Nơi lắng nghe nguyện vọng nhân dân
Theo ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại- Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), mặc dù đội ngũ báo chí nước ta nhiều, cán bộ tuyên truyền đông, nhưng rất nhiều thông tin cần biết thì người dân vẫn thiếu và MXH dường như đang thỏa mãn “cơn khát” thông tin đó.
MXH còn là không gian để người dân được bày tỏ ý kiến một cách nhanh chóng, tiện lợi mà các cơ quan báo chí với chức năng là diễn đàn của nhân dân chưa đáp ứng hết.
Thống kê của Bộ TT&TT cho biết, hiện ở Việt Nam có 2 MXH lớn và 8 MXH nhỏ, cùng với hơn 400 MXH dưới dạng các diễn đàn. Việt Nam là một trong 15 quốc gia có số người dùng smartphone cao nhất thế giới với 43,7 triệu người và có hơn 65 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet.
Khi người dân được tự do bày tỏ quan điểm trên không gian mạng thì đó là cơ hội để có được những tranh luận cần thiết đối với xã hội, từ đó có thể hình thành và phát triển các ý tưởng mới để thúc đẩy xã hội phát triển. “MXH là nơi xuất phát của những manh mối thông tin ban đầu và là nơi cung cấp manh mối sự thật cho nhiều câu chuyện. Vì vậy, chúng ta phải tiếp nhận MXH như cơ hội lớn về nguồn thông tin”- ông Nghiêm nhận định.
Nhận thức rõ sức mạnh và ảnh hưởng to lớn của không gian mạng đối với xã hội, tại hội nghị tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, diễn ra vào đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Công tác dân vận rất quan trọng trong thời đại bùng nổ thông tin. Chúng ta cần làm tốt công tác dân vận trên không gian mạng - lĩnh vực rất mới trong công tác dân vận hiện nay.
Trước đó, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” cũng yêu cầu phải mở rộng các kênh thông tin truyền thông, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội. Phát huy sức mạnh của dư luận xã hội lành mạnh hỗ trợ cho các biện pháp quản lý của Nhà nước.
Biết sử dụng, tiếp nhận thông tin trên không gian mạng là cơ quan chức năng có một kênh tiện lợi để thấu hiểu lòng dân - đây là yêu cầu quan trọng đối với cán bộ và cơ quan của Đảng, Nhà nước.
“Bình thường, phải mất rất nhiều tiền bạc, thời gian thăm dò, khảo sát mới có được kết quả đánh giá dư luận xã hội. Còn với MXH, chỉ cần mở điện thoại là nghe được tiếng dân rồi. Cơ quan chức năng, cơ quan báo chí phải coi đây là nơi để lắng nghe nhịp đập của cuộc sống, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân”- ông Nghiêm nhấn mạnh.
Thời gian qua, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý các cán bộ có sai phạm, thông qua việc thăm dò lòng dân trên các phương tiện truyền thông và không gian mạng, dễ dàng nhận thấy tuyệt đại đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được củng cố. Ngược lại, nếu người dân không hài lòng với cách xử lý của cơ quan chức năng thì các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng dễ dàng nắm bắt.
Đơn cử như việc TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra bản án phúc thẩm xét xử vụ án dâm ô trẻ em đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy và quyết định cho bị cáo này được hưởng án treo, ngay lập tức MXH “dậy sóng”.
Đến khi Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao họp Giám đốc thẩm, phạt bị cáo 3 năm tù thì dư luận không còn ý kiến bức xúc nữa. Hoặc khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định con trai Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này giữ chức Bí thư Thành ủy TP Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng gây ra cơn “bão” dư luận.
Kênh xử lý khủng hoảng truyền thông
Tuy MXH là nguồn thông tin hấp dẫn, có giá trị lớn, nhưng theo đánh giá của ông Nghiêm, đó mới chỉ là thông tin ở dạng quặng, giá trị này phải được xử lý để biến thành vàng. Trước hết, những người lãnh đạo, người quản lý cần có tư duy đúng, giải pháp trúng trong cách ứng xử và ứng phó với MXH.
Các cơ quan chức năng phải coi MXH là một diễn đàn khổng lồ với 65 triệu cư dân mạng. Đấy vừa là khách hàng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, vừa là đối tượng để các tổ chức Đảng tương tác, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để vận động, định hướng.
Cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước hàng ngày, hàng giờ phải theo dõi được tâm trạng của dân. Nếu chỉ ngồi nghe báo cáo thôi sẽ không kịp thời, thậm chí lạc hậu với tình hình. Tốt nhất là cán bộ nên tự mình sử dụng MXH hiệu quả, coi đó là một yêu cầu của người đứng đầu tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước.
Vẫn lời ông Nghiêm, MXH là nơi có thể phát hiện, theo dõi diễn biến của khủng hoảng truyền thông và cũng có thể là một kênh quan trọng để xử lý khủng hoảng truyền thông. Ngay trước Đại hội Đảng các cấp, nếu MXH lan truyền thông tin ông này tham nhũng, ông kia dùng bằng giả,… với những thông tin bất lợi ảnh hưởng đến người lãnh đạo thì phải coi đây là việc cấp bách, khẩn trương tổ chức xác minh và kết luận.
Khi đã có kết luận thì cần công bố ngay trong Đảng, trên các phương tiện truyền thông và cả trên MXH. Cá nhân bị tố cáo sai cũng có thể chủ động đưa bằng chứng để chứng minh, bác bỏ thông tin sai sự thật lên trang mạng đã lan truyền thông tin bịa đặt đó, chứ không chỉ ngồi đợi cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra vào cuộc…
“Do vậy, kỹ năng phòng ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông là một yêu cầu quan trọng hiện nay đối với thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan Đảng và Nhà nước, để có thể biến đám cháy to thành đám cháy nhỏ.” - ông Nghiêm nói. (Còn tiếp)