Bản cũng đưa ra quy định mang tính bảo thủ rằng tất cả 45 lò đào tạo được công nhận trên toàn quốc chỉ có thể tiếp nhận tối đa 1 người ngoại quốc vào bất kỳ thời điểm nào. Và trong quá trình huấn luyện tại đây thì những người này luôn phải cố học tập cách ăn uống, nói chuyện, thi đấu cũng như mặc trang phục theo đúng chuẩn truyền thống.

Những góc tối “u ám”

Vậy hình phạt gì sẽ chờ đợi những võ sĩ trẻ tuổi không thể đạt tiêu chuẩn mà người đứng đầu mong muốn, hoặc khi dám lên tiếng phản đối về chế độ luyện tập cùng cuộc sống vô cùng hà khắc tại đây? Đó là hàng loạt vết roi đỏ chót hằn trên lưng, đó là sự trừng phạt cho việc họ chưa chịu cố gắng hết mình trong quá trình luyện tập.

Đồng thời, việc hành hạ các võ sĩ non nớt là chuyện xảy ra như cơm bữa. Điển hình như câu chuyện của một võ sĩ Sumo từng nhận được khoản tiền bồi thường lên tới 32,4 triệu yên (tương đương hơn 6,5 tỷ đồng) sau khi phải chịu đựng việc bị hành hạ mỗi ngày tại lò đào tạo vào năm 2006, song anh này lại bị mù lòa vĩnh viễn một bên mắt...

Nhà vô địch đạt danh hiệu Yokozuna thứ 69, võ sĩ Hakuho đã chia sẻ về những trải nghiệm của chính bản thân khi mới gia nhập làng Sumo: “Khuôn mặt của tôi bây giờ tràn đầy hạnh phúc. Vậy mà tôi từng phải khóc mỗi ngày khi phải chịu đựng những trận đòn như tra tấn kéo dài hơn 45 phút từ các đàn anh ở lò huấn luyện. Dù biết họ chỉ muốn tốt cho tôi nhưng cơn đau đớn cứ dồn dập ập đến vào khoảng 20 phút đầu tiên. Sau đó, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn bởi cơ thể tôi dần chai lì hơn với mọi thứ”. 

Vào cuối tháng 11/2017, võ sĩ Harumafuji vẫn là một nhà vô địch Sumo tại Nhật Bản với thứ hạng 70 trong trong lịch sử của danh hiệu cao nhất có tên Yokozuna hay Hinoshita kaizan - với hàm nghĩa chỉ những người lực sĩ “thiên hạ vô song”.

Nhưng anh đã ra tay tấn công một đồng nghiệp trẻ hơn trong quán bar vào ngày 25/10/2017, khiến nạn nhân bị nứt sọ và ngay lập tức trở thành tâm điểm chỉ trích của giới truyền thông Nhật Bản. Cơ quan cảnh sát cũng buộc phải điều tra chi tiết trước khi có phát ngôn chính thức trước báo chí và dư luận. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của Harumafuji.

Đứng giữa hàng chục phóng viên đang tác nghiệp liên tục, võ sĩ danh tiếng ở xứ hoa anh đào tuyên bố sẽ chấm dứt sự nghiệp với đôi mắt đẫm lệ. Vụ bê bối này đã gây tổn hại nặng nề tới hình ảnh của bộ môn thể thao truyền thống lừng danh tại Nhật Bản, song nó cũng không phải là trường hợp đầu tiên khiến công chúng phải quan tâm như vậy. Đúng 10 năm trước, một võ sĩ 17 tuổi đang trong thời gian huấn luyện đã tử vong sau khi bị nhóm đàn anh cùng lò đào tạo tấn công dã man bằng vỏ chai bia và gậy bóng chày.

Không những thế, giải đấu Sumo chuyên nghiệp ở quốc gia này cũng dính vào nghi án dàn xếp kết quả nhằm phục vụ cho “công việc làm ăn” của các tổ chức băng đảng yakuza hoạt động trong lĩnh vực cá độ bất hợp pháp vào năm 2010. Cùng năm đó, nhà vô địch Sumo Asashoryu - vị Yokozuna thứ 68 và cũng là thầy giáo của Harumafuji buộc phải tuyên bố giải nghệ sau cuộc ẩu đả xảy ra bên ngoài hộp đêm thuộc địa bàn thủ đô Tokyo.

Trước những sự việc đáng tiếc xảy ra, liệu những điều này có phải là dấu hiệu cho thấy bộ môn “quốc hồn quốc túy” đang chết dần trên chính quê hương của nó, khi mà khía cạnh kỷ luật vốn từng được coi trọng dường như đã không còn tồn tại. Hay đây chỉ là một góc tối cố hữu của loại hình thể thao có tuổi đời lên tới 1.500 năm luôn được người trong cuộc cố tình che giấu?

Tin cùng chuyên mục

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

Nhiều người dân Singapore lựa chọn vắc-xin Sinopharm, Sinovac để tiêm tăng cường vì một lợi ích không ngờ

(PLVN) -  Một số phòng khám tư nhân ở Singapore đã ghi nhận nhu cầu tăng vọt đối với vắc-xin (vaccine) Sinovac và Sinopharm khi người dân tiêm mũi tăng cường - phần lớn do lo ngại tác dụng phụ từ liều thứ 3 của vắc-xin loại mRNA. Các loại vắc-xin như Sinovac và Sinopharm sử dụng virus bất hoạt để dạy hệ miễn dịch con người tạo ra kháng thể chống SARS-CoV-2.

Đọc thêm

Bí ẩn ngọn núi hùng vĩ “nuốt chửng người”

Dãy núi Eastern Highlands tại Zimbabwe.
(PLVN) - Nằm trong vùng hoang sơ tuyệt đẹp phía bắc của dãy núi Eastern Highlands (Cao nguyên phía Đông) tại Zimbabwe, với độ cao 2.592m, ngọn núi hùng vĩ Nyangani là nơi gắn liền với những truyền thuyết kỳ bí trong nhiều thế kỷ. Đặc biệt là những vụ mất tích tương tự như vùng Tam giác quỷ Bermuda.

Choáng ngợp với khách sạn 7 sao xa xỉ nhất thế giới

Một nhà hàng khổng lồ thiết kế ngầm dưới nước với hành lang có mái vòm bằng vàng.
(PLVN) - Khách sạn Burj Al Arab của Dubai nổi tiếng bởi độ xa xỉ, tráng lệ bởi phòng khách bát ngát rộng tới gần 800m2 với nội thất dát vàng và cẩm thạch, những ly cà phê phủ vàng 24K khiến du khách được trải nghiệm cảm giác họ thực sự là thượng đế, là ông hoàng, bà chúa... 

Nấm Chaga - Thần dược quý hiếm trị “bách bệnh”

Thần dược nấm Chaga.
(PLVN) - Khi nghe nấm Chaga được xem như “thần dược” chữa bách bệnh như ung thư, ngừa lão hóa, người ta sẽ dễ tưởng tượng hình dung ra loại nấm này trông trống như đá quý hay kim loại quý treo trên cây, nhưng trên thực tế, loại nấm này lại có vẻ ngoài xù xì, đen đúa, không khác gì cục tro cháy sém.

Ốc sên Escargot – đệ nhất ẩm thực Pháp

Món đặc sản từ ốc sên Escargot.
(PLVN) - Nếu như ở Việt Nam, “ốc sên” không được định danh là món ăn thì ở Pháp những món ăn chế biến từ “ốc sên” lại được coi là đệ nhất ẩm thực, thậm chí chỉ dành cho giới thượng lưu sang chảnh.

Cuộc sống xa hoa của các Vương gia triều Thanh

Họa hình những bữa ăn xa hoa của các Vương gia triều Thanh.
(PLVN) - Bên trong Tử Cấm Thành ngoài những câu chuyện về Hoàng thượng, Hoàng hậu và các phi tần thì sự giàu sang của các bậc Vương gia nhà Thanh cũng khiến người đời không khỏi kinh ngạc, không ít thú vui, hưởng lạc xa xỉ tới mức điên loạn...

Độc đáo món Char Kway Teow của Malaysia

Chế biến món Char Kway Teow nổi tiếng của Malaysia.
(PLVN) - Char Kway Teow thơm nức, cay xè không chỉ là món ăn đặc sản của Malaysia mà còn là một trong những món dễ ăn bậc nhất cho những người không quen với các món có cà ri.

Món lẩu phô mai “quốc hồn quốc túy” của Thụy Sĩ

Món lẩu Phô mai đặc trưng của văn hóa ẩm thực Thụy Sĩ.
(PLVN) - Nói đến Thụy Sĩ nhiều người sẽ nhớ tới đất nước của đồng hồ, dãy núi Alps, cùng những loại phô mai độc đáo, ngon lành. Từ một nguyên liệu phổ biến, người Thụy Sĩ đã sáng tạo ra món lẩu phô mai “độc nhất vô nhị” béo ngậy và đầy hấp dẫn.