ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết: "Nhiệm kỳ này cần rút kinh nghiệm so với kỳ trước. Tôi cho rằng đúng là việc giám sát của QH đối với bên hành pháp cần phải nỗ lực hơn, sâu sát hơn và kiên quyết hơn.
Không loại trừ do cơ cấu của chúng ta vừa rồi có hiện tượng cả nể. Do đó bây giờ các ban phải làm đúng hơn vai trò của mình còn các đại biểu QH khi được dân cử rồi thì phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn, tránh tình trạng nể nang."
Theo quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa, chính tình trạng nể nang này làm cho việc giám sát không đến nơi đến chốn. Luật đã quy định về việc thành lập các đoàn giám sát lâm thời hay ủy ban lâm thời để kiểm tra việc gì đó nhưng chúng ta chưa bao giờ làm vấn đề này. Nếu phát hiện việc gì đó nghiêm trọng thì chúng ta nên làm.
DDBQH khóa 14 Trương Trọng Nghĩa |
"Ví dụ QH nên có một ủy ban lâm thời xem xét về toàn bộ vấn đề môi trường nổi lên trước mắt tập trung vào Formosa và các dự án.
Tôi ủng hộ nên có ủy ban này vì vấn đề Formosa là vấn đề của 70 năm tới. Chưa gì người ta thấy anh này vi phạm pháp luật Việt Nam, coi thường quyền lợi của người dân Việt Nam. Nếu chúng ta thấy hành pháp có sơ hở hoặc đôi lúc tôi có cảm giác như bất lực trước các sai phạm kể cả cấp trung ương và cấp tỉnh. Do đó, tôi cho rằng việc giám sát của kỳ này nên đề ra một cách mạnh mẽ và nghiêm túc hơn." - ĐB Trương Trọng Nghĩa đưa quan điểm.
Qua các câu chuyện về xét duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vấn đề các báo cáo môi trường, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải xem lại những cái gọi là quy trình "bởi quy trình do con người tạo ra, xây dựng nên và thông qua. Nếu con người tốt, có trách nhiệm cao thì quy trình có thiếu chặt chẽ thì sẽ bổ sung. Nhưng nếu con người không tốt thì quy trình đã rất chặt chẽ người ta cũng sẽ tìm được cách lách, bỏ qua."
"Do đó, tôi cho rằng đã đến lúc tất cả các quy trình có đủ sức để gạn lọc và ngăn cản được những tiêu cực của những người có trách nhiệm xây dựng và phê chuẩn những quy trình đó hay không. Những quy trình chưa hoàn chỉnh thì sẽ được bổ sung bằng luật pháp bằng các quy định, luật hay các nghị định của Chính phủ hay cả những quy định của Đảng vì có liên quan đến công tác cán bộ.
Nhưng nếu quy trình đã đủ chặt thì chúng ta phải xem lại vấn đề con người. Như vậy, tôi cho rằng có 2 vấn đề cần xem xét: một là quy trình đã hợp chưa, đủ chặt chưa, 2 là con người có tiêu cực hay tham nhũng không. Phải xử lý 2 khâu này thì mới khắc phục được tình trạng trên." - ông nói./.