Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham Việt Nam), ông Ryu Hang Ha, cho biết, đã có rất nhiều DN đầu tư nước ngoài bày tỏ lo lắng về sự gia tăng trong chi phí, tuy nhiên, khi việc thi hành được quyết định thì người nước ngoài sẽ được hưởng ưu đãi gì khi bị bệnh, bị tai nạn lao động (LĐ) hay bị tai nạn tử vong, đồng thời sau khi nộp BHXH thì khi trở về nước họ có được lĩnh đúng theo quy định hay không?
“Những điều này cần phải được quy định rõ ràng thì người nước ngoài mới có thể yên tâm đóng phí bảo hiểm. Vì NLĐ nước ngoài phải bỏ ra một số tiền lớn để chi trả cho BHXH, tốt hơn hết là các ưu đãi mà họ được hưởng là hữu ích và có giá trị.…”- ông Ryu Hang Ha đề nghị.
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), ông Karashima cho rằng, quy định này khiến NLĐ nước ngoài phải đóng BHXH 2 lần, một ở nước họ và một ở Việt Nam, và đề nghị áp dụng cơ chế loại trừ đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc căn cứ theo đề nghị đối với những NLĐ đã tham gia BHXH tại nước của họ.
“Bộ LĐ, TB&XH đánh giá rằng việc việc áp dụng chế độ BHXH đối với NLĐ nước ngoài có ảnh hưởng rất ít đến nhà tuyển dụng LĐ, nhưng so với các quốc gia láng giềng thì gánh nặng của nhà tuyển dụng LĐ là rất lớn, và đây là chính sách sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư mới và mở rộng đầu tư của các DN nước ngoài…”- ông là Karashima phát biểu.
Dẫn kết quả điều tra của VBF, đại diện JCCI cho biết, gánh nặng của nhà tuyển dụng LĐ về tiền BHXH tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng, gấp 1,9 lần Indonesia, 8,5 lần Philippines và 8,8 lần Thái Lan (trường hợp mức lương là 2500 USD). “Việc tăng gánh nặng của nhà tuyển dụng LĐ hơn thế này sẽ có nguy cơ làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp, có nguy cơ làm suy giảm sự đầu tư và đầu tư mới của các DN nước ngoài. Ngoài ra, đây sẽ trở thành nguyên nhân cản trở lớn khi phái cử chuyên gia nước ngoài sang làm việc và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp của Việt Nam…”- ông là Karashima nhận định.
Dẫn tờ trình báo cáo Chính phủ của Bộ LĐ, TB&XH liên quan đến bản dự thảo nghị định quy định về vấn đề này, trong đó chỉ ra mục đích của chính sách này là “Đảm bảo quyền lợi của NLĐ nước ngoài và sự bình đẳng giữa NLĐ Việt Nam và NLĐ nước ngoài”, đại diện JCCI cho rằng, trong trường hợp NLĐ nước ngoài đã tham gia BHXH ở nước của họ thì quyền lợi đó đã được đảm bảo, nếu lại có nghĩa vụ phải tham gia đóng BHXH ở Việt Nam thì họ sẽ trở nên bất lợi. Hơn nữa, Bộ LĐ, TB&XH giải thích rằng “Chúng tôi đã thiết lập một chế độ lương hưu, trợ cấp tử tuất một lần, tỷ lệ hoàn trả cao so với tiền bảo hiểm và đây là chế độ hấp dẫn đối với NLĐ”, nhưng nếu bao gồm tiền bảo hiểm mà nhà tuyển dụng LĐ phải chịu thì tỷ lệ hoàn trả lại là thấp và đây không phải là lời giải thích hợp lý.
Theo đề xuất của đại diện JCCI, việc áp dụng chế độ BHXH với NLĐ nước ngoài sẽ thực hiện sau khi ký kết Hiệp định BHXH giữa hai nước. Ngay cả trong trường hợp cần thời gian chuẩn bị cho đến khi ký kết Hiệp định rồi mới thực thi thì JCCI cũng mong muốn có thời gian chuẩn bị đầy đủ (Ít nhất là trên 4 năm).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1/1/2018, “NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép LĐ hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.
Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB &XH), số lượng LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Từ năm 2011 đến năm 2016, số LĐ nước ngoài từ 63.557 người lên 83.046 người, trong đó nữ chiếm 16,6%. Số LĐ nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia ở châu Á (chiếm 73% tổng số LĐ nước ngoài, trong đó một số quốc gia có đông LĐ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), châu Âu (chiếm 21,6%). Số LĐ nước ngoài làm việc dưới 1 năm chỉ chiếm 4,4%, điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng LĐ nước ngoài và tính ổn định của LĐ này ở Việt Nam.