“Theo chúng tôi, tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong năm tới. Tuy nhiên, không giống với diễn biến trong năm 2011, tỷ giá nhiều khả năng sẽ tăng trong vòng kiểm soát và chủ động của Ngân hàng Nhà nước”, Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận như vậy trong một báo cáo về triển vọng 2012 vừa mới phát hành.
“Diễn biến tỷ giá và giá các hàng hóa thiết yếu đang cho thấy những tín hiệu khá tích cực đối với vấn đề lạm phát tại Việt Nam”. (Ảnh minh họa) |
Các phân tích của BVSC cho thấy, vấn đề thiếu hụt ngoại hối và tâm lý có thể sẽ không còn nổi cộm trong năm 2012. Theo đó, các cơ quan điều hành có thể muốn nâng tỷ giá. Tuy nhiên, áp lực về nguy cơ lạm phát tăng trở lại vào thời điểm cuối năm 2012 sẽ khiến việc nâng tỷ giá sẽ diễn ra theo kịch bản thận trọng. Dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm tăng 3%, có thể đạt mức 21.700-22.100 VND/USD.
Trong kịch bản khả thi mà BVSC tin tưởng, mức thặng dư cán cân thanh toán tổng thể năm nay dự kiến sẽ ở mức dương 0,5 tỷ USD, trong bối cảnh thâm hụt thương mại tăng nhẹ so với năm 2011. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân dự kiến sẽ giảm tương ứng khoảng 2 tỷ USD; kiều hối giảm 1 tỷ USD; ODA và FII duy trì mức tương đương với năm 2011. “Mặc dù mức thặng dư có thể giảm song theo quan điểm của chúng tôi, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam có thể vẫn ở mức an toàn do nợ ngắn hạn nước ngoài hiện nay của Chính phủ tương đối thấp”, BVSC lưu ý thêm.
Với bối cảnh, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn do khủng hoảng nợ châu Âu, đa số các hàng hoá xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam được dự báo sẽ giảm hoặc không có tăng trưởng đáng kể trong năm 2012. Tuy nhiên, do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có độ co giãn thấp, BVSC cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể về tổng sản lượng xuất khẩu trong năm nay.
Nhưng, đặc thù mang nặng tính gia công của nền kinh tế Việt Nam luôn khiến tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu song hành với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. “Với tình hình xuất khẩu được dự báo chỉ tăng trưởng 10% trong năm 2012 và cơ cấu cũng như giá trị nhập khẩu không có sự thay đổi đáng kể trong năm 2012, chúng tôi dự báo mức thâm hụt của Việt Nam năm 2012 sẽ vào khoảng 10 tỷ USD”, BVSC tính toán.
Về phía dòng vốn ngoại, dù vốn FDI đăng ký sụt giảm mạnh trong năm 2011 nhưng vốn giải ngân không quá bi quan, đạt 11 tỷ USD tương đương với mức giải ngân của năm 2010. Đáng chú ý hơn nữa là cơ cấu vốn FDI trong năm 2011 có dấu hiệu chuyển biến tích cực, có xu hướng giảm ở lĩnh vực bất động sản và tăng ở lĩnh vực sản xuất.
Cụ thể là giảm đầu tư vào bất động sản, từ mức 37% trong năm 2010 xuống mức thấp dưới 3% năm 2011; tăng đầu tư vào các ngành sản xuất, từ mức 27% lên mức 50%. “Chúng tôi cho rằng FDI giải ngân trong năm 2012 có thể đạt mức 9-10 tỷ USD... Sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư vào các ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao cũng sẽ đảm bảo tốc độ giải ngân trong thời gian tới”, BVSC bình luận thêm.
Còn đối với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), xu hướng đầu tư vào Việt Nam thông qua phương thức sáp nhập, mua/bán cho cổ đông chiến lược và IPO đã diễn ra khá mạnh trong năm 2011, tiếp tục được dự báo sẽ diễn ra trong năm 2012. Một ví dụ điển hình là thương vụ Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank, thu về hơn 11.800 tỷ VND. “Chúng tôi dự báo dòng vốn FII có thể vẫn duy trì ở mức dương 1 tỷ USD tương đương với năm 2011”, cũng nguồn tin trên cho hay.
Tuy nhiên, 2012 được dự báo sẽ là một năm khó khăn cho nguồn kiều hối, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Theo BVSC, lượng kiều hối trong năm nay có thể giảm nhẹ so với năm 2011, đạt khoảng 8 tỷ USD. Lý do là các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản và lãi suất ngoại tệ cao đang giảm mức hấp dẫn tại Việt Nam. Vốn ODA giải ngân trong năm nay cũng được dự báo sẽ đạt mức 3,5 tỷ USD, thay cho con số 3,65 tỷ USD của năm 2011.
Như vậy, với kịch bản của BVSC hiện thực, 2012 sẽ là năm có tỷ giá VND/USD ổn định hơn so với các năm trước. “Diễn biến tỷ giá và giá các hàng hóa thiết yếu đang cho thấy những tín hiệu khá tích cực đối với vấn đề lạm phát tại Việt Nam”, BVSC bình luận. Cơ quan này cho rằng lạm phát năm 2012 sẽ dao động trong khoảng 8-9%. “Đây là mức lạm phát tích cực nếu so với diễn biến lạm phát năm 2011 và đây cũng là cơ sở để NHNN có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ, tiến tới giảm lãi suất trên thị trường”.
Linh Lan