Bề dày lịch sử đáng tự hào
Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thuở dựng nước, Tuyên Quang là “phên dậu” vững chắc che chắn kinh thành Thăng Long.
Trong Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa cách mạng - là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.
Truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường ấy tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Trải 190 năm kể từ ngày ấy - 04/11/1831 ngày thành lập tỉnh, Tuyên Quang đã có những bước tiến quan trọng trên những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Bị sự thống trị của chế độ phong kiến, sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi rất nghèo nàn và lạc hậu, sưu cao thuế nặng, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ... Không cam chịu bất công, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã liên tục nổi dậy chống lại sự áp bức, bóc lột của quan lại, cường hào, thực dân đế quốc, trong hơn mười năm đấu tranh vũ trang của phong trào Cần Vương, Tuyên Quang luôn là địa bàn hoạt động, là hậu phương cho các nghĩa quân của nhiều thủ lĩnh Cần Vương...
Trong những năm 1941 đến đầu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang đã có sự phát triển mạnh mẽ. Lực lượng Cứu quốc quân xây dựng được nhiều cơ sở Việt Minh ở các xã thượng huyện Sơn Dương, huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa...
Đến giữa năm 1944, phong trào cách mạng hình thành hầu hết ở các vùng nông thôn Tuyên Quang và phát triển lên thành cao trào, trọng tâm là các hoạt động cách mạng chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền. Trong đó, nổi bật là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Thanh La thắng lợi đêm 10/3/1945.
Nhận thấy Tuyên Quang hội đủ các yếu tố bí mật, an toàn của một căn cứ cách mạng: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ngày 21/5/1945, Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) về đến Tân Trào (Tuyên Quang) để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tháng 6/1945, Bác chỉ đạo thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà. Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là Thủ đô Khu giải phóng - trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã có những quyết định lịch sử cực kỳ quan trọng tới vận mệnh quốc gia, dân tộc: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến 15/8/1945), quyết định lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc; Quốc dân Đại hội Tân Trào (từ ngày 16 đến 17/8/1945), biểu thị ý chí, quyết tâm tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của đồng bào cả nước, bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Trong những năm tháng gian khó của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách làm tròn sứ mệnh thiêng liêng là Thủ đô kháng chiến, đùm bọc chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ và các cơ quan Trung ương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực hiện đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, quân và dân Tuyên Quang vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa trực tiếp chiến đấu đẩy lùi các cuộc tiến công quân sự của địch, với những chiến thắng giòn giã: Bình Ca, Km 7, cầu Cả, Khe Lau..., góp phần mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não kháng chiến.
Là căn cứ địa vững chắc, Thủ đô kháng chiến, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã đóng góp nhiều nhân lực, vật lực, tham gia phục vụ, bảo vệ các đại hội, hội nghị quan trọng của Đảng, Chính phủ tổ chức tại Tuyên Quang như: Đại hội II của Đảng, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Hội nghị liên minh ba nước Việt - Miên - Lào, Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất...
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài việc tiễn đưa con em mình tòng quân giết giặc ngoài mặt trận, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang còn đóng góp hàng vạn ngày công, hàng nghìn tấn gạo, hàng nghìn tấn thịt lợn, trâu, bò...góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển trên mọi lĩnh vực
Trong thời kỳ xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển trên các lĩnh vực.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành, tỉnh Tuyên Quang |
Tuyên Quang được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời bình. Sau khi độc lập, Tuyên Quang đã nhanh chóng bắt tay vào phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục ổn định đời sống, sản xuất, đồng thời tích cực xây dựng thế trận phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Tuyên Quang đã giành được những thành tựu nổi bật quan trọng: Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; GDP bình quân tăng hàng năm, tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020 Đại hội Đảng bộ tỉnh, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 6,45%; năm 2020, tổng sản phẩm GRDP đạt 34.624 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng từ 1.368 USD năm 2015 lên 1.921 USD (44,57 triệu đồng) năm 2020; thu ngân sách đạt 2.309 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,03%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng; quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững.
Đình Tân Trào |
Là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Bắc của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng và cơ hội để tạo đà cho nền kinh tế có bước phát triển nhảy vọt. Bất chấp những khó khăn của dịch bệnh COVID-19, Tuyên Quang tiếp tục đưa ra nhiều chính sách, phương án xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tế để thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc, tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI tại địa phương đã thúc đẩy đáng kể các doanh nghiệp đầu tư vào Tuyên Quang
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số, Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm số hóa toàn diện các lĩnh vực của tỉnh nhằm tạo ra khả năng phát triển nhảy vọt thời gian tới.
Có thể thấy, với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, trong suốt thời kỳ đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội, Tuyên Quang đã có những bước chuyển dịch tích cực, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển. Bước sang đầu năm mới 2022, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để xây dựng tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh.
Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tự hào quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến và thực tiễn phát triển trong 190 năm qua, Đảng bộ Tuyên Quang rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, xác định rõ phương hướng, mục tiêu cho mỗi giai đoạn phát triển, trên tinh thần trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, với phương châm hành động như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.