Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ thực trạng, ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội đến môi trường báo chí Việt Nam cũng như giải pháp trước các thông tin, quan điểm cực đoan, lệch lạc, sai trái trên mạng xã hội; đồng thời đề xuất với các cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng...
Theo ông Trần Hữu, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, với nguồn thông tin đa dạng, mạng xã hội đã trở thành nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, đây cũng là nơi phát tán các thông tin không chính xác, sai sự thật, thông tin vô bổ hoặc thiếu kiểm chứng, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc mang tính chống đối của các thế lực thù địch.
Lưu ý về chủ đề báo chí và cơn bão tin giả, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng tin giả đang là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khi thông tin tràn ngập đã xảy ra nhiều vấn đề khiến người đọc, người nghe không biết đâu là tin thật/giả. Theo chia sẻ tại tọa đàm, hiện tỉ lệ người tin tưởng vào tin giả lên tới 70 – 80%. Đáng chú ý là báo chí cũng dễ mắc bẫy tin giả. Thực tế tại Việt Nam, không ít nhà báo đã bị lừa bởi thông tin trên mạng xã hội. Nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các tin giả hoặc tin không rõ nguồn gốc, góp phần phát tán thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là thông tin sai lệch.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trình độ, năng lực của một bộ phận nhà báo không theo kịp sự phát triển của mặt bằng kiến thức xã hội; là sự dễ dãi trong việc khai thác nguồn tin từ mạng xã hội, quá trình tác nghiệp cẩu thả, hời hợt. Cùng với đó, tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội cũng đang trở nên phổ biến và rất đáng lo ngại.
Tìm giải pháp cho vấn nạn này, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết. Theo đó, để chọn lọc những thông tin tốt, bài trừ những thông tin xấu, độc từ mạng xã hội, đoàn viên, thanh niên cần nâng cao kiến thức, năng lực xã hội; chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội tích cực; đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phục vụ đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi thông tin sai trái, bịa đặt trên internet. Và quan trọng hơn cả là báo chí cần chủ động hành động, gây dựng lại niềm tin của công chúng. Đây là vấn đề cần được các cơ quan báo chí và chính bản thân mỗi nhà báo đặt sự quan tâm đúng mức, bởi nó không chỉ quan trọng với sự tồn vong của báo chí mà còn liên quan tới sự ổn định của xã hội.