Hôm qua (23/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trình bày Tờ trình về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Đáng chú ý nhất, trong lần sửa đổi này vẫn siết chặt điều kiện nhập cư vào thành phố…
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: “Đã nảy sinh hiện tượng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào một hộ khẩu nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây”. |
Nhà ở + tạm trú 2 năm mới được nhập khẩu nội thành
Nói về những bất cập của Luật Cư trú, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Luật Cư trú không quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu m2/người đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì được đăng ký thường trú nên đã nảy sinh hiện tượng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào một hộ khẩu nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây. Luật hiện hành cũng quy định công dân có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên thì được đăng ký thường trú; song, thực tế cho thấy quy định điều kiện một năm tạm trú là quá ngắn”.
Do đó, Chính phủ trình phương án sửa đổi theo hướng công dân có một trong các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc TP trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ hai năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương…. Công dân đăng ký thường trú vào nội thành TP Hà Nội thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc giữ quy định về thời gian tạm trú là 1 năm như Luật Cư trú hiện hành để áp dụng đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc trung ương là phù hợp bởi sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Hạn chế bớt số lượng người thường trú tại các quận nội thành có thể nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của dự thảo Luật là hợp lý.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Riêng vấn đề phải có xác nhận của chính quyền địa phương, còn hai loại ý kiến khác nhau; trong đó, có loại ý kiến cho rằng quy định này không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém cho dân và “dễ bị lợi dụng”.
Rút ngắn thời hạn đăng ký xuống còn 12 tháng
Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi quy định “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”. Như vậy, so với Luật Cư trú hiện hành, dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 12 tháng.
Ủy ban Pháp luật cho biết, còn nhiều ý kiến còn băn khoăn chưa rõ căn cứ nào để xác định thời hạn nêu trên. Hơn nữa, quy định này còn mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật trong trường hợp công dân chuyển chỗ ở từ nơi khác vào chỗ ở hợp pháp tại nội thành thuộc các TP trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú ít nhất là 2 năm thì mới làm thủ tục đăng ký thường trú. Mặt khác, đề nghị cần đánh giá một cách toàn diện việc rút ngắn thời hạn như vậy đã thực sự giải quyết được vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành hay chưa; do đó, ý kiến này đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành (24 tháng).
Quá trình lấy ý kiến về dự án Luật Cư trú trước đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc rút ngắn thời hạn sẽ làm khó cho công dân, đặc biệt trong những trường hợp có nhà ở hợp pháp cho thuê, sau đó thuê lại ở chỗ khác, hoặc những trường hợp phải di chuyển thường xuyên…Vấn đề này, quá trình xây dựng dự thảo cũng có nhiều thay đổi, ban đầu rút xuống 3 tháng, rồi nâng lên 6 tháng, và hiện phương án trình Quốc hội là 1 năm như nêu trên.
Cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã trình bày Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Năm 2013, UBTVQH đề nghị lùi thời hạn trình các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Hộ tịch. Một số Luật được đề nghị bổ sung là dự án Luật Việc làm, Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Đầu tư công và một số Nghị quyết khác... |
Thu Hằng