Tuyển sinh đại học năm 2022: Các kỳ thi riêng “lên ngôi”

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP HCM đợt 1.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP HCM đợt 1.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Còn 3 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT mới bắt đầu. Nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự các kỳ thi riêng tại các trường đại học đã tăng mạnh do năm nay các trường đại học tăng xét tuyển bằng điểm thi riêng, giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp.

Điểm thi thấp hơn do học online kéo dài?

Đại học (ĐH) Quốc gia TP HCM đã chính thức công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 của gần 80.000 thí sinh dự thi. Kỳ thi diễn ra sáng 27/3 vừa qua tại 17 tỉnh, thành. So với năm 2021, điểm thi năm nay được đánh giá thấp hơn so với các năm trước.

Phân tích phổ điểm thi năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP HCM cho biết, qua phân tích 79.372 bài thi cho thấy điểm trung bình của thí sinh là 646.1 điểm, 117 thí sinh trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.087 điểm và thấp nhất là 210 điểm, thang điểm 1.200. So với năm 2021, dù số lượng thí sinh năm nay cao hơn năm trước hơn 10.000 thí sinh nhưng số thí sinh có mức điểm từ 700 trở lên giảm hơn hẳn.

Về vấn đề này, ông Chính nhận định: “Phân bố điểm thi đánh giá năng lực của đợt 1 năm nay hơi lệch về bên trái, thể hiện kết quả thi hơi thấp hơn so với các năm trước. Điều này có thể do nhóm thí sinh năm 2022 bị ảnh hưởng bởi tiến độ học tập chậm hơn các năm trước và quá trình học online kéo dài”.

Trước câu hỏi, điểm chuẩn năm nay liệu có giảm khi điểm thi thấp hơn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng, sự dịch chuyển toàn bộ phổ điểm là có nhưng không phải là sự xê dịch lớn. Sự cạnh tranh năm nay là giữa các thí sinh với nhau, điểm chuẩn năm 2021 chỉ là tham khảo. Điểm chuẩn chịu sự tác động của nhiều yếu tố gồm chỉ tiêu cụ thể từng ngành, số lượng thí sinh đăng ký và chất lượng điểm thi. Do vậy, dù phổ điểm thi thấp hơn nhưng điểm chuẩn sẽ tùy thuộc từng ngành, căn cứ vào thực tế chỉ tiêu và số thí sinh đăng ký.

Hiện cổng đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP HCM bắt đầu nhận hồ sơ. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính lưu ý thí sinh, trong thời gian từ nay đến hết ngày 25/4, thí sinh có thể thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường. Thí sinh có thể điều chỉnh thứ tự nguyện vọng hoặc đăng ký bổ sung trong khoảng thời gian trên. Tuy nhiên, thí sinh không được xóa nguyện vọng đã đăng ký trước đó và chỉ được điều chỉnh một lần. Sau khi hoàn tất thủ tục nộp phiếu lên hệ thống và thanh toán lệ phí, thí sinh không được thay đổi. Thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện việc điều chỉnh này.

Thí sinh đổ xô thi đánh giá năng lực

Bộ GD-ĐT đã thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2022. Theo đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.

Trong mùa tuyển sinh 2022, ước tính khoảng 250.000 thí sinh sẽ dự các kỳ thi đánh giá năng lực và khoảng 130 trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường ĐH.

Hiện 8 đơn vị đã công bố tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Các kỳ thi riêng này thường được gọi chung là kỳ thi đánh giá năng lực nhưng trên thực tế có tên gọi khác nhau. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội gọi là kỳ thi HSA đánh giá năng lực học sinh THPT; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: kỳ thi đánh giá tư duy; Trường ĐH Việt Đức: kỳ thi đánh giá năng lực TestAS; Trường ĐH Sư phạm TP HCM: kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt; ĐHQG TP HCM, khối các trường ĐH Công an, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Hồng Bàng: kỳ thi đánh giá năng lực.

Tuy nhiên, dựa trên quy mô tổ chức thi, số thí sinh dự thi và số trường ĐH dùng chung kết quả để xét tuyển, có 3 kỳ thi đánh giá năng lực quan trọng nhất, gồm kỳ thi của ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

ĐHQG TP HCM tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực, đều trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Đợt 2 sẽ tổ chức ngày 22/5 tại 4 địa phương với khoảng 30.000 thí sinh dự thi. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM được 85 trường ĐH-CĐ sử dụng để xét tuyển.

ĐHQG Hà Nội dự kiến tổ chức 12 đợt thi HSA trên máy tính từ cuối tháng 2 đến tháng 7/2022, dự kiến 75.000 thí sinh sẽ dự thi tại 8 địa phương và 65 trường ĐH dùng chung kết quả để xét tuyển. Đến nay, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức được 4 đợt thi HSA với hơn 12.000 thí sinh tham gia. GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, đơn vị này đặt chỉ tiêu có hơn 50.000 lượt thí sinh dự thi Đánh giá năng lực trong năm nay và xây dựng quy mô tổ chức có thể đáp ứng được hơn 70.000 lượt thi, chia thành nhiều đợt thi.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ tổ chức 1 đợt thi đánh giá năng lực sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 1 tuần tại 5 địa phương. Kết quả của kỳ thi này được hơn 20 trường ĐH sử dụng chung.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dành 60% - 70% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Các trường thành viên ĐHQG TP HCM cũng dành tỉ lệ chỉ tiêu cao cho phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực. Theo đó, Trường ĐH Bách khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xét 40% - 70%; Trường ĐH Kinh tế - Luật xét 40% - 60% chỉ tiêu…

Thi riêng, lựa chọn được thí sinh phù hợp

Lý giải về việc tổ chức thi riêng và sử dụng kết quả các kỳ thi riêng, lãnh đạo các trường ĐH cho rằng, đây là việc nhằm giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của trường. Đặc biệt trong bối cảnh điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm độ phân hoá trong những năm gần đây, gây khó khăn trong xét tuyển, nhất là với các ngành, trường tốp trên.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐHQG TP HCM, các đợt thi vừa qua của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM cho thấy thí sinh trường chuyên và trường THPT lớn tham gia với tỉ lệ rất cao. Tất cả trường THPT chuyên từ Quảng Bình trở vào đều có học sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM. Trong đó, rất nhiều trường có tỉ lệ học sinh dự thi hơn 50% tổng số học sinh khối 12. Rõ ràng, đây là nguồn tuyển đầu vào có chất lượng cao hơn nhiều so với phương thức xét tuyển học bạ THPT.

Đồng thời, TS Nguyễn Đức Nghĩa nhận định, đề thi ổn định và có độ phân hóa tốt cũng là ưu điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực. Ngay cả đề thi tốt nghiệp THPT tuy có độ tin cậy cao hơn kết quả học bạ THPT nhưng phổ điểm các năm liên tục vừa qua chưa cho thấy độ ổn định. Với các đợt thi đã tổ chức cuối tháng 2/2022, phân bố điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội không khác biệt nhiều so với phổ điểm năm 2021.

Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM cũng ổn định ngay từ những năm đầu tiên. Phổ điểm thi của đợt 1/2022 gần như có phân bố chuẩn và đồng dạng với các năm 2018, 2019, 2020, 2021. Đề thi đánh giá năng lực đạt yêu cầu về độ khó, độ phân hóa để các trường ĐH, CĐ sử dụng xét tuyển chính xác.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...