Cần đình chỉ, chờ xử lý
Tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ rõ trách nhiệm của chủ dự án trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức là phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án để được kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
Điều tra của phóng viên cho thấy việc Cty TNHH URC Hà Nội (khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) xây dựng nhà máy trái phép (có cả trạm xử lý nước thải) đè lên đất quy hoạch là khu xử lý rác thải và kho tàng của khu công nghiệp, không được cơ quan quản lý là BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cấp phép xây dựng.
Ngoài việc xây dựng trái phép, đè quy hoạch, xây dựng trên đất không phải là đất công nghiệp này và được BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội dung túng, không cưỡng chế công trình sai phép, Cty URC Hà Nội còn được Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất cho hoàn thiện thủ tục hồ sơ (đợi quy hoạch khu công nghiệp được điều chỉnh) sau đó sẽ trình cấp giấy xác nhận.
Thông tin của BQL các dự án khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cung cấp cho phóng viên nói việc Cty URC Hà Nội xây dựng "chui" là đúng |
Dư luận cho rằng với phát hiện này, Tổng cục Môi trường, BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phải ban hành văn bản yêu cầu đơn vị vi phạm này dừng sản xuất cho đến khi chính thức được cấp phép.
Nhưng sau đó, Tổng cục Môi trường thay vì xử lý kiên quyết đã tiến hành họp bàn với đại diện Cty URC Hà Nội, đại diện BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thống nhất nội dung chờ cho Cty URC Hà Nội hoàn thiện hồ sơ pháp lý (có giấy phép xây dựng, trên cơ sở điều chỉnh xong quy hoạch- PV) thì trình Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ký Giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án (tinh thần cuộc họp này đã được ông Nguyễn Đồng Tâm- Chánh văn phòng BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) xác nhận với phóng viên.
Mặc dù xây dựng mở rộng nhà máy trái phép, không được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án của cơ quan hữu trách là Tổng cục Môi trường, nhưng theo xác nhận của Nguyễn Đồng Tâm- Chánh văn phòng BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thì nhà máy của Cty URC Hà Nội vẫn hoạt động bình thường, nước thải của nhà máy được đấu nối vào hệ thống xử lý của khu công nghiệp.
Các chuyên gia pháp luật khi được hỏi cho rằng nếu chưa được cấp Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án mà vẫn tiến hành hoạt động, vận hành hệ thống sản xuất của nhà máy là trái pháp luật và cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, dừng sản xuất cho đến khi có đầy đủ cơ sở pháp lý để vận hành.
Luật sư Xuân Bính, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích rằng: Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ là: Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án là căn cứ để chủ dự án đưa dự án hoặc một số hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn vào vận hành chính thức. Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Ai chịu trách nhiệm?
Như đã thông tin, chiều ngày 20/10 với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Đồng Tâm- Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thừa nhận sự việc Cty URC Hà Nội xây dựng xây dựng nhà máy trên phần diện tích đất theo quy hoạch là khu xử lý rác thải và kho tàng của khu công nghiệp, không được cấp phép xây dựng như báo nêu là đúng.
Theo ông Tâm cung cấp thì những sai phạm, tồn tại này đã bắt đầu từ thời điểm tháng 8/2009. Việc sai phạm này đã nhiều lần BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nhắc nhở và đề nghị dừng thi công nhưng phíaCty URC không chấp hành, vẫn tiến hành xây dựng và hoàn thiện dự án. Theo ông Tâm thì sai phạm trên cũng đã được các cấp, các ngành và các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội rà soát, xử lý, giải quyết. Thanh tra thành phố và Tổng cục Môi trường- Bộ TNMT đã vào cuộc kiểm tra và có kết luận cụ thể về những sai phạm trên.
Ông Tâm thừa nhận mọi tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư ở Việt Nam thì đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật Việt Nam, không có trường hợp ngoại lệ.
Trả lời câu hỏi: Khi công trình chưa được Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, về nguyên tắc công trình sai phạm trên không được phép hoạt động, tại sao BQL không đình chỉ hoạt động của đơn vị vi phạm này? Ông Nguyễn Đồng Tâm nói: “Việc này cũng đã được Tổng cục Môi trường thành lập đoàn kiểm tra. Sau đó có họp với các bên, họ cũng chỉ nói chung chung, nước đôi là để cho Cty URC hoàn chỉnh hộ sơ pháp lý thì họ sẽ trình Tổng cục trưởng ký xác nhận. Họ không nói là có cấp phép hay không cấp phép bởi vì Cty URC có vi phạm xây dựng khi không được cấp phép. Cái này là việc của Tổng cục môi trường”.
Đại diện BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng thừa nhận với phóng viên là nếu Tổng cục môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án cho Cty URC Hà Nội thì cũng có nghĩa rằng họ thừa nhận cho sai phạm của Cty URC Hà Nội, cho nên mọi việc phải chờ quy hoạch được điều chỉnh.