Ngoài ra, để tăng độ đậm của rượu, một số người đã tự ý pha một lượng nhỏ cồn công nghiệp dùng để sản xuất ép xăng (gọi tắt là cồn ép xăng) khiến hàm lượng Methanol trong rượu tăng cao lên rất nhiều, do đó gây ngộ độc Methanol cho người uống. Cần phải biết thêm rằng, loại cồn ép xăng có giá bán cực kỳ rẻ, vấn đề quản lý cũng hết sức lỏng lẻo.
Lại ngộ độc Methanol
Sau gần một tháng quyết liệt, tưởng chừng như cơn sốt Methanol đã lắng dịu thì đêm 6/4 vừa qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lại phải tiếp nhận 1 bệnh nhân nam (SN 1965, Ba Đình, Hà Nội), sau 24h uống rượu thì có dấu hiệu của ngộ độc. Bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hoá.
Xét nghiệm thấy nồng độ Methanol trong máu lên đến 45,9 mg/dl. Bệnh nhân đã được điều trị bằng tất cả các liệu pháp tích cực, nhưng đến 16h00 ngày 8/4, dù xét nghiệm Methanol trong máu đã âm tính nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, nguy cơ di chứng và tử vong rất cao.
ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ tháng 1/2017 đến nay, đã có 34 bệnh nhân đến cấp cứu do ngộ độc Methanol. Trong số đó có 9 người tử vong ngay tại viện hoặc nặng gia đình xin về; nhiều bệnh nhân di chứng do tổn thương mắt, não nặng nề dù đã được lọc máu thải độc tích cực, tốn kém kinh phí không nhỏ. Hầu hết các bệnh nhân này uống rượu có Methanol trên địa bàn Hà Nội, số ít một vài bệnh nhân đến từ Hưng Yên, Hải Dương…, có cả một bệnh nhân là người nước ngoài. Đặc biệt phải kể đến một nhóm sinh viên – cả nam và nữ sau bữa liên hoan mừng ngày 8.3…
“Methanol là chất rất độc, nếu đưa vào cơ thể người với lượng nhỏ cũng có thể gây mù, nhiều hơn có thể tử vong dễ dàng. Methanol gây tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng. Bình thường Methanol trong máu ở ngưỡng 20mg/dl đã đe dọa tổn thương thần kinh. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân nhiễm độc Methanol thời gian qua đều uống rượu trắng không rõ nguồn gốc khoảng 24 - 48 giờ trước khi vào viện”, BS. Nguyên cho biết thêm.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong vòng 10 năm từ năm 2007 – 2017 số ca ngộ độc rượu cũng ngày một tăng nhanh với 98 người chết, nhiều nhất là ngộ độc rượu trắng có hàm lượng Methanol cao với 45 người, kế đến là rượu trắng với 24 người, rượu ngâm cây rừng độc có 19 người… Đặc biệt, chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2017 đã có ít nhất 18 người tử vong.
Ngộ độc Methanol do uống rượu quá nhiều
Mới đây, tại hội thảo về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, cách xử trí và điều trị ngộ độc rượu có Methanol, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng những vụ ngộ độc vừa qua là do nạn nhân uống quá nhiều rượu nên Methanol tích tụ lại trong cơ thể trước đó vượt mức cho phép, bởi trong rượu đạt chuẩn cũng vẫn có một lượng Methanol theo tiêu chuẩn quy định.
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cho biết thêm, hàm lượng Methanol trong rượu thủ công tự nấu không cao, nhưng với những đối tượng nghiện rượu uống liên tục nhiều giờ đồng hồ, từ ngày này sang ngày khác cũng có thể bị ngộ độc Methanol. Ngoài ra, để tăng độ đậm của rượu, một số người đã tự ý pha một lượng nhỏ cồn công nghiệp dùng để sản xuất ép xăng (gọi tắt là cồn ép xăng) khiến hàm lượng Methanol trong rượu tăng cao lên rất nhiều, do đó gây ngộ độc Methanol cho người uống. Cần phải biết thêm rằng, loại cồn ép xăng có giá bán cực kỳ rẻ, vấn đề quản lý cũng hết sức lỏng lẻo, khác với loại cồn Methanol có nồng độ lên đến 99,8%, được nhập khẩu và bán với giá rất cao và được quản lý khá chặt chẽ. Loại cồn này không được pha vào rượu, nếu pha vào rượu sẽ gây tử vong cho người uống.
Từ các vụ ngộ độc rượu Methanol tính riêng trên địa bàn Hà Nội, Th.S Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, loại rượu có hàm lượng Methanol vượt ngưỡng này thường được bán ở các quán cơm bình dân, quán ăn nhỏ, do vậy việc truy xuất nguồn gốc rượu còn khó khăn. Tính riêng trên địa bàn quận Đống Đa, thời gian gần đây các đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã tiến hành kiểm tra, tiêu hủy 501 lít rượu không rõ nguồn gốc của 92 cơ sở, niêm phong hơn 1700 lít rượu của 45 cơ sở, lấy 8 mẫu rượu xét nghiệm phát hiện có 1 mẫu hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép. Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng kiểm tra và phát hiện có 5 mẫu rượu vượt ngưỡng Methanol.
Thực tế có thể thấy, mọi nỗ lực của Trung tâm Chống độc nói riêng và của ngành Y tế nói chung đã không thể giải quyết được hậu quả của việc ngộ độc Methanol, vấn đề gốc rễ đó là việc quản lý Methanol và rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường. Bởi, ở Việt Nam người dân không thể phân biệt được rượu có hàm lượng Methanol vượt ngưỡng, các dấu hiệu ngộ độc lại rất muộn, thường phải sau 24h uống và bệnh nhân đến viện còn chậm hơn thế rất nhiều do nhiều lý do, việc chẩn đoán cũng chỉ được xác định chắc chắn ở những cơ sở có thể định lượng được hàm lượng Methanol trong máu nên việc cấp cứu cho bệnh nhân chậm hơn việc tác hại do Methanol đã gây ra cho họ gấp nhiều lần…