Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh năm 2018 Việt Nam kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và sau 30 năm mở cửa cho dòng vốn FDI, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị đươ cj đánh giá là chưa đạt như kỳ vọng…
Liên kết doanh nghiệp- Chưa như kỳ vọng
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định: “Cộng đồng DN Việt Nam bao gồm DN trong nước và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao, GDP năm 2017 đạt 220 tỷ USD tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến 2020 GDP đạt khoảng 300 tỷ USD.”
Khẳng định sự đóng góp quan trọng của khu vực DN FDI, Bộ trưởng cho biết, đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5-6 triệu lao động gián tiếp.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò lan tỏa của khu vực FDI đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế… “Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp…”- Bộ trưởng thẳng thắn.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, để tăng cường sự liên kết đó, các DN nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị, DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. “Đồng hành cùng với DN, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chính phủ tạo dựng môi trường…
Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, nhận định, hàng loạt động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…) đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực, tạo niềm tin cho cộng đồng DN và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, trên thực tế không phải tất cả các Bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Chẳng hạn, sau 4 năm đưa vào thực hiện, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho DN
Bên cạnh đó, dù tất cả các Bộ ngành đã được yêu cầu phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh, song đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. 4 bộ khác (NN&PTNT, Xây dựng, Tài chính, Y tế) đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến DN. “Còn lại các Bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì DN không được biết, cũng không được tham gia ý kiến”, Chủ tịch VCCI thẳng thắn.
Không đưa ra các vấn đề chung chung, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc (Kocham) ông Kim Heung Soo nêu cụ thế trường hợp DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam bị chấm dứt ưu đãi một cách đột ngột và nhấn mạnh: “Những trường hợp này không phải là vấn đề của riêng một DN nào. Các DN Hàn Quốc đều xem đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Những quyết định hành chính không thể dự đoán trước làm thu hẹp hoạt động của các DN nước ngoài ở Việt Nam và ảnh hưởng đến ý định hợp tác với DN địa phương…”, Chủ tịch KoCham nhấn mạnh.
Băn khoăn về mối liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, ông Tomanso Andreatta, đồng chủ tịch VBF cho rằng cơ cấu DN trong nước thường quá nhỏ, quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm bán sản phảm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý.
“Đó là lý do vì sao DN FDI vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì đưa các công ty Việt Nam tăng tốc ở nhiều cấp độ. Các công ty Việt Nam cần có trình độ quản lý cấp quốc tế, quản lsy cấp cấp trung, cần các truiwnfg đào tạo, các công ty dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ…, trong khi đó những điều này không dẽ dàng đến được đây bởi những rào cản pháp lý , hoặc làm cho những DN muốn mang những dịch vụ hay sản phẩm đó vào Việt Nam phải quan ngại như những vấn đền liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp hoặc, gần đây hơn là những hậu quả có thể xảy ra do Luật An ninh mạng mới….’- ông Tomanso Andreatta phát biểu và cho trằng “Chính phủ có thể làm rất nhiều việc để cải thiện những vấn đề này…”
Đồng tình với vai trò của Chính phủ, ông Koji Ito, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho rằng một trong những trách nhiệm của Chính phủ là đề ra những quy định tạo điều kiện cho DN có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, trong khi vẫn đảm bảo kỷ cương chặt chẽ. “Cụ thể là làm thế nào để hai phía gồm DN Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, và DN có vốn FDI với nguồn vốn, kinh nghiệp làm ăn, tăng cường tiếp cận được với các nguồn lực mà DN cần như con người, sản phẩm, vốn.”- Chủ tịch JCCI đề xuất.