Chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ hoa Tết, các phiên chợ truyền thống, những gánh hàng rong trên khắp phố phường Hà Nội xưa từ thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX sẽ được tái hiện qua hai chủ đề chính của triển lãm: Chuyện quy hoạch và Những ký ức xưa.
Triển lãm cho thấy kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay là một trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của cả nước và chợ đóng vai trò quan trọng tất yếu trong sự phát triển của vùng đất này. Nền kinh tế của thành phố dựa trên một mạng lưới chợ hình thành giữa khu phố cổ Hà Nội và các vùng lân cận.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội còn được gọi là Kẻ Chợ, nơi hội họp buôn bán đông đúc của cả vùng. Thông qua đó, người xem sẽ cảm nhận được rằng chợ là nơi mà người ta đến mà có lúc chẳng cần mua bán gì, những lúc ấy, chợ chính là nơi gặp gỡ, giao lưu, là nơi giải trí, là một nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân Hà Thành.
Ngày nay, chợ Hà Nội đã có rất nhiều thay đổi. Nhiều siêu thị hiện đại mọc lên, một số chợ được nâng cấp thành trung tâm thương mại, nhiều chợ truyền thống mất đi do quy hoạch của thành phố.
Trải qua thời gian, chợ Hà Nội đã có nhiều thay đổi nhưng nét đẹp của chợ xưa thì mãi vẫn còn như một phần của bản sắc văn hóa Thủ đô. Những khái niệm "chợ phiên," "chợ đuổi" vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người.