Tỷ lệ đuối nước ở trẻ em tăng cao: Trách nhiệm thuộc về ai?

Việt Nam là quốc gia có số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa).
Việt Nam là quốc gia có số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa).
(PLVN) - Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ hai trên thế giới và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Câu hỏi về trách nhiệm một lần nữa được đặt ra khi mới đây lại xảy ra vụ đuối nước thương tâm tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang làm tử vong 5 trẻ em tuổi từ 2 - 13. 

Quan tâm “không chỉ bằng lời nói”

Ngày 15/9/2020, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã phát văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. 

Theo đó, trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em. Đặc biệt, ngày 13/9, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang làm tử vong 5 trẻ em từ 2 - 13 tuổi.

Trước tình hình trên, Bộ LĐ - TB&XH, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.

Văn bản đề nghị rà soát, phát hiện kịp thời các đồ dùng, công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ đồng phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm nắp đậy, rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới; tiếp tục hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. 

Đây không phải văn bản đầu tiên về vấn đề này. Trước đó, do đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em với con số mỗi năm lên đến hơn 2.000 nên công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam luôn là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; tiếp tục được nhắc lại tại Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, ngoài ra còn một hệ thống quy định pháp luật cũng như nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH...

Tuy nhiên, trao đổi với truyền thông, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhận định việc phòng chống đuối nước ở trẻ em vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, tai nạn thương tích ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ em, do đó sự quan tâm của chính quyền địa phương là rất quan trọng.

Quan tâm không chỉ bằng lời nói mà phải hành động bằng việc tăng cường truyền thông giáo dục đến từng gia đình, trường lớp, cộng đồng. Đồng thời, đầu tư bằng ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là khu vực cổng trường, khu vui chơi công cộng mà có trẻ em, rồi đầu tư cho các hệ thống thiết bị bể bơi, dạy kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em.

“Tai nạn đuối nước cùng với tai nạn giao thông là hai nguyên nhân gây thương vong lớn nhất cho trẻ em. Do đó địa phương cần quan tâm đầu tư về hạ tầng, xây dựng các bể bơi, kể cả bể bơi thông minh, đầu tư huấn luyện viên, giáo viên triển khai các lớp dạy bơi, hướng dẫn an toàn trong môi trường nước cho các đối tượng trẻ em.

Thực chất khoản đầu tư này không quá tốn kém nhưng địa phương có đầu tư hay không. Ví dụ, hiện nay chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em mà Cục Trẻ em đang phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai đã tính toán toàn bộ chi phí để dạy kỹ năng an toàn và dạy bơi trung bình là 30 USD/trẻ. Đầu tư không quá tốn kém mà cứu được sinh mạng, bảo vệ sức khỏe cho rất nhiều trẻ em là việc phải làm”, ông Nam nêu quan điểm.

Ai chịu trách nhiệm?

Một nội dung đặc biệt quan trọng trong văn bản ngày 15/9/2020 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em là nhấn mạnh làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, cho đến nay, đã có rất nhiều vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra ở các tỉnh, thành trên cả nước, nhưng mọi sự lại chìm vào im lặng vì chưa có cá nhân nào phải chịu xử lý trách nhiệm.

Có thể thấy, mỗi khi có tai nạn xảy ra, Cục Trẻ em đều có văn bản yêu cầu Sở LĐ - TB&XH phối hợp với chính quyền, cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, làm rõ. Hoạt động này được yêu cầu không chỉ đơn thuần là đến thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình kinh phí để làm ma chay lo hậu sự cho trẻ, địa phương phải nắm bắt ngay nguyên nhân để có những biện pháp phòng ngừa, không để tai nạn thương tích cho trẻ em tái diễn.

Ví dụ: điều tra trẻ đó có được học bơi hay không, có được học kỹ năng an toàn dưới nước không; khu vực sông, hồ nước đó đã được chính quyền sở tại cắm biển cảnh báo chưa; gia đình có thường xuyên giám sát, nhắc nhở trẻ về các nguy cơ đuối nước không?... Tất cả những vụ việc phải được đánh giá và đưa ra nguyên nhân, sau đó địa phương lập tức khắc phục ngay để làm sao giảm thiểu những tai nạn thương tích cho trẻ em.

Nhưng thông tin từ Cục trưởng Cục Trẻ em cho thấy, phần lớn vẫn còn rất chung chung, chỉ đưa tên, tuổi, thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc; thông tin là lãnh đạo địa phương đã xuống thăm hỏi động viên... “Điều này cũng cần nhưng chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm” - ông Nam chỉ rõ - “Có thể do chưa có một vụ việc nào được xử lý đến cùng, thể hiện tính răn đe nên người ta vẫn tỏ ra thờ ơ trong khi công cụ pháp lý phải được sử dụng một cách tối đa.

Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh là phải xử lý nghiêm tất cả những hành vi vi phạm quyền trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em dẫn đến thương vong, tai nạn thương tích cho trẻ em đều phải truy cứu trách nhiệm. Các vụ liên quan đến tử vong của trẻ em đều có dấu hiệu hình sự, cần phải điều tra xác minh xem mức độ chịu trách nhiệm của cá nhân, tập thể đến đâu. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, còn nếu vi phạm hình sự thì phải xử lý hình sự”. 

Tối 22/9/2020 đã diễn ra hội nghị trực tuyến “Vận động chính sách về tăng cường tính bền vững của chương trình trong bối cảnh Covid-19”.

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến các quốc gia trên toàn cầu. Tham dự tại điểm cầu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà có bài phát biểu về công tác phòng, chống đuối nước ở Việt Nam. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em do tai nạn thương tích. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam luôn là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm. 

Từ năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg ký biên bản ghi nhớ triển khai chương trình 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, triển khai dự án Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam. 

“Đây là chương trình rất nhân văn và thiết thực để cứu sống sinh mạng trẻ em thông qua các can thiệp đặc thù là dạy bơi an toàn và giáo dục kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Trong giai đoạn thí điểm 2018-2019, đã có gần 9.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được dạy bơi an toàn và hơn 17.000 trẻ em được học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Có 5.000 cha mẹ, người chăm sóc có con dưới 6 tuổi và các giáo viên mẫu giáo được tập huấn các kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em” -  Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Dự báo thời tiết dịp Giáng sinh và Tết dương lịch 2025

(PLVN) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở phía Nam Biển Đông, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ sẽ đón Giáng sinh (24/12) trong mưa, trong khi đó Bắc Bộ tạnh ráo, trời rét về đêm và sáng sớm. Tết Dương lịch, các khu vực trong cả nước nhìn chung có nắng...

Đọc thêm

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: nchmf.gov.vn
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trên biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, trong khi đó khu vực Trung và Nam Trung Bộ sắp đón đợt mưa vừa, mưa to.

Cảnh báo đợt mưa lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia dự báo, ngày mai, 21/12, thời tiết Bắc Bộ duy trì đêm không mưa, ngày nắng, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vài nơi. Sau đó từ ngày 23/12, khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to.

Những vụ hỏa hoạn gây rúng động Hà Nội

Hiện trường vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ.
(PLVN) - Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân, gây ám ảnh trong cộng đồng.

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, đêm 18 và ngày 19/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường yếu xuống phía Nam, gây gió mạnh trên các vùng biển. Trên đất liền, khu vực miền Bắc duy trì hình thái thời tiết đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ, ngày nắng.

Công an khuyến cáo biện pháp phòng cháy, nổ khi thắp hương tại nhà

Lực lượng PCCC nhắc nhở và hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng.
(PLVN) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy mà nguyên nhân là do chập điện bóng đèn trên bàn thờ hoặc do khi thắp hương thờ cúng. Do đó,  Công an thành phố khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại gia đình.