Các hộ nghèo chỉ phải chi trả thêm 6.600 đồng/tháng
Trên thực tế lần điều chỉnh tăng giá điện này không tác động đến các hộ nghèo bởi theo tính toán, mỗi hộ nghèo thường sử dụng dưới 50kWh nên số tiền họ phải chi trả do tăng giá điện không đáng kể, trong khi đó, Chính phủ vẫn phải chi trả số tiền khá lớn hỗ trợ cho các hộ nghèo dùng điện.
Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, với hộ dùng 50 kWh/tháng, mỗi tháng phải trả thêm 3.200 đồng. Tương tự, hộ dùng 50 kWh/tháng đến 100 kWh là 6.600 đồng. Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng. Với hộ dùng 300kWh là 23.600 đồng còn hộ dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm là 34.800 đồng. Còn các hộ kinh doanh dịch vụ sẽ tăng khoảng 5,4% so với chi phí trước khi tăng giá điện.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, theo thống kê, năm 2016 có 54 triệu khách hàng đang sử dụng điện, trong đó có 4,1 triệu hộ tiêu thụ dưới 50kWh, chiếm 17%. Với các hộ này, Chính phủ cũng có quyết định hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách có sử dụng dưới 50kWh với mức 51.000 đồng/tháng. Với khoảng gần 4 triệu hộ nghèo trên cả nước, mỗi năm số tiền chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách, số tiền chi mỗi năm là trên dưới 2.500 tỷ đồng.
“Việc tăng giá điện sẽ khiến các đơn vị hành chính sự nghiệp phải tăng thêm 4,97% so với chi phí trước khi tăng. Còn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện làm tăng CPI 0,08%, tăng chỉ số sản xuất 0,7%” - ông Tuấn nói.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định: “Để điều hành giá điện theo yêu cầu thị trường, chúng tôi đã tính toán để đánh giá từng mức độ ảnh hưởng đến các hộ sinh hoạt và đặc biệt là hộ khó khăn. Và chúng tôi cố gắng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”.
Phải… ghìm cương áp lực giá điện
Đặc biệt, việc đưa số lỗ về tỷ giá của các năm trước vào trong giá thành điện đã được nhiều công ty kiểm toán lưu ý. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc điều chỉnh giá điện phải căn cứ các quyết định của Chính phủ. “Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mà đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Trong đợt điều chỉnh giá điện này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện” - ông Tuấn cho biết.
Với những cơ chế chính sách dành cho ngành Điện, tính toán chi phí đầu vào, đầu ra và áp vào giá điện nhưng không cộng các chi phí khác liên quan như lỗ tỷ giá vào giá thành sản xuất, dẫn đến giá điện bán lẻ chưa phản ánh thực tế chi phí sản xuất cũng là một trong những điều khiến các nhà đầu tư e ngại “nhảy” vào ngành Điện.
Ông Tuấn lý giải, một trong những cơ chế thu hút đầu tư là điều hành giá điện phải theo những thông số yếu tố đầu vào: Chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện trong đó có các yếu tố như tỷ giá, chi phí bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện. “Hiện Việt Nam mới tính đến chi phí mua điện, chi phí bán lẻ mà chưa kèm yếu tố tỷ giá nên riêng việc sản xuất kinh doanh điện, chúng ta vẫn bị lỗ, năm 2016 lỗ gần 600 tỷ đồng” – ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một thành viên trong Tổ công tác kiểm tra giá thành điện cho biết, nguyên lý tính giá điện hiện này tính tổng chi phí và tổng sản lượng sau đó chia ra. “Ở Việt Nam, hiện tại tính như vậy do chưa xây dựng được giá điện cạnh tranh” - ông Đức giải thích.