Dù “ngọn nến” ra sao cũng bùng cháy hết mình
Ánh Ngọc (Hải Dương) có một tuổi thơ đầy đau khổ. Ngay từ khi sinh ra, Ánh Ngọc đã không được may mắn như lũ bạn, vì bị vẹo cột sống, cuộc đời của em phải cột chặt với tấm áo nẹp chỉnh hình. Hàng tháng lại phải vào viện kiểm tra. Ánh Ngọc phải ngồi xe lăn từ nhỏ. Cô gái có nụ cười tỏa nắng chưa từng từ bỏ con đường học tập.
Ánh Ngọc liên tiếp giành giải trong những cuộc thi học sinh giỏi. Khi vào cấp 3, theo lời khuyên của nhiều người, Ánh Ngọc đã nghiêng về chọn ngành Công nghệ thông tin để thi Đại học, nhưng ở thời điểm đó, Ngọc lại phát hiện ra mình có niềm đam mê với ngành Tâm Lý. Với suy nghĩ “chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng là tự chữa lành vết thương tâm hồn cho chính mình!”. Ánh Ngọc tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
Ánh Ngọc luôn quan niệm “cuộc sống là đấu tranh, chấp nhận và vượt qua” nên dù “ngọn nến” đó đã từng “cong tới hai lần” vẫn bùng cháy hết mình. Ngọn lửa do chính tay em thắp lên từ sự mạnh mẽ, giàu nghị lực sống luôn là ngọn lửa vững bền nhất.
Bên cạnh đó, áp lực không muốn phụ thuộc gia đình sẽ khiến nhiều người tự rèn luyện cho mình tính tự lập mặc dù có thể sự tự tin ban đầu có thể còn non nớt và rất dễ bị phá vỡ, nhưng nó cũng chính là bài học để giúp các bạn đứng vững và tìm kiếm cơ hội cho chính mình. “Vứt các bạn xuống nước, các bạn sẽ phải học cách tự bơi”, Ánh Ngọc khẳng định.
Ánh Ngọc nói rằng: “Với những người khuyết tật, con đường tương lai luôn có không ít gian nan. Nhưng tôi nghĩ, người khuyết tật cũng có điểm mạnh của riêng mình. Cuộc sống không có giới hạn, dù bạn có là người khuyết tật, đừng đầu hàng mà hãy cố gắng vượt qua giới hạn từ chính khiếm khuyết cơ thể mình để tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân”.
Mạnh mẽ, sắc sảo và giàu nghị lực, Ánh Ngọc - cô gái 22 tuổi - đã thực sự thuyết phục được ban giám khảo và khán giả để trở thành chủ nhân đầu tiên của chiếc vương miện “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013”.
“Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, để đi và để trải nghiệm, hãy cứ đi, cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống này. Dù những trải nghiệm đó có thể đau khổ hay hạnh phúc nhưng đó là cái giá để trả cho sự trưởng thành của bạn” là những gì mà cô hoa hậu cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” muốn nhắn nhủ.
Sau khoảng thời gian dài sau khi đăng quang, cuộc sống của Hoa hậu Nguyễn Thị Ánh Ngọc trở lên bận rộn với nhiều chương trình và hoạt động liên quan đến truyền thông và người khuyết tật. Mặc dù bận bịu với công việc xã hội, công việc của mình nhưng Ánh Ngọc rất nhiệt tình, cởi mở.
Chia sẻ về niềm vui có được danh hiệu cao quý Hoa hậu Vầng Trăng Khuyết, Ánh Ngọc coi đó là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao. Bởi chính cô sẽ đại diện cho người khuyết tật, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Những vương miện lấp lánh tỏa trên đầu những cô gái nghị lực
Nguyễn Thanh Hoa sinh năm 1992 tại Thanh Chương, Nghệ An. Nhà có bốn chị em nhưng Hoa lại là gánh nặng lớn nhất của bố mẹ vì đôi chân tật nguyền - di chứng của cơn sốt viêm não Nhật Bản khi cô bé mới lên hai tuổi.
“Nhà mình lúc ấy thuộc vào dạng nghèo nhất làng. Mẹ phải oằn lưng gánh thúng lúa, mớ khoai ra chợ bán kiếm từng đồng lẻ lo bữa ăn cho gia đình. Bố thì ai cần việc gì là nhận làm lấy: Phụ hồ, sửa xe đạp, sửa điện, bán nước chè...”. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, biết con gái ước ao đi học, nhất là yêu thích ngữ văn, “ông bụt” của Thanh Hoa là bố luôn miệt mài đèo con bằng xe đạp cà tàng trên con đường lầy lội, trơn trợt.
Khi Hoa lên lớp 7, một chương trình nhân đạo do Mỹ hợp tác được tổ chức nhằm phẫu thuật cho trẻ em tật nguyền ở Việt Nam. Hoa là một trong số người được phẫu thuật. Sau đó, Hoa bắt đầu những bài tập vật lý trị liệu.
Nguyễn Thanh Hoa xứng đáng nhận vương miện lấp lánh. |
Đó là những ngày mới 3 giờ sáng, khi mọi người còn yên giấc, trên con đường mòn bùn đất, cô bé Thanh Hoa bám lấy tay chai sạn của bố tập đi từng bước đầy khó khăn trong bóng tối. Đôi bàn chân mềm nhũn, nặng trĩu, xoãi dài trên đường, mỗi cử động như tạo nên ngàn mũi kim châm vào da thịt, mồ hôi con vã ra như tắm làm cô bé đau đến xé lòng. “Chỉ nhấc được có vài mét ngắn ngủi mà tưởng mình như vừa đi hơn một vòng trái đất”.
“Không gì là không thể con ạ. Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp mà. Con đã làm hết sức mình chưa mà lại bỏ cuộc?” Câu nói của bố trở thành động lực tiếp thêm cho cô gái nhỏ sức mạnh bước tiếp kể cả sau này khi vào Sài Gòn một mình tự học, kiếm việc làm nuôi thân.
Không muốn là gánh nặng cho bố mẹ, ngoài giờ đi học, Thanh Hoa viết bài cộng tác báo, rồi viết thơ văn in sách chung, rồi bán sách, đi gia sư... Không chỉ có một gương mặt xinh đẹp và nghị lực đáng nể, Nguyễn Thanh Hoa còn là một hồn thơ rất ngọt ngào, nữ tính.
Bài thơ “Ngôi nhà mùi oải hương” như một giấc mơ tình yêu của cô gái trẻ có đôi chân yếu ớt do sốt bại liệt, nhưng trái tim lại rất mạnh mẽ và nhiều yêu thương… Nguyễn Thị Thanh Hoa đạt khá nhiều giải thưởng về viết lách: giải nhì cuộc thi Nét bút tri ân lần 1; giải khuyến khích Trung thu gợi nhớ tình thân, giải ba Người thầy trong tôi, giải khuyến khích Viết về mẹ...; đã xuất bản tập thơ Nếu mệt cứ ngủ, đời sẽ ru em do NXB Văn Học phát hành.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Thanh Hoa đã đã tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm TPHCM. Trong cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2015, Thanh Hoa được đánh giá cao bởi vẻ tự tin và duyên dáng của mình, đặc biệt ở phần thi Tài năng với tiết mục làm MC dẫn chương trình. Bên cạnh danh hiệu Hoa hậu, Thanh Hoa còn đạt giải Tài năng.
Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nhưng lớn lên Bế Thị Băng (Cao Bằng) là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông. Chiếc xe container đã đâm vào đuôi xe máy của cô, bánh xe kẹp lên chiếc xe máy và chân phải rồi kéo lê cô trên đường. Tỉnh lại sau khi được phẫu thuật, Băng bàng hoàng khi biết một chân của mình đã bị cắt bỏ.
Sau hai năm phẫu thuật cắt bỏ một chân, mỗi khi ra đường, Băng phải đối mặt với cái nhìn tò mò và thương hại của mọi người. Có người nhìn cô im lặng nhưng có những người nhìn mà lại xì xèo bàn tán “ôi sao chân nó lại thế này, thật tội nghiệp...”. Mỗi lần nghe được những lời đó, cô chỉ muốn khóc.
Nói về sự thiệt thòi của mình, Băng bày tỏ: “Em tự nhủ với bản thân rằng dù là người khuyết thật hay lành lặn thì chúng ta đều có quyền được bình đẳng và được sống, tự tin với chính mình”. Từ khi còn nhỏ, Bế Thị Băng đã tham gia văn nghệ ở trường và luôn đạt giải nhất, nhì trong mọi cuộc thi từ trang trí, nấu cơm, cắm trại, múa...
Sau tai nạn giao thông, Băng bắt đầu học múa Ba Tư. Chính vì vậy, trong đêm thi tài năng “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019”, khán giả đã không khỏi sững sờ trước màn thể hiện của cô gái một chân. Màn múa này do chính Băng sáng tạo bằng cách mix 3 chủ đề lại với nhau, đó là nhảy Tây Ban Nha, Ba Tư và Ấn độ và gây được ấn tượng với Ban tổ chức. trên nền nhạc sôi động Với trí tuệ, tài năng, tinh thần đầy lạc quan, nghị lực và khuôn mặt khả ái. Bế Thị Băng đã giành ngôi vị cao nhất cuộc thi.
Để chứng minh bản thân mình không “khuyết”, Băng đã học hỏi, mày mò để kinh doanh. Cho đến bây giờ, cô đã thành thạo với việc kinh doanh Homestay và thẩm mỹ nha khoa để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống như những người bình thường. Bế Thị Băng mơ ước, trong 10 năm nữa, cô sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt. Vào thời gian rảnh rỗi, Băng xem phim, đọc sách, thể thao, học múa...
Trong thư ngỏ gửi tới Ban tổ chức, Hoa hậu Việt Nam Mỹ Linh bày tỏ niềm vinh dự khi được lựa chọn làm Đại sứ của Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” cũng như sự ngưỡng mộ và trân trọng tới các đối tượng nữ thanh niên khuyết tật với ý chí, tài năng và nghị lực phi thường.
“Những bạn nữ thanh niên khuyết tật, dù phải mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể nhưng luôn tự tin và hòa đồng với mọi người, dùng nghị lực, bản lĩnh cá nhân để vượt lên những khó khăn, thử thách. Với tôi, đó chính là vẻ đẹp hoàn thiện và tất cả chúng ta đều cần trân trọng điều đó”, Hoa hậu Mỹ Linh chia sẻ.
Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” là chương trình mở ra dành cho các đối tượng nữ thanh niên khuyết tật trong độ tuổi từ 18 - 30, nhằm truyền gửi thông điệp về vẻ đẹp trong sự đa dạng, không phụ thuộc vào một “cơ thể hoàn thiện”, mà nằm ở nghị lực, trí tuệ, sự tự tin và những tài năng tiềm ẩn bên trong mỗi con người.