Hiện nay, Công ty Điện lực Hưng Yên quản lý vận hành 23 đường dây 110kV với tổng số 234km; 12 trạm biến áp 110kV với công suất đặt 1.294MVA gồm 22 máy biến áp 110kV. Các thiết bị tại các trạm biến áp (TBA) 110kV như máy biến áp, cáp tổng, rơle bảo vệ… đã được vận hành lâu năm trong tình trạng đầy và quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cao sự cố lưới điện.
Qua đánh giá của Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Hưng Yên - đơn vị trực tiếp quản lý vận hành lưới điện 110kV, thời gian qua lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh xảy ra một số sự cố, do một số nguyên nhân chủ yếu như: Phát nhiệt tại các điểm lèo tiếp xúc gây đứt lèo, phát nhiệt tại các điểm nối gây đứt dây dẫn; cách điện đường dây suy giảm theo thời gian vận hành lâu năm gây phóng điện; sự cố do sét đánh trực tiếp vào dây dẫn hoặc đánh vào dây chống sét nhưng do hệ thống tiếp địa không bảo đảm kịp thoát sét gây phóng ngược vào dây dẫn.
Bên cạnh hành lang lưới điện cao thế còn có nhiều cây cao khi có mưa, gió gây đổ gãy bay vào đường điện gây sự cố. Một số tuyến đường dây vận hành quá tải võng xuống vi phạm khoảng cách với các đường dây giao chéo gây sự cố; phương tiện giao thông vi phạm khoảng cách gây phóng điện…
Đối với các trạm biến áp 110kV, nguyên nhân chủ yếu gây sự cố lưới điện như: Phóng điện đầu cáp, phóng điện trong các tủ hợp bộ do suy giảm cách điện; cáp lực chồng chéo phát nhiệt trên thân cáp; cáp lực giao chéo cáp nhị thứ, khi sự cố cáp lực gây mất nguồn cấp cho bảo vệ thiết bị; nước mưa xâm nhập vào các hộp đấu nối nhị thứ thiết bị bảo vệ của máy biến áp ngoài trời; phát nhiệt tại các điểm đấu nối, tiếp xúc; một số sự cố ngắn mạch ngoài đường dây trung áp có dòng ngắn mạch lớn gây sự cố máy biến áp 110kV; chạm chập mạch nhị thứ do mưa ẩm, nhị thứ đấu nối không chính xác gây sự cố nhảy máy cắt vượt cấp.
Xác định ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai 5S lưới điện 110kV là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần giảm sự cố lưới điện và nâng cao năng suất lao động, Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Hưng Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục các tồn tại, ngăn ngừa các sự cố do nguyên nhân nêu trên.
Trong đó, giải pháp sử dụng thiết bị đo phóng điện cục bộ, sử dụng camera nhiệt và triển khai 5S lưới điện mang lại hiệu quả cao. Đối với đường dây 110kV, sử dụng camera ảnh nhiệt để kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra khi chuyển đổi phương thức cấp điện để phát hiện kịp thời các vị trí tiếp xúc lèo, ống nối bị phát nhiệt dẫn đến đứt lèo, đứt dây.
Năm 2019, trên các đường dây 110kV do đơn vị quản lý không phải cắt điện đột xuất để xử lý do phát nhiệt mà chỉ thực hiện xử lý tiếp xúc kết hợp với công tác khác.
Việc kiểm tra định kỳ đường dây đã rút ngắn thời gian kiểm tra do dùng camera ảnh nhiệt, hạn chế việc phải kiểm tra tiếp xúc đột xuất ban đêm. Sử dụng máy đo để kiểm tra các chuỗi sứ cách điện để phát hiện phóng điện sớm, đặc biệt các vị trí qua các khu công nghiệp có mức độ ô nhiễm không khí cao.
Năm 2019, đội quản lý đã kiểm tra và phát hiện 69 chuỗi sứ bị phóng điện bằng máy đo và kịp thời thay thế nên không để xảy ra sự cố đường dây 110kV. Cùng với đó, đội quản lý thường xuyên chỉnh trang cáp viễn thông treo trên cột điện nhằm nâng cao khoảng cách cáp viễn thông giao chéo với đường giao thông, qua đó phòng tránh các phương tiện giao thông làm đứt cáp viễn thông gây sự cố đường dây điện.
Đối với TBA 110kV, Đội quản lý, vận hành lưới điện cao thế đã sử dụng máy đo để phát hiện kịp thời hiện tượng phóng điện đầu cáp do thi công sai, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật, vận hành lâu năm; phóng điện trong các tủ hợp bộ do vận hành lâu năm để có kế hoạch thay thế kịp thời.
Hàng tháng, đội tổ chức kiểm tra 1 tháng/1 lần hơn 600 đầu cáp trồng và cáp tự dùng và gần 200 đầu cáp xuất tuyến, hơn 200 tủ trung thế. Năm 2019, đội quản lý, vận hành đã tổ chức thay thế được 54 bộ đầu cáp tổng và 8 bộ đầu cáp tự dùng trong các TBA 110kV và phối hợp với các điện lực thay thế các đầu cáp xuất tuyến đấu với các tủ máy cắt trung thế trong các TBA 110kV, qua đó không để xảy ra nổ đầu cáp tổng.
Sử dụng camera ảnh nhiệt để phát hiện sớm các vị trí tiếp xúc trong trạm bị phát nhiệt để xử lý kịp thời tránh bị đứt thanh dẫn, thanh cái, hư hỏng thiết bị. Hàng tháng, tiến hành kiểm tra phát nhiệt bằng camera ảnh nhiệt toàn bộ thiết bị trong các TBA.
Triển khai công tác 5S đối với TBA 110kV để bảo đảm vận hành an toàn, trong đó tập trung thực hiện tách cáp nhị thứ và cáp trung thế đi giao chéo, chung hào cáp. Sắp xếp, vệ sinh hầm cáp nhị thứ, bảo đảm hạn chế chồng chéo; sắp xếp cáp trung thế bảo đảm theo hàng, trên giá, gọn gàng và không chồng chéo; giảm lực đè lên cáp, các điểm giá đỡ cáp tì lên được lót bảo đảm không bị ăn mòn, gãy cáp.
Đấu nối lại, vệ sinh, cắt bớt cáp nhị thứ thừa trong các tủ, bảo đảm không bị chồng chéo, quấn vào nhau và có không gian thoát hơi ẩm, bịt kín chống côn trùng, động vật xâm nhập gây chạm chập mạch nhị thứ. Dán nhãn, tên thiết bị để nhận diện, bảo đảm khoa học và không nhầm lẫn trong thao tác và xử lý nhanh sự cố.
Với việc ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai 5S lưới điện 110kV trong công tác quản lý, khai thác và vận hành đã góp phần giảm sự cố lưới điện và nâng cao năng suất lao động. Do vậy, trong 7 tháng đầu năm 2020, lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vận hành an toàn, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng và đặc biệt không xảy ra sự cố.