Tuyệt đối không để thế lực thù địch lái hệ thống luật pháp đi đường khác

Tuyệt đối không để thế lực thù địch lái hệ thống luật pháp đi đường khác
(PLO) - "Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay", Tổng Bí thư nêu rõ khi phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV. 

Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các vị khách quý,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước,

Cách đây gần 2 tháng, ngày 22/5/2016, trên đất nước ta đã diễn ra một sự kiện chính trị trọng đại; đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Hơn 67 triệu cử tri khắp mọi miền Tổ quốc đã nô nức đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn, bầu được 494 đại biểu Quốc hội và 321.392 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp - những người thay mặt nhân dân gánh vác trọng trách ở cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân từ Trung ương đến địa phương. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chào mừng thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; nhiệt liệt chúc mừng các vị đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cả nước vừa trúng cử; hoan nghênh và cảm ơn toàn thể cử tri, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cơ quan, tổ chức liên quan đã hoàn thành tốt trọng trách của mình trong cuộc bầu cử này.

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đã khép lại với nhiều hoạt động sôi nổi và những thành tích nổi bật, góp phần làm giàu thêm truyền thống vẻ vang 70 năm Quốc hội Việt Nam, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đều đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng được đẩy mạnh, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới.

Những kết quả đó là một trong những tiền đề quan trọng và là bài học kinh nghiệm quý báu cho Quốc hội khoá XIV và các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo. Tôi nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Quốc hội khoá XIII đã đạt được.

Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,

Quốc hội khoá XIV bắt đầu hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước có những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực, phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn, đoàn kết đồng lòng để đưa nước ta vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Quốc hội có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của Quốc hội các khoá trước, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo Hiến pháp và luật định để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách trước nhân dân, trước đất nước. Với tinh thần đó, tôi xin kiến nghị với Quốc hội quan tâm thực hiện một số định hướng lớn sau đây:

1- Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hoá Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Muốn thế, cần bám sát, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và phân tích, nắm chắc yêu cầu thực tiễn cuộc sống; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Nỗ lực phấn đấu để đến năm 2020 nước ta có đủ những đạo luật cơ bản cần thiết điều chỉnh các quan hệ xã hội; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tập trung vào các lĩnh vực: tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với yêu cầu phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Coi trọng hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, tiền tệ, đầu tư, kinh doanh, môi trường, tạo điều kiện quản lý và sử dụng mọi nguồn lực của đất nước một cách có hiệu quả; khắc phục tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực này... Đồng thời, quan tâm đến các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hoá, thông tin, dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế...

Trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, chú trọng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam. Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

2- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Thông qua giám sát kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ luỵ nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Nghiên cứu, bổ sung, từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động giám sát theo hướng xác định rõ phạm vi, đối tượng chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội; thẩm quyền giám sát của các chủ thể; cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành; chú trọng hơn nữa vấn đề hậu giám sát. Hoạt động giám sát không dàn trải, tập trung vào các vấn đề quan trọng, bức xúc mà nhân dân và cử tri quan tâm. Tăng cường hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, đi sâu phân tích vấn đề một cách tập trung và thực chất, qua đó làm rõ hơn tình hình và nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo ra những chuyển biến thực sự trong thực tiễn.

3- Đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; về các dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm, tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi, tư tưởng của đông đảo nhân dân, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước; bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra các dự án, công trình, đề án. Chú trọng cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu và các điều kiện bảo đảm để Quốc hội xem xét, quyết định một cách chuẩn xác nhất.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành việc bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là một nhiệm vụ rất hệ trọng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra; căn cứ vào thực tế tình hình đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về cơ cấu tổ chức, nhân sự của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ XIV; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ, chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khoá tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn, bầu hoặc phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

4- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tăng cường đối ngoại song phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội các nước. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Chú trọng công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo ở tầm chiến lược, dài hạn. Thực hiện tốt công tác điều hoà, phối hợp trong hoạt động đối ngoại, tránh trùng lắp về nội dung, thời gian, địa điểm của các đoàn đi thăm và làm việc ở nước ngoài.

5- Về tổ chức, phương thức hoạt động và chế độ làm việc: Thực tiễn cho thấy, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và cá nhân từng đại biểu Quốc hội.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội là những cơ quan do Quốc hội bầu, có trách nhiệm giúp Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, các vấn đề trước khi trình Quốc hội phải được nghiên cứu, bàn bạc một cách kỹ lưỡng, xem xét cẩn trọng, tập thể quyết định theo đa số tại các cơ quan của Quốc hội; và khi trình ra Quốc hội chỉ tập trung vào một số vấn đề lớn, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau về quan điểm, chính sách để Quốc hội xem xét, quyết định.

Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tăng thẩm quyền, đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực hoạt động của Hội đồng dân tộc và các uỷ ban trong việc thẩm tra các dự án luật, các đề án, công trình quan trọng quốc gia.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có mối quan hệ công tác chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; do đó cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, kịp thời trao đổi về những vấn đề cần thiết để giải quyết có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chung và của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Đối với cá nhân đại biểu Quốc hội - người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, dù ở cương vị công tác nào cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời nêu cao phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gương mẫu học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác; nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác.

Ngoài ra, cần thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn các cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng tinh gọn, tăng tính chuyên nghiệp, tương xứng với tính chất, yêu cầu của công việc. Đồng thời có cơ chế cụ thể khuyến khích, huy động đội ngũ cộng tác viên, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia đóng góp vào hoạt động của Quốc hội, nhất là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,

Yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra trước Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khoá XIV những nhiệm vụ rất nặng nề và cao cả. Cử tri cả nước đang kỳ vọng Quốc hội khoá mới sẽ kế thừa, phát huy những thành quả của Quốc hội các khoá trước, tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, theo trách nhiệm và quyền hạn được Hiến pháp quy định, đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo xây dựng Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng, Quốc hội khoá XIV, với tinh thần dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm, sẽ thực hiện thành công sứ mệnh của mình, tiếp tục ghi thêm mốc son mới vào lịch sử vẻ vang và tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.

Xin chúc sức khoẻ các vị đại biểu Quốc hội và các vị khách quý. Chúc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XIV thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyện chưa kể về lần hát 'hụt' ở Trường Sa

Nghi thức thả lễ, vòng hoa tại Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Nhận được lời bài thơ qua tin nhắn điện thoại vào đêm trước khi tàu KN 491 rời cảng, nghệ sĩ Lại Hồng Toan (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định) không giấu được cảm xúc. Những giai điệu chèo quen thuộc như hòa quyện với lời thơ suốt hải trình đến với Trường Sa…

Thành kính tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ

Thành kính tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ
Hàng triệu trái tim người con đất Việt và đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế hướng về Hà Nội, với niềm tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên khắp các tuyến phố Hà Nội - cung đường đoàn tang lễ đi qua, người dân kính cẩn tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi Người yên giấc ngàn thu tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Trọn đời vì nước, vì dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(PLVN) - Hôm nay (26/7), ngày thứ hai Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cộng sản chân chính, nhà văn hóa lớn, người học trò rất xuất sắc, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối ưu tú của Đảng và đất nước; là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Pháp quyền mãi mãi “nở hoa”…

Pháp quyền mãi mãi “nở hoa”…
(PLVN) - Trên ấn phẩm đặc biệt Xuân Canh Tý 2020 của Báo Pháp luật Việt Nam với tiêu đề “Pháp quyền nở hoa”, Ban Biên tập quyết định lựa chọn phương án trang bìa là ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với mái tóc bạc trắng quen thuộc và nụ cười ấm áp, hiền từ…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành trọn niềm tin yêu, kỳ vọng vào thế hệ trẻ. (Ảnh minh họa: Dương Triều)
(PLVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã truyền cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực về nhân cách, đạo đức cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bằng trí tuệ, sự thông thái, một nhà lãnh đạo có tầm, có tâm và giàu tình cảm, Người đã dành hết đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đến những ngày tháng cuối cùng…

Thành kính, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thành kính, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(PLVN) - Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Thủ đô Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội), từ 7h hôm nay - 25/7. Các đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành; các đoàn nước ngoài cùng đông đảo Nhân dân các địa phương và du khách nước ngoài thành kính viếng Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
(PLVN) - Trên các cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong 3 nhiệm kỳ giữ trọng trách người đứng đầu Đảng ta, một trong những vấn đề luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đau đáu là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ông đã có đóng góp to lớn trong việc phát triển, hoàn thiện mô hình Nhà nước mà ở đó tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân.

Thấm nhuần tâm nguyện của Tổng Bí thư về đổi mới hoạt động và tổ chức của Quốc hội

Lễ ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 16/7/2024. (Ảnh: quochoi.vn)
(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhiều đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ xúc động, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời bày tỏ quyết tâm xây dựng một Quốc hội dân chủ, pháp quyền, chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm.

Bộ đội Biên phòng Hải Phòng khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cát Bà – ngày 10/7/2013.
(PLVN) - Khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng đã luôn đoàn kết, đồng lòng, triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới biển, đảo, cửa khẩu cảng...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: "Cần đặc biệt quan tâm, giúp đỡ các thế hệ tiếp theo của gia đình chính sách, người có công"

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: "Cần đặc biệt quan tâm, giúp đỡ các thế hệ tiếp theo của gia đình chính sách, người có công"
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày 24/7, Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ và Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tỉnh Ninh Bình; thăm, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng Thương binh huyện Nho Quan và thăm hỏi, tặng quà các gia đình có công trên địa bàn huyện Yên Mô và Thành phố Ninh Bình. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà tư tưởng lý luận lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài năng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(PLVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hiện thân của sự hòa quyện giữa mẫu mực về đạo đức và kiệt xuất về tài năng. Trên nhiều phương diện, Tổng Bí thư thể hiện sự uyên bác về trí tuệ và hiệu quả thực tiễn, vươn lên tầm vóc nhà tư tưởng lý luận lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài năng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.