Bộ Y tế đã phát động chiến dịch "Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt" nhưng thực tế trên thị trường, thuốc ngoại vẫn lấn lướt thuốc nội. Rõ ràng, dù có phát động thành chiến dịch mà chưa có sự hợp tác của doanh nghiệp, bệnh viện, người dân, đặc biệt là các bác sỹ khi kê đơn, thuốc nội vẫn sẽ tiếp tục lép vế.
Muốn kê đơn thuốc nội cũng khó
Một trong những lý do khiến giá trị sản xuất thuốc trong nước vẫn còn nhỏ bé là do chúng ta mới chỉ sản xuất được những vật tư, sản phẩm thông thường, còn thuốc chữa trị những bệnh nặng, nan y đều phải dùng thuốc ngoại. Mới chỉ có 1-2 doanh nghiệp trong nước sản xuất thuốc có hàm lượng công nghệ cao. Trong tổng số 300 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất thuốc mà nước ta có hiện nay, cũng mới chỉ có hơn một nửa đạt chuẩn GMP.
Hiện ngành dược phải nhập khẩu 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong khi giá nhập khẩu tăng chóng mặt. Không những thế, từ 1/1/2009, nước ta mở cửa thị trường dược theo cam kết hội nhập, các doanh nghiệp dược nước ngoài ồ ạt vào nội địa, cũng đang đặt các doanh nghiệp dược nước ta trước một sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp dược nước ngoài.
Trong khi đó, có thể nói hầu hết các doanh nghiệp dược chưa chú trọng việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm về chiều rộng lẫn chiều sâu mà chỉ mới tập trung nhiều nhóm sản phẩm tương tự nhau, dẫn đến sản xuất trùng lặp, nhái mẫu mã gần như phổ biến và nạn làm thuốc giả ngày càng tăng cao, làm mất uy tín doanh nghiệp và ảnh hưởng đến thị phần của thuốc nội.
Trao đổi với phóng viên, BS Trần Hữu Thắng – Phó trưởng khoa A7 - Bệnh viện Tai Mũi Họng TW trăn trở: Không đợi đến khi có cuộc vận người Việt dùng thuốc Việt, từ lâu các bác sĩ tại đây vẫn luôn chú trọng thuốc nội khi kê đơn cho bệnh nhân, một số đơn tỷ lệ thuốc nội/ngoại là 50/50. Tuy nhiên, đó là các đơn thuốc đối với bệnh thông thường, như viêm mũi, viêm họng… Đối với những bệnh nhân cần phẫu thuật hoặc cần phương pháp điều trị tích cực, bác sỹ buộc phải kê đơn thuốc ngoại.
BS, TS. Dương Bá Trực, Trưởng khoa huyết học và truyền máu Bệnh viện Nhi TW cũng cho biết, các đơn thuốc chữa bệnh thông thường mà TS. Trực kê 2/3 là thuốc nội, thuốc liên doanh. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân nặng, nằm điều trị nội trú vẫn phải kê đơn thuốc ngoại…
Tâm lý sính ngoại và “hoa hồng”
Trong nước chưa sản xuất được, phải xài thuốc ngoại đã đành một nhẽ, nhưng trong nhiều trường hợp, dẫu có làm ra sản phẩm với chất lượng tương đương nhập khẩu, doanh nghiệp nội vẫn khó lòng cạnh tranh. Ngoài tâm lý “sính” thuốc ngoại trong xã hội, TS Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn nhận định, còn có nguyên nhân do các công ty dược nước ngoài tìm cách chi “hoa hồng” cho bác sỹ…
Dẫu sao, tín hiệu mừng là đang ngày một xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước nỗ lực tìm chỗ đứng trên thị trường bằng sự đầu tư hiệu quả các nguồn vốn, đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, tiếp tục đa dạng hoá lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất thuốc trong nước, đồng thời có nhiều sản phẩm mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...
Có những doanh nghiệp còn xây dựng được mạng lưới phân phối rộng rãi và hệ thống nhà thuốc GPP để đưa sản phẩm đến tận tay người bệnh. Điển hình như Công ty cổ phần dược phẩm Hà Nội (Hapharco). Hiện nay công ty có mạng lưới phân phối rộng khắp từ Hà Nội tới ngoại thành… bao gồm 12 chi nhánh, với 68 nhà thuốc và 139 đại lý. Công ty dược Sài Gòn (Sapharco) cũng đã xây dựng được 8 nhà thuốc GPP.
Hồng Anh