6 công ty vừa chính thức chào sàn UPCoM gồm: CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (MCK: QTP), CTCP Đầu tư – Thương mại – Dịch vụ Điện lực (MCK: EIN), CTCP Dược Hà Tĩnh (MCK: HDP), CTCP Trúc Thôn (TRT), CTCP Cảng Cửa Cấm Hải Phòng (MCK: CCP) và CTCP Đường sắt Hà Ninh (RHN)
Chính thức khai trương ngày 24/6/2009 với 10 DN đầu tiên có tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 1.200 tỷ đồng, sau hơn 5 năm hoạt động, đến cuối năm 2014, thị trường UPCoM đã có 165 DN. Đặc biệt, giai đoạn 2015-2016, UPCoM đã có sự phát triển vượt bậc, lần lượt đạt các mốc 300 DN đăng ký giao dịch vào ngày 1/6/2016, 400 DN vào ngày 21/12/2016, đạt và vượt mốc 500 DN vào ngày 16/3/2017.
Với 6 DN cùng đưa cổ phiếu lên giao dịch ngày đã nâng tổng số DN đăng ký giao dịch trên UPCOM lên 501 DN, tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt trên 176.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa thị trường UPCoM đạt gần 423.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 204 tỷ đồng/phiên 2 tháng đầu năm 2017.
Theo đại diện HNX, để có được những kết quả này, phải kể đến sự hỗ trợ tích cực về mặt chính sách với hàng loạt các quy định pháp lý thúc đẩy DN tham gia UPCoM như Thông tư 01/2015/TT-BTC, Thông tư 180/2015/TT-BTC, đặc biệt Thông tư 115/2016/TT-BTC là một cú hích lớn cho sự phát triển của UPCoM khi gắn hoạt động đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Để giúp các DN đại chúng cập nhật các chính sách quy định mới này, HNX đã phối hợp các cơ quan quản lý tổ chức thông tin, tuyên truyền đến các DN thông qua các hội nghị, hội thảo, các buổi tập huấn cho các DN, tập đoàn, tổng công ty về chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DN Nhà nước gắn với tham gia thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, HNX cũng đã nghiên cứu và triển khai một loạt các giải pháp để tăng quy mô, thanh khoản cũng như tăng tính hấp dẫn của thị trường này. HNX đã nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM từ ±10% lên ±15% từ ngày 1/7/2015, thay đổi cách tính UPCoM Index trên cơ sở giá trị vốn hoá thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các DN đăng ký giao dịch trên UPCoM giúp phản ánh chính xác hơn tính thanh khoản và tình hình giao dịch của các cổ phiếu. Đồng thời, Sở cũng đã tích cực triển khai đào tạo, tập huấn cho DN sử dụng CIMS để công bố thông tin tự động và giúp các DN UPCoM tiếp cận các hoạt động quản trị công ty.
Năm 2016, HNX đã triển khai phân bảng UPCoM Premium và bảng Cảnh báo nhà đầu tư nhằm cung cấp thêm kênh thông tin cho các nhà đầu tư, góp phần nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
UPCoM Premium bao gồm cổ phiếu của các DN đáp ứng các tiêu chí về tình hình tài chính và tiêu chí về ý thức tuân thủ quy định pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lựa chọn các DN tiềm năng.
Trong khi đó, bảng Cảnh báo nhà đầu tư lại bao gồm các mã chứng khoán bị hạn chế đăng ký giao dịch và bị tạm ngừng giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM nhằm cảnh báo đến nhà đầu tư các cổ phiếu nhà đầu tư cần lưu ý trước khi quyết định đầu tư...